Hiểm họa trẻ đuối nước từ những khúc sông quê

Hiểm họa trẻ đuối nước từ những khúc sông quê

(GD&TĐ) - Mùa hè đến cũng là đem về một nỗi lo thường trực trước vấn đề trẻ em đuối nước (chết đuối). Cái oi bức đầu hè như thêm phần ngột ngạt khi dư luận cả nước liên tiếp đón nhận những hung tin, những cái chết từ một thực trạng đã được cảnh báo.

Cùng với một số tỉnh thành khác trong cả nước, Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng trẻ em đuối nước cao. Sở dĩ Thanh Hóa nằm trong tốp có số lượng trẻ đuối nước cao là do tỉnh này có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều sông suối, có đường bờ biển kéo dài…

Bên cạnh những yếu tố trên, trình độ dân trí thấp, không đồng đều ở các vùng cao, trung du, vùng ven biển cũng là một yếu tố dẫn đến tình trạng trẻ đuối nước ở Thanh Hóa. Sự bất cẩn của người lớn thường là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những tai nạn thương tâm của trẻ nhỏ.

Điển hình cho trường hợp này là tai nạn thương tâm của một cháu bé mới 19 tháng tuổi, ở xã Thượng Ninh (Như Xuân, Thanh Hóa). Chỉ sau khi tận mắt nhìn thấy xác con mình dạt bên bờ suối, gia đình vợ chồng anh chị Ph – H. mới chịu tin cháu A bị đuối nước.

Tai nạn đuối nước luôn rình rập trẻ em vào mùa nắng nóng
Tai nạn đuối nước luôn rình rập trẻ em vào mùa nắng nóng

Trước đó, cả anh Ph. và gia đình đều quả quyết cho rằng cháu A đã bị bắt cóc. Anh Ph cho biết khoảng 8 giờ sáng anh bế cháu A. sang nhà bố đẻ ở cùng thôn. Tại đây anh Ph. gửi con trai cho bố đẻ mình rồi quay về nhà làm việc.

Ông Kh (bố anh Ph) cho biết sau khi anh Ph đi khỏi, ông cùng cháu A nằm trên giường xem ti-vi và ông Kh ngủ quên lúc nào không hay. Sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ vợ ông Kh đi làm về mới đánh thức chồng dậy. Cũng từ thời điểm này, gia đình ông Kh không biết cháu A ở đâu.

Không thấy con mình, anh Ph đã huy động hàng trăm người trong xóm đi tìm kiếm. Vì xác định cháu A mới 19 tháng tuổi, không thể đi xa nên ban đầu người dân suy đoán cháu gặp tai nạn. người dân tìm kiếm dưới giếng, ao… trong khu vực quanh nhà ông Kh.

Dù vậy mọi người không thể tìm thấy cháu A Đến lúc này anh Ph quả quyết rằng con trai mình đã bị người xấu bắt cóc. Tuy nhiên, hai ngày sau khi cháu A “mất tích”, một người dân nhìn thấy xác cháu bé ven bờ suối, cách nhà ông Kh khoảng 4 km. Cả gia đình anh Ph bàng hoàng khi nhận tin và đau đớn biết được nguyên nhân cháu A tử vong là vì… đuối nước.

Bên cạnh sự bất cẩn của người lớn, việc nhiều trẻ em không biết bơi hoặc kỹ năng bơi lội, ứng cứu các tình huống đuối nước không đạt yêu cầu đã dẫn đến những tai nạn đuối nước càng khốc liệt và thương tâm hơn.

Hai bố con anh Dư Mạnh Hiền (49 tuổi) và Dư Hiền Đức (20 tuổi) quê xã Quảng Vinh (Quảng Xương, Thanh Hóa) gặp nạn và chết đuối trong sự bất lực đứng nhìn của những người không biết bơi. Trong khi tắm biển, thấy con trai gặp nạn anh Hiền lao ra cứu nhưng bị sóng cuốn ra xa.

Lúc này, trên bờ biển có hai người cháu của anh Hiền chứng kiến sự việc nhưng do không biết bơi nên cả hai không dám lao ra ứng cứu bố con anh Hiền. Nhận được tin báo, người dân trong vùng lao ra biển vớt được anh Hiền và con trai nhưng sự việc đã quá muôn. Cả hai bố con anh Hiền đều đã tử vong.

Tai nạn đuối nước không còn là điều xa lạ nhưng năm nào cũng xảy ra và luôn có những tai nạn thương tâm. Việc dạy bơi cho trẻ là giải pháp tốt nhưng khó thực hiện trên diện rộng và chưa thể áp dụng ngay trong tất cả các trường học.

Vì vậy, thay vì được học bơi lập tức, trước mắt các em cần được học cách nhận biết và tránh xa nơi ao hồ, sông, suối. Bên cạnh đó trẻ em cần được trang bị các kỹ năng ứng phó khi xảy ra nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của mình. Nơi tốt nhất để dạy trẻ những điều này chính là nhà trường và gia đình. Có như vậy, mục tiêu hạn chế những tai nạn thương tâm từ đuối nước mới thực hiện được.

Hoàng Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.