Mắt của Christine nheo lại, môi dưới rung lên khi cô kể về người chủ cũ người Singapore. Người này từng đánh cô vì tội lấy bánh quy ở trong bếp. “Bà ấy thật sự nổi giận với tôi, và sau đó cứ khi nào cáu là bà ấy đánh tôi” – Christine nói.
Sáu tháng sau đó, cô bỏ trốn khỏi nhà chủ. Một người bạn nói cho cô hay về một nơi nương náu cho những người giúp việc bỏ trốn do Tổ chức Nhân đạo cho những người nhập khẩu kinh tế (Home) điều hành.
Ước tính, cứ mỗi tuần lại có khoảng hơn 10 người giúp việc tới ngưỡng cửa nhà Home nương náu. Trong ngôi nhà ba tầng này hiện có những người đến từ Philippines, Indonesia, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka và Bangladesh.
Singapore được tô vẽ như là mảnh đất của cơ may, nơi mà bạn có cơ hội để một ngày nào đó đổi đời khi về nước.
Đất nước này cần những người giúp việc tay nghề đơn giản để lo các việc nội trợ cho số dân 4,5 triệu người. Đội ngũ gồm hơn 220.000 phụ nữ - đa số từ Philippines và Indonesia – giúp họ là những việc trong nhà như nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc trẻ con, người già, người khuyết tật.
Năm ngoái, khu nhà Home đã giúp cho 750 người giúp việc và 97 ca bị bạo hành, trong đó có 19 ca bị quấy rôi tình dục và 333 ca bị bạo hành về tâm lý/ lời nói.
Những người làm giúp việc ở Singapore có thể kiếm được thu nhập gấp năm lần so với ở quê nhà, tức là vào khoảng 220 bảng Anh mỗi tháng. Bella cho biết, cô được trả 5.000 đôla Singapore cho một người môi giới để có thể sang Singapore làm việc.
Cô ở lại công ty việc làm trong hai hoặc ba ngày, sau đó có được công việc đầu tiên ở một gia đình người Hoa. Đây là nhà chủ đầu tiên trong số bốn gia đình cô từng giúp việc trong ba năm qua.
“Họ nói với tôi rằng nơi này rất tốt, thu nhập rất cao. Bạn tôi nói là nếu chúng tôi cứ ở nhà mãi thì tiền ít quá. Còn ở Singapore, tiền nong ổn hơn. Vì vậy mà tôi mới muốn tới đây” – Bella nói.
Nhiều người giúp việc gần đây bị ngược đãi bằng kim nóng, bị đánh bằng gậy tre và ghế.
Một phụ nữ 74 tuổi người Singapore đã bị buộc tội vì đã đổ chất tẩy vào tay cô giúp việc người Philippines, sau đó còn đập đầu cô này vào tường.
Cô giúp việc đã bỏ trốn bằng cách trèo qua cửa sổ, đi trên gờ tường rồi nhảy xuống mái của tòa nhà 5 tầng khác vì bị phạt do ăn cá hồi trong tủ lạnh.
Một người giúp việc quốc tịch Myanmar đã bị gẫy cả hai chân khi tìm cách chạy trốn khỏi chủ nhà. Vụ việc sau đó dẫn tới bất đồng trong ngoại giao giữa hai nước. Myanmar sau đó cấm phụ nữ sang Singapore làm giúp việc.
Trong khi chờ đợi các trường hợp kiện tụng được giải quyết, những người giúp việc này lại không thể đi làm. Các chủ nhà thường phản tố khi bị cáo buộc có hành vi sai trái với người giúp việc, và điều này đã khiến cho quá trình pháp lý kéo dài hàng tháng. Tuy nhiên, hầu như họ đều phải trả tiền đền bù bởi vì họ cũng rất khó thu xếp việc nội trợ nếu không có sự giúp đỡ.
Christine là người ở nhà Home lâu nhất, cô ở đây suốt 2 năm rưỡi và phải chờ đợi trong khi cảnh sát kết luận điều tra vụ cô bị ngược đãi.
Trong thời gian này, Christine trở thành một thành viên quản trị cấp cao của Home, hỗ trợ cho những người mới đến và công tác tổ chức.
“Tôi đã gặp rất nhiều cô gái chung cảnh ngộ. Một số còn tệ hơn. Nhiều người rất sợ về các trường hợp của chính họ, nhưng từ những gì tôi trải qua, tôi khuyến khích họ chiến đấu vì quyền của chính họ, bởi nếu bạn không chiến đấu, bạn sẽ buộc phải chịu đựng” – Christine chia sẻ.