Hệ lụy của nhập tịch cầu thủ của đội tuyển Indonesia

GD&TĐ - Đội tuyển Indonesia dừng chân ngay từ vòng bảng ASEAN Cup 2024 có thể coi là cú sốc lớn nhất của giải đấu khu vực năm nay.

Indonesia (bên phải) với nguồn lực nhập tịch đánh bại Ả-rập Xê-út 2-0 ở vòng loại World Cup 2026. Ảnh: INT.
Indonesia (bên phải) với nguồn lực nhập tịch đánh bại Ả-rập Xê-út 2-0 ở vòng loại World Cup 2026. Ảnh: INT.

Tuy nhiên, kết quả kém cỏi đó cho thấy rõ hơn về mặt trái của chính sách nhập tịch cầu thủ mà đội bóng mang biệt danh “Chiến binh Garuda” đang theo đuổi.

Người Indonesia “khóc hận”

Đội tuyển Indonesia – lá cờ đầu của bóng đá Đông Nam Á ở vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á thất bại cay đắng ở giải đấu được coi là “vùng trũng” của bóng đá thế giới. Thầy trò huấn luyện viên Shin Tae-yong chỉ có được 4 điểm sau 4 lượt trận, xếp thứ 3 bảng B ASEAN Cup 2024.

Đội bóng xứ Vạn đảo đã thua Việt Nam và Philippines trong những trận đấu mang tính quyết định của cuộc đua vào bán kết, đồng thời để đội yếu hơn là Lào cầm hòa ngay trên sân nhà và chỉ thắng may mắn Myanmar ở trận ra quân, nhờ bàn thắng phản lưới nhà của cầu thủ đối phương.

Indonesia thiếu rất nhiều huấn luyện viên bóng đá có bằng cấp. Theo thống kê vào năm 2024, bóng đá xứ Vạn đảo có 12.000 huấn luyện viên, còn Nhật Bản là 93.000. Dân số Indonesia là khoảng 275,5 triệu người, còn Nhật Bản là 125 triệu.

Tỷ lệ là cứ khoảng 23.000 dân Indonesia mới có một huấn luyện viên bóng đá, còn Nhật Bản là khoảng 1.350 dân thì có một.

Bằng cấp do LĐBĐ châu Á cấp cũng được xem là thước đo cho sự phát triển của nền bóng đá. Tỷ lệ huấn luyện viên bằng A, B, C của Nhật Bản lần lượt là 29.000, 8.000, 2.800, còn Indonesia là 3.000, 700 và 35.

Sau khi đội tuyển Indonesia hứng chịu kết quả tệ hại ở giải đấu khu vực, trên tài khoản Instagram cá nhân, huấn luyện viên Shin Tae-yong đăng tải nội dung: “So với các quốc gia khác đã gửi đội tuyển cao cấp của họ, Indonesia lần này chỉ gồm những gương mặt còn rất trẻ với độ tuổi trung bình 20,5 tuổi. Song họ đã nỗ lực hết mình trong mỗi trận đấu.

Mặc dù, Indonesia không vượt qua được vòng bảng, nhưng tôi tin rằng năm tới chúng tôi sẽ đạt được những đỉnh cao lớn hơn nữa. Trong năm 2025, đội tuyển Indonesia sẽ làm tất cả những gì có thể để lọt vào World Cup 2026.

Hãy ủng hộ họ hết mình. Hy vọng tất cả các bạn sẽ có thể kết thúc tốt đẹp phần còn lại của năm 2024. Xin cảm ơn”.

Dòng trạng thái của huấn luyện viên Shin Tae-yong khiến những người Indonesia yêu thích bóng đá chia rẽ, rơi vào tranh cãi. Bởi chiến lược gia người Hàn đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân mang tính khách quan khiến “Chiến binh Garuda” bị loại từ vòng bảng ASEAN Cup 2024, đồng thời có động thái “nhắc nhở” quan chức Liên đoàn Bóng đá Indonesia về mục tiêu chính của đội tuyển Indonesia ở giải đấu tầm thế giới, chứ không phải sân chơi khu vực Đông Nam Á.

Thậm chí, ông Shin còn tự tin lên tiếng về việc, đội hình với nhiều cầu thủ 20, 21 tuổi vừa mới thua ở ASEAN Cup 2024 nhưng với mác đội tuyển U22 Indonesia sẽ “vô đối” khi tranh tài tại SEA Games 33 năm 2025 tại Thái Lan.

Trên thực tế, kết thúc năm 2024, Indonesia trở thành đội bóng “ngựa ô” của vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á. Sau 6 lượt trận, thầy trò huấn luyện viên Shin Tae-yong giành 6 điểm đứng thứ 3 bảng C, chỉ kém 1 điểm so với đội nhì bảng Australia.

Theo điều lệ, 2 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành quyền tham dự Vòng chung kết World Cup 2026. Ngoài Nhật Bản (16 điểm) vượt trội ở vị trí đầu bảng, Indonesia đang nắm quyền tự quyết trong cuộc đua giành suất tham dự World Cup 2026. Đây mới là mục tiêu tối thượng của bóng đá xứ Vạn đảo, chứ không phải giải đấu khu vực như ASEAN Cup 2024.

Và ông Shin cũng không hề “chém gió” về chất lượng đội hình Indonesia tham dự giải vô địch khu vực năm nay nếu lứa này được trở về đúng độ tuổi U22 tham dự SEA Games 2025.

Mặc dù vậy, người Indonesia vẫn không khỏi bàng hoàng, thất vọng khi đội tuyển quốc gia thể hiện diện mạo kém cỏi ở ASEAN Cup 2024.

Choki Sihotang, cây viết của tờ Bola bình luận: “Không có phép màu nào, Garuda phải nuốt viên thuốc đắng khi bị loại ngay từ vòng bảng ASEAN Cup 2024. Đây cũng là cảm giác chung của người hâm mộ”. Thậm chí, truyền thông xứ Vạn đảo cho rằng, thất bại này ghi dấu mốc về một trong những thành tích tệ nhất của bóng đá Indonesia ở giải đấu khu vực, bắt đầu từ năm 1996 với tên gọi Tiger Cup, rồi AFF Cup và giờ là ASEAN Cup.

Lối chơi 3 trung vệ được huấn luyện viên Shin Tae-yong áp dụng tại giải đấu, giữa 3-5-2 và 3-4-3 với các tùy chọn khác nhau khi tấn công hay phòng ngự đã dẫn đến những kết quả tệ hại.

he-luy-cua-nhap-tich-cau-thu3.jpg
Huấn luyện viên Shin Tae-yong. Ảnh: INT.

Indonesia cũng lên tiếng phản bác lý do “thua do đội hình trẻ” của ông Shin. Theo họ, Lào cầm hòa Indonesia 3-3 với đội hình cũng gồm nhiều gương mặt trẻ. Tương tự, Philippines được xây dựng với nền tảng lứa U22.

Chuyên gia bóng đá Indonesia - ông Akman Marhali bức xúc nêu quan điểm: “Tôi nghĩ tại ASEAN Cup 2024, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á rất tức giận với huấn luyện viên Shin Tae-yong khi ông ấy cố tình dùng nhiều cầu thủ dưới 22 tuổi. Quyết định này bị coi là hạ thấp uy tín của giải đấu”.

Bên cạnh sự yếu kém về chiến thuật, nhiều cầu thủ Indonesia dễ bị kích động ngay cả khi đối thủ không hề khiêu khích. Đó là lý do lần lượt Ferdinan rồi cả đội trưởng Ferarri nhận thẻ đỏ. Người đầu vào bóng thô bạo, người sau đánh nguội đối phương.

Tỷ phú Erick Thohir - Chủ tịch LĐBĐ Indonesia cũng thể hiện thái độ không hài lòng về kết quả của đội nhà, đồng thời yêu cầu ông Shin tập trung vào chuyên môn thay vì đổ lỗi vòng quanh.

“Đừng nói, phàn nàn quá nhiều. Đội cần tập trung vào chương trình mà chúng tôi đã cùng nhau thông qua (Indonesia đặt mục tiêu vào chung kết ASEAN Cup 2024, P.V). Về mặt cá nhân, tôi muốn thắng Myanmar, Lào và Philippines. Nếu thua Việt Nam thì đó là chuyện bình thường đối với một đội trẻ. Tôi đã nói ngay từ đầu rằng ở ASEAN Cup 2024, mục tiêu của đội tuyển là cống hiến những gì tốt nhất, ít nhất phải vào bán kết. Nhưng với kết quả này, tất nhiên chúng tôi cần ngồi lại đánh giá tình hình. Nhiều thứ phải cải thiện”, người đứng đầu LĐBĐ Indonesia nói với hãng thông tấn Antara.

he-luy-cua-nhap-tich-cau-thu-1.jpg
Đội tuyển Indonesia (áo trắng) thua Việt Nam ở vòng bảng ASEAN Cup 2024. Ảnh: INT.

“Trái đắng” nào phía trước?

Thực ra, người Indonesia hiểu rõ, ASEAN Cup 2024 không phải là giải đấu thuộc FIFA Days. Các cầu thủ nhập tịch đang thi đấu tại châu Âu không được các câu lạc bộ cho phép trở về khoác áo đội tuyển quốc gia. Thế nên, nếu đổ hết trách nhiệm về thất bại ở giải đấu khu vực cho huấn luyện viên Shin Tae-yong chưa thật sự phản ánh đúng, khách quan về sự phát triển thiếu căn cơ của bóng đá xứ Vạn đảo. Việc bị loại sớm ở ASEAN Cup 2024 chỉ là một trong nhiều hệ quả tất yếu xảy ra từ một chiến lược phát triển mất cân đối, đó là chú trọng nhập tịch cầu thủ.

Những năm gần đây, chính xác hơn là từ khi tỷ phú Erick Thohir nắm chức Chủ tịch LĐBĐ Indonesia, vị thế bóng đá xứ Vạn đảo ngày một tăng ở quốc tế, bất chấp lệnh cấm quốc tế. Năm 2023, Indonesia bị tước quyền đăng cai FIFA U20 World Cup sau khi chính quyền đảo Bali từ chối cho đại diện Israel nhập cảnh tham dự lễ bốc thăm. Tuy nhiên, quan hệ của ông Thohir đã giúp Indonesia thoát án phạt ngoạn mục, với một trong những giải pháp là thay thế Peru đăng cai FIFA U17 World Cup 2023. Indonesia đã mời đương kim vô địch World Cup Argentina đá giao hữu và tương lai, họ sẽ mời thêm các đội tuyển mạnh trong top 20 thế giới. Ngoài ra, trong năm 2024, FIFA đã đặt văn phòng đại diện tại Indonesia.

Với đội tuyển quốc gia, tỷ phú Erick Thohir đẩy mạnh chiến lược nhập tịch cầu thủ, thậm chí coi đây là hướng đi mở đường cho các môn thể thao khác học theo.

Sự hiện diện của những cầu thủ gốc Hà Lan nhập tịch, mạch thành công của bóng đá Indonesia được nối dài từ đầu năm 2024, sau ASIAN Cup 2023 và vào bán kết U23 châu Á 2024, suýt đoạt vé tham dự Olympic Paris. Đội tuyển Indonesia từ vị thế hạng trung của Đông Nam Á trỗi dậy trở thành thế lực cạnh tranh suất tham dự World Cup.

Đơn cử, tại vòng 1/8 ASIAN Cup 2023, Indonesia còn thua thảm Australia 0-4. Nhưng năm 2024, Indonesia hòa 0-0 với Australia, giành 4 điểm trước Ả Rập Xê-út (hòa 1-1 lượt đi và thắng 2-1 lượt về) trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2026. Ở Đông Nam Á, Indonesia đã vượt tầm so với Thái Lan và Việt Nam. Minh chứng là đội tuyển xứ Vạn đảo giành 3 chiến thắng liên tiếp trước Việt Nam trong năm 2024, 2 trận vòng loại thứ hai World Cup 2026 và 1 trận vòng bảng ASIAN Cup 2023.

Mặc dù vậy, Indonesia nhanh chóng trở lại vị thế “hạng trung” Đông Nam Á khi không còn nhóm cầu thủ nhập tịch trong đội hình ra sân. Thất bại ở ASEAN Cup 2024 cho thấy rõ hơn khoảng cách quá lớn về chuyên môn giữa những cầu thủ gốc Hà Lan và cầu thủ bản địa.

Muốn phát triển bền vững, ổn định thì bóng đá Indonesia cần có sự đồng bộ, với nền tảng là chất lượng đào tạo trẻ cũng phải song hành với nguồn nhập tịch, hay ít ra độ vênh không quá lớn. Nhưng hiện nay, lứa trẻ bóng đá xứ Vạn đảo đã phải khoác lên mình chiếc áo quá khổ khi lên tuyển thay thế những vị trí cầu thủ nhập tịch để lại. Từ đó, vấn đề đội tuyển Indonesia dùng nhiều cầu thủ nhập tịch đánh mất bản sắc, kéo giảm động lực của nhóm cầu thủ trong nước được làm nóng trở lại.

Nhiều người hâm mộ, chính khách, thành viên Hạ viện hay Ủy ban Olympic Indonesia đã phản đối chính sách nâng cấp đội tuyển quốc gia bằng cách ồ ạt nhập tịch cầu thủ. Họ liên tục đặt câu hỏi là “khi nào Indonesia dừng nhập tịch cầu thủ?”, “những tồn tại bao giờ có giải pháp?”…

Giải vô địch quốc gia Indonesia (Liga 1) có quá nhiều vấn đề, mà đây mới là nền tảng phát triển căn cơ của bất cứ đội tuyển quốc gia nào, chứ không phải nguồn lực nhập tịch. Ngoài một số câu lạc bộ mạnh như Bali United hay Persipura, các đội bóng tại Liga 1 cũng đối mặt với những vấn đề về tiêu chuẩn sân đấu, đào tạo trẻ và kinh phí khó khăn, đồng thời bạo lực sân cỏ đang là vấn nạn nhức nhối.

Các câu lạc bộ của Indonesia thi đấu ở đấu trường châu Á cũng ít gây được tiếng vang như các câu lạc bộ của Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Liga 1 đang duy trì quy định, mỗi câu lạc bộ được đăng ký 6 ngoại binh. Điều đó đồng nghĩa cơ hội cho các cầu thủ nội địa đặc biệt là cầu thủ trẻ được thi đấu ít đi, không được rèn giũa và trưởng thành, tài năng dần mai một.

Đội tuyển Indonesia đang theo đuổi tham vọng giành suất tham dự World Cup 2026. Thành hay bại đều bỏ ngỏ. Ngay cả khi có làm nên lịch sử bằng việc có mặt ở ngày hội bóng đá hành tinh năm tới thì đó cũng chỉ là thành tích vụt sáng nhất thời của bóng đá xứ Vạn đảo, với nguồn lực nhập tịch cầu thủ.

Không ai dám chắc chính sách này sẽ được duy trì liên tục, mãi mãi để lấp đầy khoảng trống trong đào tạo trẻ, sự yếu kém của vấn đề nền tảng là giải vô địch quốc gia. Tham vọng của tỷ phú Erick Thohir chưa nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Những ý kiến phản đối, quan điểm trái chiều chỉ chực chờ dịp phản đối, như thất bại của đội tuyển Indonesia ở ASEAN Cup 2024.

Người Indonesia cho rằng, đội tuyển Indonesia cần tấm vé World Cup chỉ để tạo nên một hiệu ứng nhất thời, để rồi khai thác hiệu ứng đó cho những chiến lược dài hơi hơn. Làn sóng nhập tịch rồi cũng phải chấm dứt, bởi nó tước đoạt cơ hội chơi bóng trên tuyển của cầu thủ bản địa. Đó là mặt trái mà mọi nền bóng đá cần thành tích gấp gáp đều phải đối mặt.

Gần đây nhất, đội tuyển Ả Rập Xê-út khốn khổ ở vòng loại World Cup vì chính giải đấu hào nhoáng của họ. Bóng đá Ả Rập Xê-út không nhập tịch, nhưng họ mang về hàng trăm ngôi sao từ phương Tây và dẫn đến hậu quả là cầu thủ bản địa ngày càng bị thu hẹp môi trường chơi bóng.

Saudi Pro League là giải đấu số 1 châu Á trong mở rộng hạn ngạch cho cầu thủ nước ngoài. Mỗi đội được cho phép đăng ký tối đa 8 cầu thủ nước ngoài và thêm 2 cầu thủ nữa trong độ tuổi U21. Hậu quả là các cầu thủ Ả Rập Xê-út từ chỗ đá chính 40 - 50 trận mỗi năm, giờ giảm mất 2/3 thời lượng thi đấu. Nhập tịch cho đội tuyển quốc gia hay mua cầu thủ nước ngoài cho giải cấp câu lạc bộ là con đường tắt để một nền bóng đá trung bình có thể tiếp cận trình độ quốc tế ngắn nhất. Nhưng cách làm đó đồng thời cũng để lại nhiều hệ lụy, thất bại của đội tuyển Indonesia tại ASEAN Cup 2024 cho thấy rõ ràng về điều đó.

Giữa tháng 12/2024, LĐBĐ thế giới (FIFA) xác nhận các trận đấu ở ASEAN Cup 2024 được công nhận là trận quốc tế loại A cấp độ 1. Theo quy định, trận đấu quốc tế loại A cấp độ 1 bắt buộc phải có sự tham dự của đội tuyển quốc gia cấp cao, với danh sách cầu thủ được gửi lên Ban thư ký FIFA và LĐBĐ châu Á.

Trận quốc tế loại A là thuật ngữ được FIFA sử dụng nhằm chuẩn hóa cách tính điểm trên bảng xếp hạng thế giới, được chính xác và đáng tin cậy hơn. FIFA chia làm ba cấp độ 1, 2 và 3, với mức độ quan trọng từ thấp lên cao.

Trận quốc tế loại A cấp độ 2 và 3 có nhiều hình thức, thường được biết đến thuộc vòng loại và vòng chung kết giải đấu lớn như World Cup, Copa America, EURO, ASIAN Cup hay Confederations Cup. Do vậy, ASEAN Cup, tiền thân là Tiger Cup và AFF Cup, nếu các trận đấu không nằm trong lịch FIFA Days thì các đội tuyển quốc gia không thể ép câu lạc bộ nhả người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô, trò Trường Tiểu học Bình Thủy (Bình Thủy, Cần Thơ) trong giờ thực hành lập trình, điều khiển Robot. Ảnh: Q. Ngữ

Giáo dục STEM vươn tầm

GD&TĐ - Trong những năm qua, giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) tại TP Cần Thơ đạt những kết quả đáng khích lệ.

Minh họa/INT

Bất đồng trước chuyển giao

GD&TĐ - Những ngày sắp tới được dự báo sẽ có nhiều quyết định được đưa ra tại Mỹ, tạo ra sự khác biệt lớn giữa chính quyền của ông Biden và ông Trump.