Các xe tăng thuộc một căn cứ quân sự của Nga. Ảnh: Sputnik.
Đầu tháng này, rộ lên tin đồn trích dẫn các báo cáo của một tổ chức phi chính phủ trụ sở tại London cho hay Moscow đang lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại Syria bằng việc lập ra một căn cứ quân sự thứ hai. Điện Kremlin ngay lập tức bác bỏ tin đồn trên.
Những tháng gần đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO cũng tung tin đồn rằng khả năng Nga sẽ xây dựng một căn cứ không quân mới lại nước láng giềng Belarus. Tin đồn này đã bị dập tắt vào đầu tuần này khi giới chức Nga và Belarus tuyên bố rằng vấn đề này chưa được quyết định và khả năng có thể sẽ không được thảo luận trong tương lai.
Tuy nhiên, tạp chí Nga Gazeta.ru giải thích các căn cứ quân sự của Nga ở nước ngoài chủ yếu tập trung trên vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ. Các căn cứ này phần lớn là các căn cứ không quân, các hệ thống phòng thủ tên lửa, phòng không và các hệ thống quan sát vũ trụ.
Theo Bộ Quốc phòng (Nga), tổng diện tích của các căn cứ lên đến hơn 700.000 héc-ta, bao gồm cả diện tích mặt nước tại Issyk Kul, hồ lớn nhất Kyrgyzstan.
Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm ngoái, quân đội Nga kiểm soát bán đảo để phục vụ cho hoạt động Hạm đội biển Đen Nga. Tại đây, quân đội Nga kiểm soát căn cứ radar Dnepr tại Sevastopol, căn cứ này sẽ hoạt động trở lại vào năm tới sau khi hiện đại hóa, và hệ thống radar quan sát hành tinh và truyền thông vũ trụ chuyên sâu Pluton tại Yevpatoria, bán đảo Crimea.
Các căn cứ của Nga ở nước ngoài không phải tất cả đều là căn quân sự và tập trung ở các nước gồm Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Armenia, và Kyrgyzstan cũng như tại Syria, Gruzia, Moldova, và cửa ngõ Nam Ossetia, Abkhazia, và Transnistria.
Căn cứ quân sự đáng chú ý của Nga ở nước ngoài là căn cứ không quân Hmeymim, tại tỉnh miền tây bắc Syria Latakia. Căn cứ này là nơi đồn trú của Lực lượng phòng không Nga với nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu tổ chức khủng bố jihad tại Syria. Tại Syria, Nga còn một căn cứ hậu cần do Nga thuê tại Tartus. Đây là căn cứ hậu cần duy nhất của Nga tại Địa Trung Hải. Tạp chí Gazeta.ru đầu năm nay cho hay Tổng thống Syria Bashar Assad sẽ không phản đối nếu Điện Kremlin biến căn cứ hậu cần Tartus chính thức thành căn cứ quân sự. Hiện, Nga chưa lên tiếng xác nhận kế hoạch trên.
Kể từ năm 2008, Nam Ossetia trở thành căn cứ quân sự thứ 4, đặt trụ sở tại Tskhinvali. Nga đồng thời hiện có một căn cứ không quân và căn cứ quân đội tại Java, căn cứ không quân tại Kurt và một đơn vị đào tạo tại Dzartsemi. Tổng cộng Nga đang đồn trú 4.000 quân tại Nam Ossetia.
Moscow còn đồn trú 4.000 quân tại căn cứ Krasnodar, căn cứ quân sự thứ 7 ở nước ngoài, tại các quận Gudauta và Ochamchira thuộc Abkhazia. Các căn cứ quân sự khác phải kể đến bao gồm căn cứ quân sự Bombora, gần Gudauta, trung tâm đào tạo thuộc cảng Ochamchira, và tiền đồn tại Kodori Gorge, gần trạm thủy điện Inguri.
Ngoài ra, khoảng 1.500 lính gìn giữ hòa bình Nga đồn trú trên cơ sở luân phiên tại nước cộng hòa Transnistria, vốn tách ra từ Moldova vào đầu những năm 1990 sau khi Moldova tách ra khỏi Liên bang Xô Viết cũ.
Về phía nam nước Nga, Moscow còn có hai căn cứ quân sự tại Armenia, một tại tỉnh miền bắc Gyumri gần biên giới Gruzia. Đây là căn cứ quân sự thứ 102 của Nga và là nơi bố trí hệ thống phòng không chung CIS cùng với 3.200 lính Nga đồn trú.
Về phía tây, Điện Kremlin còn thuê 2 căn cứ tại nước láng giềng Belarus theo một hợp đồng có hiệu lực đến năm 2020. Hai căn cứ này bao gồm một hệ thống cảnh báo tên lửa gần Baranovichi, miền trung Belarus, nơi bố trí hệ thống phòng không CIS, và căn cứ thứ hai là trung tâm thông tin liên lạc thứ 43 của Hải quân Nga nằm gần thị trấn Vileyka, phía tây bắc Belarus. Trung tâm này rất quan trọng truyền các mệnh lệnh cho các tàu ngầm nguyên tử Nga ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và nhiều khu vực trên Thái Bình Dương. Nga đồn trú khoảng 1.500 binh lính tại các căn cứ quân sự tại Belarus.
Tại khu vực Trung Á, Kyrgyzstan, Nga có một căn cứ không quân quy mô lớn tại Kant, nằm về phía tây thủ đô Bishkek. Các nguồn tin cho hay căn cứ này đồn trú khoảng 400 binh lính. Căn cứ này được cho là nơi đồn trú chủ yếu các máy bay hậu cầu tầm gần Su-25 và một phi đội trực thăng Mi-8. Ngoài ra, căn cứ trên còn có khả năng tiếp nhận các máy bay vận tại hạng nặng An-22 và Il-76 cũng như các máy bay hành khách Tu-154, Yak-42 và An-12. Cũng tại Kyrgyzstan, Nga còn sở hữu một căn cứ thử nghiệm ASW tại hồ Issyk, trung tâm thông tin liên lạc thứ 338 và một trung tâm địa chấn học do Lực lượng Rocket chiến lược của Nga sử dụng.
Tại Kazakhstan, Nga còn đồn trú một căn cứ thử nghiệm Sary Shagan nhằm thử công nghệ tên lửa phòng thủ trên không và phòng thủ tên lửa. Ngoài ra, căn cứ Sary Shagan còn có một đơn vị công nghệ radio. Căn cứ này thường dùng để tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn. Tại Kazakhstan, Nga còn sở hữu một căn cứ quân sự nổi tiếng thế giới, căn cứ Baikonur, được đơn vị thử nghiệm thứ 5 thuộc Bộ Quốc phòng Nga sử dụng.
Ở Tajikistan, Nga sở hữu căn cứ quân sự thứ 201, nơi đồn trú khoảng 7.500 binh lính Nga. Mục tiêu chính của căn cứ này là hỗ trợ lực lượng an ninh Tajikistan đảm bảo vấn đề an ninh và quốc phòng dọc biên giới Tajikistan-Afghanistan, trong đó có nhiệm vụ chống buôn bán ma túy. Tại Tajikistan, Tạp chí Gazeta.ru còn lưu ý Nga còn sở hữu một trong những đài thiên văn nghiên cứu vũ trụ. Tuy nhiên, so với các căn cứ của Mỹ, số căn cứ quân sự trên của Nga ở nước ngoài còn khá khiêm tốn.