Hãy khuyến khích con đặt câu hỏi

GD&TĐ - Bạn không tránh khỏi một ngày, con bạn sẽ đặt câu hỏi về những thắc mắc xung quanh cuộc sống. Chẳng hạn: “San hô là thực vật hay động vật?”, “Tại sao trái đất hình tròn?”, “Vì sao lá cây màu xanh”... 

Hãy khuyến khích con đặt câu hỏi

Cha mẹ đừng bực mình hay khó chịu vì những câu hỏi dễ thương đó. Bởi đây là dấu hiệu tốt, chứng tỏ trẻ vận động trí não, có óc quan sát và yêu khám phá. Thay vì lờ đi, hãy tìm cách giải đáp những thắc mắc đó một cách khoa học, nhưng theo hướng đơn giản để trẻ có thể dễ dàng tiếp nhận.

Tất nhiên, không phải câu hỏi nào của con cũng được cha mẹ giải đáp trọn vẹn. Bởi kiến thức là vô hạn, trong khi trí não của con người thì hữu hạn. Nhưng không vì thế mà cha mẹ bỏ qua sự hứng thú của con, khi trẻ háo hức cần sự trả lời một cách thỏa đáng. Câu nào biết thì trả lời ngay, còn ngược lại, có thể trì hoãn bằng lời nói: “Ba mẹ sẽ giải đáp những thắc mắc của con vào một ngày gần nhất”.

Tiếp sau đó, phụ huynh nên lên mạng tìm câu trả lời từ Wikipedia hoặc những trang web có độ tin cậy cao, thông qua Google Search để dung nạp kiến thức cho con. Nhưng cần nhớ là phải kiểm chứng nhiều nguồn để cho ra một kết quả tốt nhất, chính xác nhất. Bởi ở độ tuổi nhi đồng, trẻ lưu trữ kiến thức rất nhanh nhạy, sẽ là kho tàng tri thức xuyên suốt trong quãng thời gian học tập cho đến khi đi làm. Nếu kiến thức sai, trẻ dễ bị ảnh hưởng, đi sai đường và có cái nhìn khác đi.

Cha mẹ nên cùng con lên mạng, vào các trang web kiến thức an toàn, tin cậy để trẻ khám phá một cách sinh động. Không có niềm vui nào bằng việc tự mình tìm ra được lời giải đáp thắc mắc đó. Hay những lúc rảnh rỗi, cùng con đi nhà sách, kéo con lại những gian hàng sách khoa học, chọn lựa những lời giải đáp từ sách cho trẻ xem, hoặc đọc cho trẻ nghe. Điều này thêm phần có lợi vì giúp trẻ yêu thích đọc sách truyền thống trong thời buổi công nghệ thông tin lên ngôi.

Khuyến khích trẻ đặt nhiều câu hỏi mang tính kiến thức, nhân văn. Ví dụ như: “Hôm nay con có điều gì muốn hỏi ba không?”, “Con có biết tại sao xe cấp cứu có chữ Ambulance viết ngược?”, “Vì sao con chó dù đi xa vẫn biết đường tìm về nhà chủ?”... Ở những mảng tự nhiên như toán học, nếu câu nào vượt quá giới hạn kiến thức của mình,cha mẹ có thể nhờ thầy cô của con hoặc người thân giải đáp giúp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.