Hai cấp tòa xử vẫn chưa xong
Mảnh đất xảy ra tranh chấp khiến hàng xóm kéo nhau ra toà là ở khu phố 7, phường 3, TP Đông Hà. Vợ chồng ông Trần Văn Phước và bà Nguyễn Thị Sắc, một trong những người đầu tiên khai hoang nơi đây ở trước, bà Nguyễn Thị Nam đến ở sau.
Ông Phước nay đã 70 tuổi, có chuyển nhượng một phần diện tích đất của mình cho vợ chồng anh Lê Văn Hoài và chị Phạm Thị Tuyền là “sổ đỏ” vào năm 2010.
Khi họ xây móng làm nhà thì xảy ra tranh chấp giữa bà Nguyễn Thị Nam với ông Phước và anh Hoài vì bà Nam cho rằng đất của mình bị lấn nên nhà mới xây phải đình chỉ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Bà Nam khởi kiện và TAND tỉnh Quảng Trị xử phiên sơ thẩm ngày 7/2/2018, đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc gia đình ông Trần Văn Phước phải trả lại cho bà Nam 51m2 mà toà cho rằng đã lấn chiếm, buộc vợ chồng anh Lê Văn Hoài phải trả 81m2 mà toà cho rằng đã lấn chiếm; đồng thời không chấp nhận yêu cầu của bị đơn Lê Văn Hoài về việc yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp do UBND TP Đông Hà cấp ngày 25/9/2015 cho hộ bà Nguyễn Thị Nam và ông Bùi Thanh Hưng.
Sau khi ông Trần Văn Phước kháng cáo, tòa cấp cao Đà Nẵng đã xử phúc thẩm ngày 16/8/2018. Đại diện VKS cấp cao tại phiên tòa, kiểm sát viên Đoàn Ngọc Thanh đã phân tích cụ thể theo hướng chấp nhận kháng cáo của các bị đơn như chính nội dung bản án phúc thẩm đã ghi nhận.
Theo đó: “Về nội dung ranh giới giữa hai nhà bà Nam và ông Phước có mốc giới không cụ thể, không rõ ràng. Tòa sơ thẩm buộc ông Phước và anh Hoài, chị Tuyền phải trả cho bà Nam với diện tích đất 51m2 và 81m2 nếu cộng với diện tích đất bà Nam đang sử dụng sẽ lớn hơn nhiều so với giấy chứng nhận được cấp, do vậy cần sửa lại toàn bộ bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”.
Tuy vậy, tòa cao cấp vẫn tuyên y án sơ thẩm. Ông Phước lại làm đơn đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thủ tục giám đốc thẩm.
|
Ông Trần Văn Toàn, khu phố trưởng khu phố 7, phường 3 cho rằng, đây là vụ án còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cơ quan chức năng, kể cả toà án cần về đây mới có thể làm sáng tỏ.
Ông Nguyễn Đăng Tân, cán bộ địa chính nhiều năm của phường 3, TP Đông Hà có mặt vào thời điểm bà Nam xây hàng rào thì nói thêm, bà Nam đã tự ý xây hàng rào và “sổ đỏ” bà Nam có nhiều vấn đề cần xác minh làm rõ.
Luật sư Lê Văn Khiển (Đoàn Luật sư Quảng Trị) khẳng định, có rất nhiều điểm mờ trong vụ án này chưa được minh định, cơ quan tố tụng cần khách quan để khỏi ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân.
Diện tích đất “phình” bất thường
Đầu năm 2019, gia đình ông Phước có đơn đến các cơ quan chức năng, nội dung tố cáo bà Nguyễn Thị Nam đã tẩy xóa hồ sơ sử dụng đất khiến diện tích đất tăng từ 120m2 lên đến 1.000m2, đồng thời tố cáo thẩm phán Đinh Viết Nam, chủ tọa phiên tòa dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Trị có hành vi ra bản án không phù hợp với tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, ra bản án không đúng quy định của pháp luật?
Ông Phước khẳng định, bà Nam đã tẩy xóa, sửa chữa các số liệu trong “Đơn xin làm nhà” ngày 6/5/1991: Từ 120m2 thành 1000m2 và đã được UBND TP Đông Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo ông Phước, tòa án các cấp cũng đã căn cứ vào tài liệu này khi xét xử.
CSĐT Công an TP Đông Hà, trong biên bản làm việc với người tố cáo Trần Văn Phước ngày 21/3/2019 cũng đã xác nhận: “Văn bản gốc đơn xin cấp đất của bà Nam ghi rõ diện tích là 120m2, toàn bộ tài liệu khác trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Nam đều thể hiện nguồn gốc đất xin cấp năm 1991 là 120m2 (một trăm hai mươi mét vuông)”.
|
Hơn nữa, TAND tỉnh Quảng Trị trong quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo của ông Trần Văn Phước, ngày 6/5/2019, cũng thừa nhận hồ sơ lưu tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị - Chi nhánh TP Đông Hà cũng như lưu tại UBND phường 3, TP Đông Hà đều lưu giữ tài liệu “Đơn xin đất làm nhà” (do Phòng Công chứng tỉnh chứng thực ngày 13/10/2005) của bà Nguyễn Thị Nam với diện tích 120m2.
Văn bản của TAND tỉnh cũng khẳng định cả hai cơ quan nói trên đều không lưu giữ tài liệu “Đơn xin làm nhà” của bà Nguyễn Thị Nam viết ngày 6/5/1991, có nội dung thể hiện diện tích đất là 1.000m2; chiều rộng là 10m, chiều dài 100m.
Văn bản này tuy thừa nhận như thế nhưng lại đưa ra lý do đình chỉ giải quyết tố cáo bởi vì: “Vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Bùi Thanh Hưng, bà Nguyễn Thị Nam - bị đơn là ông Trần Văn Phước, bà Nguyễn Thị Sắc, anh Lê Văn Hoài, chị Phạm Thị Tuyền được tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng giải quyết tại bản án dân sự phúc thẩm 118/2018/DSPT ngày 16/8/2018, đã chuyển cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ngày 14/3/2019. Do đó, không có cơ sở để xem xét, đối chiếu có hay không việc thẩm phán loại bỏ tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án”.
Dư luận cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc nếu tòa sơ thẩm xử sai vì có thể do căn cứ vào tài liệu không chính xác nhưng một khi đã được phiên phúc thẩm xử y án thì mặc nhiên coi như đúng pháp luật, không cần xem xét lại? “Trái bóng” trách nhiệm của tòa sơ thẩm đã được “đá” lên cấp trên, coi như sự đã rồi.
Những ai theo dõi vụ án sẽ thấy nhiều “điểm mờ” pháp lý chưa được làm sáng tỏ. Mấu chốt vấn đề chính là sự thay đổi diện tích bất thường trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Nam cần được làm rõ cùng với các tài liệu, chứng cứ quan trọng khác khi xác định lại bản chất khách quan của vụ án.
Cơ quan tố tụng có thẩm quyền cần xem xét đề nghị của bị đơn về thủ tục giám đốc thẩm để có được bản án thực sự nhân danh công lý và chính nghĩa, phù hợp lòng dân, được dư luận đồng tình ủng hộ.