(GD&TĐ) - Sự kiện hàng trăm phụ huynh rồng rắn xếp hàng suốt đêm, mong tìm kiếm một suất vào học Trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) thật sự để lại nhiều suy nghĩ. Vẫn biết việc vỡ chỉ tiêu vào bậc học MN hay lớp 1 tại TP Hà Nội là điều không mới, mỗi khi mùa tuyển sinh đến. Đó là một áp lực, thách thức thật sự mà ngành giáo dục Hà Nội phải đối mặt khi trường lớp một số khu vực nội đô ít nhiều vẫn còn hạn chế so với áp lực dân số. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào bản chất của vấn đề, những áp lực khách quan lẫn chủ quan (như hiện tượng trên) mà ngành giáo dục Hà Nội đang phải đối mặt cũng đến từ phía phụ huynh.
Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục nói chung, từng địa phương nói riêng đã chú ý đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp với một lượng ngân sách lớn. Sự đầu tư ấy, một mặt đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn ngành, một mặt đảm bảo nguyên tắc mọi học sinh đều được đến trường với bất kỳ lý do, hoàn cảnh khó khăn nào (ai cũng được học hành). Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên không ngừng được chuẩn hóa, nâng cao trình độ. Tuy nhiên, tâm lý muốn con học trường có hạng vẫn luôn ám ảnh, đè nặng trong tâm trí không ít phụ huynh. Chính bởi cái ám ảnh về điều tốt đẹp, về các giá trị thật khó cân đo, đong đếm, mà không ít phụ huynh bất chấp sức học của con em họ, gạt bỏ nguyện vọng của chính các cháu để kiếm tìm cho được những hoài vọng, những điều để thỏa mãn cái ham muốn cá nhân của mình. Hậu quả của điều đó thì đã quá rõ, họ tự làm khổ chính bản thân mình, làm khổ nhà trường và một chút ít phiền muộn, suy nghĩ cho chính những người trong ngành.
Một vị hiệu trưởng trường TH ở Q.1 TP.HCM đã không ít lần than thở với tôi rằng: “Tôi không hiểu vì sao nhiều phụ huynh mỗi khi đến mùa tuyển sinh vẫn cố sống, cố chết, thậm chí là “vung tiền” để tìm một suất học ở trường được cho là điểm cho con họ. Dù nhà trường có giải thích thế nào, lý giải ra sao, họ vẫn nhất quyết đòi vào bằng được, dù mặt bằng giáo dục của các trường TH trên địa bàn hoàn toàn ngang bằng nhau. Sự đòi hỏi ấy nhiều khi đến vô lý, khiến cho áp lực tuyển sinh của trường năm nào cũng “căng như dây đàn”. Mặc dù trong thực tế, hệ thống trường lớp trên địa bàn dư sức đáp ứng cho nhu cầu học tập của con em nhân dân”.
Những chia sẻ rất thật ấy cho chúng ta thấy một điều: Tâm lý chuộng “trường sao”- Không phủ nhận rằng, ở một số phụ huynh, cũng là một thứ “trang sức” cho sự “hoàn hảo” của cá nhân họ, không đơn thuần là quyền lợi con em-Chính là nguyên nhân chính gây ra những hình ảnh không đẹp cho môi trường giáo dục. Áp lực trường lớp, cơ sở vật chất tại một số TP lớn vẫn là rất căng thẳng. Tuy nhiên, sự căng thẳng ấy không đến nỗi các địa phương không thể đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân. Vì vậy, thiết nghĩ các bậc phụ huynh hãy thật sự bình tĩnh, hãy thôi tự làm khổ chính bản thân mình. Hãy để cho con trẻ được phát triển một cách tự nhiên, được vui chơi học hành một cách thoải mái, hồn nhiên nhất.
Anh Tú