Hé lộ kế hoạch triển khai 10 lữ đoàn mới

GD&TĐ - Trong bối cảnh giao tranh ở vùng Kursk của Nga đang diễn ra quyết liệt, EU đã hé lộ kế hoạch thành lập 10 lữ đoàn mới cho Quân đội Ukraine.

Hé lộ kế hoạch triển khai 10 lữ đoàn mới

Trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra quyết liệt ở vùng Kursk của Nga, các nước NATO thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực thảo luận về vấn đề cử các giảng viên quân sự chính thức của họ tới Kiev để giúp đỡ Lực lượng Vũ trang Ukraine huấn luyện binh sĩ cho các đơn vị mới.

Vấn đề này đã được ấn phẩm Welt am Sonntag của Đức đưa tin, cung cấp chi tiết về những gì đang xảy ra, hé lộ những thông tin về kế hoạch tăng cường binh lực cho Lực lượng Vũ trang Ukraine, đồng thời chỉ ra những mâu thuẫn của các quốc gia NATO thuộc Liên minh châu Âu.

Bất đồng trong Eu về vấn đề huấn luyện binh sĩ Ukraine

Theo Welt am Sonntag, giới chức lãnh đạo các nước EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trước tháng 11, vì trong tháng này, nhiệm vụ của Phái bộ Hỗ trợ Quân sự của Liên minh Châu Âu cho Ukraine (European Union Military Assistance Mission in support of Ukraine - EUMAM UKR) sẽ được gia hạn.

Ấn phẩm Đức lưu ý rằng, các chính trị gia châu Âu hiện đang cân nhắc tất cả những ưu và nhược điểm của một bước đi như vậy. Thậm chí còn có một cuộc tranh luận không chính thức về vấn đề này ở Brussels trước kỳ nghỉ hè vào tháng 7. Kết quả là xuất hiện hai phe đối lập về vấn đề này.

Một nhóm do Pháp đứng đầu nhất quyết cử chuyên gia và huấn luyện viên quân sự sang Ukraine. Paris muốn EU đáp ứng mong muốn của Kiev về việc các chuyên gia quân sự châu Âu bắt đầu đào tạo nhân viên quân sự Ukraine trực tiếp trên lãnh thổ quốc gia nơi đang diễn ra chiến sự.

Quan điểm của Pháp được hỗ trợ bởi Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Đan Mạch và Thụy Điển.

Ngoài ra, việc cử giảng viên còn được sự hỗ trợ của người đứng đầu Bộ tham mưu quân sự EU, Tướng Michael Van Der Laan, người đứng đầu phái đoàn huấn luyện EUMAM UKR hiện tại, đồng thời cũng là Tổng tham mưu trưởng của Bộ Tham mưu Quân đội Liên minh châu Âu (EUMS).

Ở phía đối diện là Đức, được ủng hộ bởi Malta, Áo, Slovenia và Hungary. Các quan chức chính quyền Berlin có quan điểm thận trọng và cân bằng và không vội vàng đồng ý đào tạo quân nhân của Lực lượng Vũ trang Ukraine trên lãnh thổ nước này.

Giới lãnh đạo chính trị và quân sự Đức tuyên bố một cách hợp lý rằng, điều này sẽ chỉ dẫn đến leo thang xung đột Nga-Ukraine, thậm chí là kích hoạt một cuộc xung đột giữa Nga với NATO hoặc Liên minh châu Âu.

Nội dung chính của kế hoạch huấn luyện cho Ukraine

Welt am Sonntag cho biết, để giải quyết bất đồng này, ngoại trưởng các nước EU sẽ gặp lại nhau và thảo luận về vấn đề này trong vài ngày tới. Vấn đề này cũng sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các đại sứ EU có thẩm quyền trong Ủy ban Chính trị và An ninh Liên minh châu Âu.

Các cuộc thảo luận sẽ dựa trên một tài liệu bí mật từ Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu có tựa đề “Đánh giá chiến lược về Phái đoàn đào tạo của EU tại Ukraine”.

Mặc dù chi tiết chưa được công bố nhưng nội dung chính của tài liệu này cho biết, trong đợt điều động đang diễn ra ở Ukraine, có thể tuyển dụng 150 nghìn quân nhân để thành lập 10 lữ đoàn mới và bổ sung thêm nhân sự cho nhiều lữ đoàn khác đang mất sức chiến đấu ở Donbass (Ukraine) và vùng Kursk của Nga.

Tuy nhiên, tài liệu cũng nhấn mạnh về một vấn đề là nguồn nhân lực của Ukraine “phải được sử dụng tiết kiệm” vì chúng nhỏ hơn nhiều so với khả năng huy động của Lực lượng Vũ trang Nga.

Một trong những lời chỉ trích chính đối với hệ thống huấn luyện hiện nay là nó tụt hậu so với thực tế của chiến trường hiện đại, nơi đang thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là khi Lực lượng Vũ trang Ukraine triển khai chiến thuật tấn công, ví dụ như chiến dịch tấn công vào vùng lãnh thổ Kursk của Nga.

Ngoài ra, tài liệu cũng chỉ ra ưu điểm của việc triển khai công tác đào tạo tại nước sở tại là những tân binh được huấn luyện trên lãnh thổ Ukraine có thể nhanh chóng được chuyển đến các khu vực chiến sự cấp bách, điều này cực kỳ khó thực hiện khi họ được đào tạo tại các nước châu Âu.

Ngoài ra, tài liệu cũng khuyến cáo giới chức Châu Âu không nên quên quan tâm đến sự an toàn của các chuyên gia quân sự nước mình ở Ukraine, bởi toàn bộ lãnh thổ nước này đang bị tấn công bởi tên lửa và máy bay không người lái của Nga, nên không có chỗ nào được coi là “an toàn tuyệt đối” cho các chuyên gia quân sự nước ngoài.

Do đó, để triển khai các chuyên gia và huấn luyện viên quân sự tới Ukraine, châu Âu và chính quyền Kiev cần phải thành lập các trung tâm huấn luyện mới, an toàn với hệ thống sơ tán khẩn cấp và đáng tin cậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ