Các thiết bị di động trên chuyến bay luôn tiềm tàng ẩn họa khôn lường (AP).
Khi di chuyển bằng máy bay, cơ hội một hành khách mang theo điện thoại di động là rất lớn. Nhưng do sự tinh vi những chiếc điện thoại thông minh ngày nay, chính quyền và nhiều hãng hàng không rất quan ngại - và trong trường hợp mẫu điện thoại mới của Samsung, mối quan ngại đó rất thực tế.
Vào hôm thứ Bảy tuần trước, Bộ Giao thông Mỹ đã chính thức cấm mẫu điện thoại Samsung Galaxy Note 7 đối với tất cả các chuyến bay trong nước của họ. Bất kỳ hành khách nào bị phát hiện mang theo mẫu điện thoại này trong hành lý đều bị coi là làm gia tăng rủi ro xảy ra các tai nạn thảm khốc- một tuyên bố mà Bộ này đưa ra cho hay.
Câu chuyện đằng sau tuyên bố này là rất rõ ràng, và đã lan truyền trên khắp thế giới: Một vài tuần sau khi tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc cho ra mắt Note 7 hồi tháng 8, xuất hiện nhiều báo cáo trên khắp thế giới cho biết pin lithium của nó bị bốc cháy trong lúc đang hoặc đã sạc đủ điện.
Vào thời điểm đó, đã có khoảng 2,5 triệu chiếc điện thoại Note 7 đã được bán ra toàn cầu; và sự cố này đã khiến cho Samsung phải thu hồi lại tất cả. Hồi đầu tháng này, tập đoàn Hàn Quốc còn tuyên bố sẽ ngừng vĩnh viễn việc sản xuất và bán mẫu điện thoại này ngay lập tức vì lợi ích của khách hàng.
Tuy nhiên, Galaxy Note 7 cũng chỉ là một trong số ít các trường hợp tương tự khiến không ít các hãng hàng không và cơ quan quản lý phải đau đầu trong suốt nhiều năm qua. Trong khi các sự việc liên quan đến điện thoại cháy, nổ tạo nên tình thế hết sức nguy hiểm; thì nhiều vấn đề khác liên quan tới điện thoại di động trên máy bay đến nay vẫn là vấn đề nan giải.
Vũ khí của những kẻ khủng bố
Ở thời kỳ hậu sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng như sự bùng nổ mạnh mẽ của các thiết bị điện tử cá nhân- hay còn gọi là PED, đã khiến cho mối quan hệ giữa máy bay và điện thoại di động trở nên cực kỳ phức tạp.
Năm 2014, Cơ quan An ninh Giao thông Mỹ (TSA), được thành lập năm 2001 để đối phó với các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, đã đưa ra quy định mới đối với việc mang theo PED trên các chuyến bay: Nếu di chuyển từ một nước khác tới Mỹ, các thiết bị này cần phải được sạc pin trước đó để bật được lên trong trường hợp được nhân viên an ninh yêu cầu.
Lý do vì sao? Bởi cơ quan này lo ngại rằng những kẻ khủng bố có thể thay thế các cục pin của các thiết bị điện tử di động- như điện thoại di động – bằng một trái bom cỡ nhỏ. Các quả bom loại này có kích cỡ nhỏ nên rất khó bị phát hiện, ngay cả khi đã đi qua máy quét X-quang hay máy phát hiện kim loại. Quy định mới trên là một phần của “các biện pháp an ninh tăng cường” mà chính quyền Mỹ áp dụng tại một số sân bay nhất định, trong đó gồm tuyến đường bay trực tiếp giữa Mỹ và Anh.
Mẫu Samsung Galaxy Note 7 bị thu hồi sau bê bối cháy nổ. (Nguồn: BBC).
Mối đe dọa hiện hữu
Các biện pháp an ninh tăng cường mà TSA đưa ra là theo chỉ thị của Bộ An ninh nội địa Mỹ nhằm đối phó với mối đe dọa rất thực tế. “Việc đảm bảo an ninh hàng không bao gồm hàng loạt các biện pháp, cả hữu hình và vô hình”; Bộ trưởng Bộ an ninh Nội địa Jeh Johnson, nói trong một tuyên bố hồi năm 2014, mà không đưa thêm lời giải thích nào khác.
Tiếp theo đó, TSA đưa ra một đề xuất bắt hành khách đi máy bay phải giao nộp thiết bị sạc pin của họ tại cổng vào sân bay.
“TSA, hợp tác chặt chẽ với các đối tác tình báo, tiếp tục đánh giá mối đe dọa hiện tại nhằm đảm bảo mức an ninh hàng không cao nhất mà không làm ảnh hưởng tới hành khách”- TSA nói trong một tuyên bố.
Nhưng may mắn thay, kể từ đó đến nay, nước Mỹ chưa từng gặp phải một sự việc nguy hiểm nào có liên quan tới bom giấu trong một chiếc điện thoại di động cả.
Vì sao phải để “Chế độ máy bay”?
Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) từng nghiên cứu 75 tai nạn máy bay đã xảy ra có liên quan đến các thiết bị điện tử từ năm 2003 đến 2009. 26 vụ tai nạn là do hệ thống điều khiển máy bay bị ảnh hưởng, 17 là do hệ thống định hướng, 15 là do hệ thống liên lạc và 13 vụ là do phát ra sóng điện từ. Thiết bị điện tử được cho rằng gây ra những tai nạn đó nhiều nhất là điện thoại di động.
Ngày nay trên khắp thế giới, hành khách đi máy bay sau khi đã ổn định chỗ ngồi đều được nghe một đoạn thông báo liên quan tới thiết bị di động từ phi hành đoàn đã trở nên quá quen thuộc: “Thưa quý khách, hãy chuyển sang chế độ máy bay cho các thiết bị di động”. Vậy nên nhiều người đặt ra câu hỏi rằng nếu như họ không bật chế độ máy bay của điện thoại thì sẽ xảy ra chuyện gì? Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
Do điện thoại di động phát ra các bước sóng radio, chúng có thể gây ảnh hưởng tới các thiết bị thông tin liên lạc trên máy bay, như radar hay hệ thống cảnh báo va chạm của máy bay. Có nhiều chuyên gia còn tin rằng nó còn gây ảnh hưởng tới thiết bị tai nghe của các phi công. Và đó chính là lý do mà các hãng sản xuất cho ra đời chế độ máy bay của điện thoại di động – nó tắt hoàn toàn hoạt động phát tín hiệu của thiết bị này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải bất kỳ hành khách nào cũng có ý thức làm theo quy định này. Trong một bản thăm dò công bố hồi năm 2013, có khoảng 4/10 hành khách đi máy bay ở nước Mỹ thừa nhận họ không thường xuyên tắt các thiết bị di động khi ở trên các chuyến bay.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng lập ra một danh sách các vụ tai nạn liên quan tới Ped trên máy bay. Trong danh sách này, được cập nhật gần đây nhất là vào tháng 1/2016, có ít nhất 5 vụ tai nạn có liên quan tới sóng điện thoại di động. Một trong những vụ này có nội dung: “Cơ trưởng báo cáo về khả năng bị can thiệp tín hiệu từ nhiều chiếc di động trong khoang, có thể là nguyên nhân gây ra các trục trặc điện tử trong lúc họ đang điều khiển máy bay”.
Trong khi đó, chưa từng có một sự việc nào liên quan tới một chiếc điện thoại đã được chuyển sang chế độ máy bay. Vậy nên, khi các cơ quan an toàn còn quan ngại về vấn đề này, hành khách vẫn được khuyến cáo bật chế độ trên.
Nỗi lo thiết bị lỗi
Dù đã có rất nhiều quy định, điều khoản và các bước kiểm tra an ninh đối với các thiết bị điện tử cá nhân như vậy, nhưng nếu so với trước đây thì vẫn chưa là gì cả.
Trước năm 2013, các mẫu điện thoại di động hay các thiết bị điện tử khác trên rất nhiều chuyến bay đều bị buộc phải tắt hoàn toàn, cứ không chỉ là yêu cầu chuyển sang chế độ máy bay. Đến sau năm đó, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ mới hủy quy định này, kéo theo hàng loạt cơ quan hàng không ở các quốc gia khác cũng có động thái tương tự.
Ngoài vấn đề an ninh và chế độ máy bay khi di chuyển trên không, thì một vấn đề thực tế khác khiến cho các nhà sản xuất như Samsung phải đau đầu là: Thiết bị bên trong sản phẩm của họ, đặc biệt là các mẫu có pin lithium-ion, cần phải an toàn ngay cả cho bản thân người sử dụng.
Không riêng gì mẫu Note 7 của Samsung mà tất cả các cục pin lithium đều tiềm tàng khả năng bị quá nhiệt và phát nổ. Điều này là do cuộc chạy đua giữa các hãng công nghệ để đạt mục tiêu tối cao của họ: Càng mỏng, càng nhỏ, càng tốt…
Các thiết bị lỗi hoặc chưa hoàn thiện như vậy thực sự là một mối quan ngại đối với ngành hàng không. Nhưng đáng tiếc thay, do không thể kiểm soát hết được từng chi tiết nhỏ trong thiết bị di động cũng như không thể cấm hành khách mang các thiết bị trên theo các chuyến bay, nên các cơ quan quản lý cũng chưa có biện pháp nào triệt để.
Tháng 9/2010, Cơ quan quản lý Hàng không liên bang Mỹ kết luận vụ rơi máy bay vận tải loại Boeing 747-400 của Công ty United Parcel Service tại Dubai trong cùng tháng.
Theo đó, chiếc máy bay bị phát nổ, khi chuyên chở một lượng lớn pin lithium, 2 phi công thiệt mạng trong vụ tai nạn này. Nguyên nhân do nhiệt độ bên trong cabin chở hàng của máy bay có thể nóng đến mức đủ để pin laptop cháy nổ.