Hẹn hò trên mạng: "Bô lão" dính trò lừa "phù thủy đô la"

Những tưởng chỉ giới trẻ, cùng lắm là tuổi 40 mới có nhu cầu tìm bạn qua mạng, song trên thực tế nhiều cụ ông cụ bà tuổi 70-80 vẫn lướt web, chơi facebook âm ầm. Trong số này, có không ít cụ ông cụ bà phải nhận trái đắng khi quá cả tin vào những người bạn “ảo”.

Hẹn hò trên mạng: "Bô lão" dính trò lừa "phù thủy đô la"
Hen ho tren mang:

Hẹn hò trên mạng: “Bô lão” dính trò lừa “phù thủy đô la”

1. Bà Phạm Kim H. (SN 1942, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vốn được con cháu kính nể bởi trình độ công nghệ thông tin của cụ.

Ngoài việc cụ có thể gõ văn bản tốc độ cao, lướt web, viết email nhoay nhoáy… thì chat chit cũng đến bực “thượng thừa”.

Chồng bà H đã mất từ lâu, con cái ai cũng có công có việc nên đều mừng thầm khi thấy bà ham lên mạng, có nhiều người bạn trên mạng.

Cuối năm 2015, bà H. quen với một người đàn ông nước ngoài tên là Winston Hiddenstone, quốc tịch Mỹ. Winston khoe đang ở đơn vị lính thủy đánh bộ đóng tại khu vực vịnh Ả rập.

Ông ta cũng cho biết, do quá mê nghiệp binh nên giờ này vẫn còn cô đơn, và rất muốn có một bến đỗ.

Sau một thời gian nói chuyện qua mạng, Winston cho biết sẽ gửi một thùng quà có giá trị lớn cho bà H. Mấy hôm sau thì có người xưng là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh yêu cầu bà chuyển cho hắn 1.500 USD tiền phí dịch vụ.

Khi bà H. còn đang nghi ngờ thì Winston chuyển cho bà hình ảnh của thùng quà kèm số vận đơn để bà có thể tra trên mạng Internet.

Tra thấy trùng khớp, bà H. liền gửi tiền vào số tài khoản mà đối tượng của công ty chuyển phát nhanh yêu cầu.

Với lý do trong kiện hàng có hàng triệu đô la tiền mặt nên bà H. phải 3 lần nộp thuế, nộp phạt… vào tài khoản của các đối tượng nữa. Tuy nhiên, kiện hàng vẫn chưa thấy đâu.

Tiếp đó, Winston bảo rằng hắn đã bị thương và phải chuyển về Mỹ. Mọi việc về kiện hàng đã được ủy quyền cho luật sư của hắn tên là Mike Shaw.

Mike liên lạc với bà H, cho biết do công ty chuyển phát làm việc không tốt nên kiện hàng đã được chuyển sang Malaysia.

Mike cũng mời bà sang Kuala Lampur để nhận. Tuy nhiên bà phải mang sẵn 36.000 USD để nộp thuế cho chính quyền nước sở tại.

Bà H. vội bay sang Malaysia để gặp Mike. Tại đây, Mike và một đối tượng khác rủ bà làm ăn. Tại một căn phòng trong khách sạn, Mike cùng một đối tượng nam giới khác đưa cho bà H. xem một tập giấy trắng rồi thu lại.

Tiếp đó hắn ta rất cẩn thận lấy ra trong tủ một chiếc bình, rồi nhỏ thứ nước trong bình vào tập giấy trắng.

Thật thần kỳ, chỉ vài phút sau 5 tờ giấy trắng ban đầu đã hóa thành 5 tờ đô la mệnh giá 100 USD. Sau đó Mike còn biểu diễn thêm cho bà H. xem mấy lần nữa.

Mang mấy tờ giấy bạc về Việt Nam, bà H. đưa cho đứa cháu xem và được khẳng định là tiền thật. Ngay hôm sau, bà lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình mang ra ngân hàng vay tiền chuyển cho các đối tượng.

Bà H. còn thêm hai lần sang Singapore và chuyển cho chúng hàng trăm ngàn USD nữa, hy vọng chúng sẽ bán cho bà số hóa chất để có thể kiếm lại 3 triệu USD.

Tổng cộng bà H. đã ra nước ngoài 3 lần, cộng với 9 lần chuyển khoản cho các đối tượng số tiền tổng cộng là 6,2 tỷ đồng. Vậy nhưng, tất cả những gì bà nhận được chỉ vỏn vẹn 1.000 USD và những kiện hàng trên mây trên gió.

2. Nhiều năm nay ông Hoàng Văn B. (SN 1944, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn sống lẻ bóng vì vợ ông mất đã được gần 20 năm.

Thấy ông buồn, đám con cháu bày vẽ cho ông lên mạng đọc báo, rồi còn lập cả trang facebook để ông chat chit với mấy đứa cháu đang du học trời Âu.

Bỗng nhiên một hôm, ông B. gọi anh con trai cả lên bảo “Bố muốn đi du lịch nước ngoài vài tuần”. Cả nhà đều bất ngờ, nhưng rồi ai cũng ủng hộ ông vì nghĩ: “Cũng chả còn được mấy nữa, cho ông đi một chuyến gọi là dối già”.

Thế rồi cô con dâu đi đặt vé cho ông chuẩn bị đồ đạc, lại biếu thêm tiền để ông tiêu xài. Trở về nước sau chuyến đi ông B. tỏ ra phấn khởi. Chừng hai tuần sau, ông B lại bảo con dâu đặt vé máy bay để đi Singapore tiếp.

Hen ho tren mang:

Cụ B. đã bị cô gái có nickname Yen Nhi cùng đồng bọn lừa đảo nhiều tỷ đồng.

Anh con trai cụ (tên H.) kể với chúng tôi. “Cho đến lần này thì tôi lưỡng lự, vì không biết trong vòng mấy tuần mà bố tôi liên tiếp sang bên Singapore có việc gì.

Nhưng rồi vợ tôi bảo, có thể ông thấy bên ấy văn minh sạch sẽ hơn bên này nên muốn trở lại. Và chúng tôi lại lấy vé cho ông. Nhưng rồi được khoảng một tuần sau ông lại đòi đi nữa.

Khi mà con cháu phản đối thì ông bực ra mặt. Ông tìm trên mạng và gọi điện đến một đại lý bán vé máy bay, đặt vé ship tận nhà. Rồi ông lên đường một mình”.

Sau chuyến này, anh H. sinh nghi khi thấy bố mình mang 10 tờ đô la mệnh giá 100 USD nhờ đứa cháu đổi hộ ra tiền Việt.

Lần trước anh cũng đưa tiền đô cho cụ, nhưng mệnh giá cao nhất cũng chỉ đến 10 USD. Thấy sự lạ, anh H. nhiều lần dò hỏi bố mà ông chả nói gì. Cuối cùng anh nghĩ ra một kế…

Một bữa chờ bố ngủ say, anh H. nhờ đứa cháu sang “mượn” chiếc laptop của ông rồi mở một số trang web mà ông hay truy cập.

Trong vòng 30 phút đồng hồ, anh H. và vợ choáng váng khi biết được rằng bố mình có… bồ ở tận bên Singapore. Hơn nữa, trong đoạn chat còn liên tiếp thể hiện cô bồ dặn ông cụ chuẩn bị 30-40 ngàn đô la để làm việc gì đó.

Lần này đến lượt cô con dâu ra tay. Sau nhiều ngày tỉ tê tâm sự, ông B mới kể hết sự tình cho con cháu nghe. Anh H. tá hỏa lên cơ quan Công an trình báo, song có lẽ cũng là đã muộn.

Theo cụ B. kể, khoảng đầu năm 2016, ông B làm quen với một cô gái có nickname “Yen Nhi” trên mạng Internet. Sau nhiều lần chat chit, đôi bên nảy sinh tình cảm và cô gái rủ ông B. sang bên Singapore chơi.

Tại đây, cô gái cũng bật mí với ông rằng cô ta đang có một phi vụ làm ăn rất hoành tráng và rủ ông tham gia.

Với thủ đoạn giống như bà H. ở trên, chúng khoe rằng có thể tẩy được giấy trắng thành đô la. Chúng cũng đưa cho ông 10 giấy bạc mệnh giá 100 USD vừa được tẩy rửa về Việt Nam để thử tiêu xem có được không.

Mang số tiền đô đó ra ngân hàng đổi được hơn 20 triệu đồng, mừng quá, ông B. lập tức gom sổ tiết kiệm được hơn 80 ngàn USD rồi mang sang đưa cho người tình.

Tuy nhiên, 2 đối tượng nói rằng thứ dung dịch này đang được đặt hàng tại Mỹ nên khi nào hàng về thì sẽ báo cho ông B. để ông sang lấy lại tiền vốn và lãi.

Thỉnh thoảng, cô gái lại nhắn cho ông B. chuyển khoản cho cô ta vài chục ngàn USD thanh toán các chi phí phát sinh. Bằng thủ đoạn đó, cô gái đã lừa của ông B. tổng cộng 8 lần, tổng số tiền là hơn 4 tỷ đồng.

Vậy mà ông chỉ thu về được 1 lần duy nhất là 1.000 USD. Còn tiền vé máy bay, phí ăn ở nước ngoài ông B. phải chịu tất.

Sau khi đã ẵm sạch tiền của ông B, cô gái lập tức xóa tất cả thông tin, hình ảnh của cô ta trên mạng. Còn ông B. thì thẫn thờ cả tháng trời.

3. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thủ đoạn trò lừa đảo “đô la đen” hay còn gọi là các “phù thủy đô la” xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam là ở Hà Nội từ năm 1998.

Tuy nhiên, trò lừa đảo này phát triển mạnh mẽ nhất là ở khu vực phía Nam, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh.

Trước kia đối tượng mà các phù thủy đô la nhắm tới thường là các doanh nhân, người giàu có và phụ nữ. Bọn chúng cũng thường sử dụng thủ đoạn gửi email đến các bị hại để lừa đảo.

Hen ho tren mang:

Một số phù thủy đô la bị cơ quan Công an bắt giữ và trục xuất về nước.

Hiện tại các đối tượng chủ yếu sử dụng phương thức làm quen kết bạn qua mạng xã hội.

Bằng nhiều chiêu khác nhau, các bị hại sẽ bị thuyết phục tự nguyện mua dung dịch tẩy rửa với chi phí rất đắt đỏ (khoảng 30 - 70 ngàn USD/lọ dung dịch) cùng lời hứa sẽ được chia số tiền thu được.

Bọn chúng cũng dàn cảnh để “tẩy” những tờ giấy trắng (hoặc đen) thành tiền thật. Trước đó đồng đô la thật đã được quét một lớp keo Elmer bảo vệ, sau đó nhúng vào dung dịch cồn iốt.

Khi đem sấy khô, đồng tiền chuyển màu đen như mảnh giấy thủ công. Sau đó, tiền đã nhuộm đen được xếp lên những cọc giấy thủ công thật cắt theo kích cỡ đồng 100 USD.

Khi trình diễn cho "con mồi" xem, tay lừa đảo dùng dung dịch “ma thuật” rửa lớp đen bên ngoài đồng tiền thật, tiền sẽ về trạng thái ban đầu.

Dung dịch rửa thực chất chỉ là nước pha viên vitamin C được nghiền tan hoặc nước trái mâm xôi để lạnh.

Để xóa tan nghi ngờ của nạn nhân, những tên lừa đảo còn cho nạn nhân lấy bất cứ tờ giấy đen nào trong thùng, rồi khéo tráo bằng tiền thật được phủ đen.

Nạn nhân thậm chí còn được khuyến khích mang tiền đi kiểm tra hoặc tiêu trên thị trường để đảm bảo đó là tiền thật.

Theo một cán bộ thuộc Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, đối tượng phạm tội lừa đảo “đô la đen” gồm có 2 dạng: Thứ nhất là những thành phần lừa đảo chuyên nghiệp, những băng nhóm lừa đảo quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam để hoạt động.

Những băng nhóm lừa đảo này đã thực hiện các phi vụ của chúng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Hồng Kông, Ma Cao (Trung Quốc), Thái Lan…

Thành phần thứ hai mang tính chất nghiệp dư, đó thường là một số cầu thủ bóng đá đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội, nhưng không được trọng dụng.

Sau một thời gian ở lại Việt Nam, họ đã tiêu hết số tiền mang theo và bắt đầu nghĩ ra đủ trò để kiếm tiền, kể cả là phạm pháp, trong đó có trò “phù thủy đô la”.

Thời điểm này, các đối tượng chuyển sang hoạt động mạnh thông quan việc lừa đảo kết bạn qua mạng Internet.

Cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo của các phù thủy đô la.

Đặc biệt với những người cao tuổi thường chậm cập nhật các thông tin thời sự cũng như sự cả tin với những người bạn ảo lại càng phải cẩn trọng hơn với những mối quan hệ trên mạng.

Tống khứ nhiều "phù thủy" đô la về nước

Năm 2013, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã lật tẩy chiêu lừa của 2 "phù thủy" đô la mang quốc tịch châu Phi. Đó là Karbar Patrick (SN 1974, quốc tịch Nam Phi) và Golokeh Sam Bass (SN 1976, quốc tịch Liberia).

Karbar Patrick và Golokeh Sam Bass đến Nha Trang trong vai những doanh nhân vừa đi du lịch, vừa tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Cả 2 tạm trú tại một khách sạn ở khu phố Tây, đường Tuệ Tĩnh. Là những kẻ giảo hoạt, chúng nhanh chóng làm quen với chị Đặng Thị Bích Trâm và Lê Thị Dung ở một quán bar.

Chúng rủ hai chị đến khách sạn để giới thiệu "phi vụ" kinh doanh rất béo bở. Chúng bật mí rằng đang giữ 1 triệu USD do Chính phủ Mỹ cấp để viện trợ các nước châu Phi, nhưng quá trình vận chuyển để đảm bảo an ninh phải ngụy trang bằng cách bôi hóa chất màu đen lên tiền nhìn vào như tờ giấy đen bình thường. Khi muốn tiêu, chỉ cần lấy "đô la đen" nhúng vào một loại hóa chất, những tờ USD bình thường sẽ hiện ra.

Để làm tin, chúng rút từ trong cọc giấy đen 2 tờ, đổ hóa chất ra khay và nhúng vào. Lắc qua lắc lại vài lượt, 2 tờ tiền có mệnh giá 100 và 50 USD hiện ra. Hai đối tượng cũng phịa rằng vì hoàn cảnh nên chúng không về Nam Phi được, giờ muốn nhờ mọi người mua giúp hóa chất để nhúng lấy lại hình dạng tiền ban đầu. Vì loại hóa chất này rất đắt, chúng phải rủ người tham gia "hùn vốn" 10.000 USD, hứa sẽ trả công hậu hĩnh.

Khi mà Karbar Patrick và Golokeh Sam Bass đang chém gió để thuyết phục 2 phụ nữ thì lực lượng Công an xuất hiện kiểm tra hành chính, thu két sắt chứa 42 cọc giấy màu đen có kích thước 6,5 x 15,5cm giống tờ đôla Mỹ, các dung dịch chứa hóa chất màu đen, 205 USD và hơn 2,2 triệu đồng.

Tại Cơ quan điều tra, Karbar Patrick và Golokeh Sam Bass thú nhận tất cả chỉ là những tờ giấy được nhuộm đen và cắt theo kích cỡ tờ USD, chúng kẹp vào một vài tờ USD thật để lừa đảo. Hai đối tượng đã bị trục xuất về nước.

Theo Soha

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.