Hãy tin vào chủ trương mới

Hãy tin vào chủ trương mới
Học sinh lớp 1 nghiêm túc trong giờ học
Học sinh lớp 1 nghiêm túc trong giờ học

(GD&TĐ) - Năm học này, Bộ GD&ĐT có chủ trương khuyến khích không cho điểm đối với học sinh lớp 1 và không dạy chữ ở mầm non. Đa số các nhà quản lí GD cho đây là chủ trương đúng, trong khi đó nhiều GV đứng lớp ở bậc Tiểu học, nhất là các bậc phụ huynh lại tỏ ý băn khoăn. Không cho điểm lấy căn cứ nào để yêu cầu HS phấn đấu, để ép con phải cố gắng, nhất là những cháu học yếu. Quanh vấn đề này, chúng tôi xin được trao đổi đôi điều như sau:

Ở lớp 1 không có HS học yếu kém 

Xin được khẳng định ngay như vậy để các bậc phụ huynh yên tâm, còn các nhà giáo, ai còn băn khoăn về vấn đề này xin hãy coi lại phương pháp giáo dục của mình. Học sinh vào lớp 1 mới bắt đầu làm quen với con chữ, chương trình lớp 1 nhìn chung là nhẹ, phù hợp với cách học “học mà chơi”, chứ không nặng nề như nhiều người nghĩ.

Nếu có ai nói, chương trình học của các cháu quá tải, học chính khóa không hết thì hãy cảnh giác xem có bóng dáng của “sự tiếp thị” hay không. Hoặc là có chuyện GV nhầm chuẩn kiến thức theo sách giáo khoa với các loại sách tham khảo “nâng cao” vốn rất độc hại với HS lớp 1 hay không. 

Với một chương trình như hiện nay thì chắc chắn không thể có một HS lớp 1 nào học yếu (trừ những cháu thiểu năng trí tuệ, những cháu này sẽ học chương trình riêng). Hãy đặt câu hỏi: Tại sao khi vào lớp, tất cả các cháu đều bình thường mà sau 1 năm học với GV lại có cháu trở thành một HS yếu. Lỗi này thuộc về ai nếu không phải nhà giáo, nhà trường!

Nhiều bố mẹ khi thấy con đi học về được điểm 7 so sánh với con nhà khác được luyện viết trước được điểm 9, 10 đã hốt hoảng như trời sắp sập, có người còn cấm không cho con đi chơi hoặc xem ti vi để ngồi học thêm. Đây là sai lầm đáng tiếc, những cháu viết được chữ đẹp trước so sánh với những cháu viết chữ chưa đẹp không nói lên điều gì.

Học trước không “sáng dạ” trước

Có một suy nghĩ giản đơn ở số đông phụ huynh và không ít GV là: Các cháu được học chữ trước ở mầm non vào lớp 1 sẽ học tốt hơn. Chính vì vậy mới có trào lưu mới, con học xong mẫu giáo cho đi luyện chữ “siêu tốc” ở các lò luyện.

Thực ra thì những cháu học trước chương trình khi mới vào lớp thấy “tiếp thu” nhanh hơn các cháu khác, nhưng đó chỉ là nhớ theo kiểu học vẹt. Những GV dạy lớp 1 lâu năm thường rất “kị” với cách dạy này, bởi các cháu đã biết thực hiện trước bài học nên khi cô giảng thường không tập trung nghe cô giảng.

Mà các cháu say mê khám phá làm sao được khi mà điều cô nói cháu đã biết rồi! Nếu điều này lặp lại lâu dài thì việc thiếu tập trung trong giờ học sẽ thành thói quen, ảnh hưởng đến phát triển tư duy tích cực của trẻ.

Một hạn chế khác là GV mầm non không được trang bị kiến thức dạy chữ, nên những gì cô dạy cho trò chỉ bằng kinh nghiệm của mình thời còn đi học, trong khi khoa học sư phạm ngày nay khác trước khá xa. Nhiều cháu tập viết nhiều trước khi vào lớp 1 với tư thế ngồi sai, đặc biệt là cầm bút sai nên vào lớp 1 trở thành thói quen, GV phải sửa lại rất vất vả. Nhiều cháu bị vẹo cột sống, cận thị vì khởi đầu học chữ không đúng cách ở lớp mầm non. 

Không dạy chữ ở bậc học mầm non, không cho điểm ở lớp 1, tiến tới toàn bộ cấp Tiểu học là một chủ trương đúng đắn, từng bước giảm sự ganh đua không cần thiết, giảm áp lực học tập, tạo môi trường GD thân thiện, HS được trang bị kĩ năng sống, chủ động, sáng tạo trọng học tập, công việc…

Tuy nhiên đây là chủ trương mới nên một số phụ huynh tỏ ra lo lắng sợ GV (và chính bản thân mình) không nắm bắt được tình hình học tập của các cháu. Đây là lo lắng chính đáng nhưng hơi thái quá, như trên đã nói, GV luôn “thuộc” đến cả tính nết từng HS chứ không chỉ mình lực học.

Cũng không chỉ phụ huynh lo, một số phòng GD cũng sợ GV “quên” lực học của HS nên bắt GV phải đóng cuốn sổ nhật kí ghi lại tình hình học tập của HS, khiến GV kêu trời. Chúng ta hãy tin tưởng vào chủ trương mới, vì nó sẽ góp phần tích cực phát huy tính tích cực của HS.

Tú Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ