“Hear My Hand” - Nhịp cầu kết nối yêu thương

GD&TĐ - "Hear My Hand" - chiến dịch truyền thông của nhóm sinh viên Đại học FPT Hà Nội trở thành một hoạt động xã hội ý nghĩa.

Việt Nam hiện có hơn 2,5 triệu người điếc và khiếm thính, chiếm gần 3% dân số. Dù đã có nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ người khuyết tật nói chung, người điếc nói riêng, song việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, giáo dục, y tế và việc làm cũng như sự hoà nhập xã hội của người điếc vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Với khát khao xây dựng một thế giới hoà nhập – nơi mọi người đều được lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành, với mong muốn tạo nhịp cầu kết nối giữa cộng đồng người điếc với giới trẻ, mang ngôn ngữ ký hiệu đến gần hơn với người trẻ, lan tỏa hình ảnh tích cực về người điếc, nhóm sinh viên “Cá Voice”, ngành Quản trị truyền thông đa phương tiện – Đại học FPT Hà Nội đã cùng nhau thực hiện Dự án “Hear My Hand” - một chiến dịch truyền thông hướng đến giới trẻ như một “cây cầu nối” mang thông điệp yêu thương, sự thấu hiểu và chung tay tạo môi trường sống hòa nhập cho người điếc.

0c61507a-9a94-44b2-83ce-78715313f1cf.jpg
Dự án “Hear My Hand” mang thông điệp yêu thương, gắn kết và thấu hiểu.

Những hoạt động chạm đến trái tim

Chiến dịch “Hear My Hand” đã tạo dấu ấn đặc biệt với chuỗi hoạt động phong phú, mang tính trải nghiệm sâu sắc với 3 giai đoạn: Khởi động - Kết nối - Lan toả.

Mở đầu là workshop “SIGNMATE – Trang trí nón lá” diễn ra tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội).

Gần 100 sinh viên các trường đại học tại Hà Nội đã cùng nhau tham gia hoạt động vẽ nón lá với người điếc, học những ký hiệu ngôn ngữ cơ bản và đặc biệt là trò chuyện, giao lưu trực tiếp với cộng đồng người điếc của Trung tâm.

Bạn Trần Mạnh Hưng, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ: “Trước khi tham gia workshop, em khá hồi hộp vì lo lắng không biết có thể giao tiếp với các bạn điếc hay không. Nhưng khi cùng nhau tô vẽ ước mơ lên chiếc nón lá, em nhận ra rằng, kết nối không cần lời nói. Ánh mắt, nụ cười và cử chỉ là đủ để hiểu nhau và sẻ chia.

Điều em muốn nhắn gửi là người điếc không “thiếu” điều gì cả, họ chỉ cảm nhận thế giới theo cách khác, và cách đó cũng rất đẹp. Em hy vọng sẽ có thêm nhiều hoạt động như thế này để mọi người được thấu hiểu và gần nhau hơn”.

972fee0d-5c7f-422b-a729-f0f6ff00e27f.jpg
Gần 100 sinh viên các trường đại học tại Hà Nội tham gia hoạt động vẽ nón lá với người điếc.

Tiếp nối là lớp học ngôn ngữ ký hiệu “Lớp học toàn Sign” tổ chức tại Hà Nội, thu hút đông đảo sinh viên các trường đại học tham gia. Điểm nhấn của lớp học chính là việc tích hợp công nghệ hiện đại vào việc học ngôn ngữ ký hiệu.

Học viên được trải nghiệm Webapp học ngôn ngữ ký hiệu - một ứng dụng học tập thông minh do chính nhóm Cá Voice hợp tác với sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm (SE), Đại học FPT phát triển. Nhờ công cụ này, người học có thể luyện tập mọi lúc mọi nơi.

Dự án đã xây dựng nhiều tuyến nội dung xuyên suốt trên mạng xã hội, giàu ý nghĩa và phù hợp với giới trẻ. Trong đó, tuyến nội dung “Khoảnh khắc ấy” nổi bật với những câu chuyện đầy cảm hứng từ chính cộng đồng người điếc, và những khoảnh khắc của giới trẻ lan tỏa những điều tích cực.

Chuyên mục “Bách Khoa Toàn Fact” trên Tiktok với hàng loạt video ngắn được đầu tư kỹ lưỡng, ấn tượng nhằm giải đáp các thắc mắc và cung cấp kiến thức đúng đắn về cộng đồng người điếc thu hút giới trẻ.

Nhiều video cung cấp những thông tin thú vị về đời sống của người điếc như “Người điếc nghe âm thanh như thế nào khi khiêu vũ?”, “Báo thức đặc biệt dành cho người điếc”, “Người điếc có thể lái xe được không?”….

Khi âm nhạc trở thành cầu nối và lan toả mạnh mẽ thông điệp

Điểm nhấn quan trọng của chiến dịch là MV “Lắng nghe đôi bàn tay” – một sản phẩm âm nhạc đầy cảm xúc do ca sĩ V.Anh (thành viên của dự án) và ca sĩ Phạm Nguyên Ngọc thể hiện đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng ngay sau khi ra mắt. Chỉ sau hai ngày phát hành, MV đã thu hút gần 15.000 lượt xem trên Youtube.

Bạn Lê Cao Thiện – sinh viên Đại học FPT Hà Nội bày tỏ: “Xem MV “Lắng nghe đôi bàn tay”, em đã rất bất ngờ vì lời ca và giai điệu cũng như giọng hát lại “chữa lành” đến vậy! Ngọt ngào, thật gần gũi và tự nhiên. Sự đồng hành trong hành trình trưởng thành nơi tâm hồn, những sự quan tâm đúng lúc và cần thiết, mỗi thế hệ đều có thể trở thành những cầu nối yêu thương! Thật tuyệt”.

Không chỉ được lan tỏa rộng rãi, ca khúc còn được nhiều bạn trẻ cover lại trên Tiktok với những phiên bản sáng tạo, đầy rung cảm. Đặc biệt, không ít KOLs và nghệ sĩ trẻ đã thể hiện sự yêu mến với dự án khi cùng nhau lan tỏa giai điệu qua những bản cover chứa chan cảm xúc trên các nền tảng mạng xã hội, đưa thông điệp nhân văn đến gần hơn với người trẻ.

0a7288bb-b0dd-476d-8cc3-bdbc133e9de9.jpg
MV “Lắng nghe đôi bàn tay” thu hút gần 15.000 lượt xem trên Youtube sau 2 ngày phát hành.

MV “Lắng nghe đôi bàn tay” không chỉ là điểm kết của một hành trình, mà còn mở đầu cho những nhịp cầu kết nối mới - nơi mỗi cái nắm tay, mỗi ký hiệu, và mỗi âm thanh đều được lắng nghe bằng cả trái tim.

Rất nhiều comments tương tác chia sẻ ý nghĩa, đồng nghĩa với sự tác động, lan toả mạnh mẽ: “Sau khi xem MV, mình đã thật sự muốn và chắc chắn sẽ tìm hiểu về ngôn ngữ kí hiệu, để có thêm những người bạn mới, để được trò chuyện với các bạn ấy, những người mà từ trước đến nay mình luôn nghĩ họ thật xa, thật khó hỏi chuyện”.

Đồng hành với chiến dịch “Hear My Hand” với mong muốn cùng chung tay xây dựng một thế giới hòa nhập, nơi mọi người đều được lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành, ca sĩ Phạm Nguyên Ngọc trải lòng: “Đây là 1 chiến dịch có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp kết nối giới trẻ với cộng đồng người điếc, giúp chúng ta là những người may mắn, có đầy đủ các giác quan, có thể lắng nghe mọi thứ bình thường thấu hiểu về cộng đồng người điếc, chúng ta hãy cùng lan toả những thông điệp tích cực, ấm áp đến mọi người”.

Còn trưởng nhóm “Hear My Hand” - Lê Thị Duyên chia sẻ rằng, các thành viên trong nhóm đã nhận được nhiều giá trị cộng thêm khi tham gia dự án: “Đây là một dự án mà bọn em ấp ủ đã lâu, mong muốn được kết nối các bạn trẻ với cộng đồng người điếc. Chúng em tin rằng ai cũng xứng đáng được lắng nghe, kể cả khi họ không thể nói hay nghe theo cách mà chúng ta vẫn quen thuộc.

Thông qua dự án, chúng em không chỉ lan tỏa giá trị tích cực tới cộng đồng, mà chính bản thân mỗi người trong nhóm cũng trưởng thành hơn, biết ơn hơn và trân trọng hơn mỗi kết nối cảm xúc trong cuộc sống”.

Dự án “Hear My Hand” không chỉ là cầu nối giữa người trẻ và cộng đồng người điếc mà còn góp phần lan tỏa thông điệp nhân văn về sự lắng nghe và tôn trọng sự khác biệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ