Lòng tốt là sự lựa chọn
Lòng tốt của con người không phải sinh ra đã có, đó là sự rèn luyện, giáo dục, và đôi khi cũng là sự lựa chọn. Khi con còn nhỏ, thấy con có hành động sai trái, cha mẹ cần uốn nắn con ngay để bé biết sai và sửa. Nếu cha mẹ lờ đi những việc làm sai của con và nghĩ đó là việc nhỏ, không đáng, thì sẽ tạo cho trẻ một thói quen và tính cách xấu.
Khi lớn lên, mỗi người đều được quyền lựa chọn cho mình cách sống riêng. Lòng tốt cũng chính là một sự lựa chọn tử tế, thế nhưng, cần có được cái đầu tỉnh táo để lòng tốt đó được đi đúng hướng, và trở nên có ích không chỉ cho bản thân mình mà còn cho xã hội.
Theo TS Nguyễn Hoàng Dương, chuyên gia tư vấn tâm lý trường học chia sẻ: “Lựa chọn sống tốt và làm người tử tế luôn đáng được khích lệ, khen ngợi. Đôi khi, chỉ là việc mỉm cười với nhau, cùng giúp cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn. Hoặc có thể dang tay ra giúp đỡ ai đó bước qua khó khăn… tất cả đều là chọn lựa cách sống”.
Tuy nhiên, lựa chọn cũng cần là sự thoải mái, thực lòng mong muốn như vậy chứ không phải là việc bị bắt buộc phải làm, ép bản thân mình phải chọn để sống giống theo một ai đó. Chính vì vậy, để trở thành người tốt cần xuất phát từ cảm nhận bên trong của mỗi người.
TS Nguyễn Hoàng Dương cũng cho biết: “Đừng thúc giục người khác phải làm việc tốt, và đừng lấy sự thờ ơ của người khác làm lý do từ bỏ lòng tốt của mình. Tử tế cũng cần được tu dưỡng. Để có thể luôn lấy lòng tốt đối đãi với mọi người, chúng ta cần từ bỏ một số sở thích riêng, cần hy sinh về vật chất hoặc tinh thần, cần học cách khoan dung, học cách thấu hiểu và cống hiến”.
Vì vậy, lòng tốt cũng chính là sự lựa chọn. Để có thể chọn đúng, cũng cần có cả một quá trình trải nghiệm từ bé.
Chị Nguyễn Hương Giang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Khi định hướng cho con cần sống tử tế, tôi dành thời gian để quan sát. Lúc cháu còn nhỏ, để lựa chọn việc dùng tiền mua đồ chơi cho mình hay góp lại để mang đi từ thiện cho các bạn nhỏ vùng cao, cháu đã tự mình đưa ra quyết định.
Ban đầu, con có thể tiếc nuối nhưng khi làm được việc thiện nguyện, trẻ tỏ ra rất vui và hạnh phúc vì khẳng định được bản thân mình sống có ý nghĩa. Vì vậy, mỗi lựa chọn đều đem lại kết quả, cha mẹ hãy cho trẻ biết được khi làm việc tốt, con sẽ cảm nhận được gì”.
Đừng sống cuộc đời giống phim
Xem phim và yêu thích nhân vật nào đó đôi khi khiến các bạn trẻ cảm giác mình đang sống cuộc sống của nhân vật, đang hành động như nhân vật. Thế nhưng, trên phim không giống với thực tế. Hình ảnh trên phim đã được nghệ thuật hóa, nếu con người cứ bắt chước để giống với các nhân vật, dù là những việc làm tốt cũng gây ra nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Cô Nguyễn Thanh Bình, chuyên gia tư vấn tâm lý cho biết, các bạn trẻ có quyền yêu thích và thần tượng một ai đó. Và theo tâm lý thông thường, người trẻ sẽ mong muốn được làm mọi điều giống với nhân vật, nhất là những nhân vật anh hùng, trượng nghĩa. Tuy nhiên, việc này đôi khi khiến những người xung quanh cảm thấy không thoải mái, thậm chí là khó chịu.
Hiện nay, nhiều người trẻ bị ảnh hưởng bởi phim ảnh quá nhiều, luôn mong muốn ra tay nghĩa hiệp. Thậm chí, những phim ảnh cổ trang hoặc giả tưởng, có sức mạnh thần tiên… thu hút khán giả cũng khiến nhiều người “bắt chước” hình ảnh trên phim.
Theo nhiều chuyên gia, trẻ rất muốn “sao chép” người lớn từ khi còn nhỏ. Vì vậy, cần giúp trẻ hiểu được khái niệm trừu tượng về lòng tốt bằng các từ cụ thể: Cho, chia sẻ, an ủi, hỗ trợ, lắng nghe, bảo vệ, giúp đỡ… Hay đơn giản là những câu chuyện xảy ra hàng ngày.
Nhiều cha mẹ nhận thấy, con thậm chí có thể giúp đỡ người khác giống như trên phim ảnh nhưng lại vượt qua khả năng mà con có. Điều này không chỉ gây hại cho trẻ, mà còn mang đến phiền phức khi cha mẹ phải giải quyết “hậu quả” do trẻ gây ra.
Ví như con trẻ có thể bắt chước nhân vật hoạt hình Spiderman (người nhện) để giải cứu thế giới. Lúc này, cha mẹ cần giải thích để con hiểu việc xem phim và học theo điều tốt là việc nên làm nhưng thực hành theo thì phải tùy từng hoàn cảnh và tính chất sự việc ngoài thực tế.
Cô Đỗ Thị Hường – giáo viên trường tiểu học song ngữ quốc tế chia sẻ: “Kể cả các mối quan hệ với bạn bè, đôi khi trẻ bị ảnh hưởng nhiều trên phim ảnh. Có những việc tốt, trẻ có thể học được nhiều điều nhưng tất cả cần phải được hướng dẫn, giải thích để con hiểu đâu là đời thực, đâu là trên phim. Việc học hỏi qua phim ảnh cũng cần có chọn lọc, học theo phù hợp chứ không “bê nguyên” gây ra nhiều điều không thực tế”.
Lòng tốt có thể đơn giản là một lời nói hay một điều ước tốt lành trẻ dành cho người khác. Trẻ có thể mong muốn sức khỏe, niềm vui dành cho người thân, bạn bè hoặc những người xung quanh khi nghĩ tới họ. Hoặc cha mẹ khuyến khích trẻ thể hiện những suy nghĩ đó thành lời như: Chúc ông bà khỏe mạnh, chúc cha mẹ hạnh phúc, chúc bạn bè nhiều niềm vui…
Lòng tốt xung quanh ta còn rất nhiều, nhưng đôi khi nó chỉ là một nụ cười chào khi gặp nhau, hay cúi xuống nhặt một mảnh rác lên vào thùng để thành phố sạch sẽ hơn… Đó chính là phần thiện lương tốt đẹp hiển hiện trong nhân cách con người, được bộc lộ qua cách ta cư xử, nâng đỡ và gắn kết với nhau trong đời sống.
Khuyến khích trẻ làm việc tốt có thể ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập, sức khỏe và kỹ năng xã hội. Những hành động tử tế còn giúp trẻ trở nên hạnh phúc và có cách nhìn nhận tích cực hơn về cuộc sống. Trở thành một người đơn giản không có nghĩa là bạn không có ham muốn, nhưng hãy biết như thế nào là đủ.