Nhưng cái sự “như nhau” thật khó mà thực hiện được giữa những đứa con trong một gia đình, nên thực tế mới nảy sinh nhiều chuyện phiền lòng và gây tổn thương cho những đứa trẻ.
Con yêu con ghét
Sau mấy lần đến chơi lâu ở nhà người bạn, chị Liên Hoa (phố Nguyễn Trọng Phụng - quận Thanh Xuân - Hà Nội) nhận xét: Vợ chồng cậu sao lại “thiên vị” thằng cu Long thế? Nghe bạn hỏi, chị Thuận phản ứng ngay “Làm gì có chuyện ấy. Mình chỉ có hai đứa con chứ nhiều nhặn gì, đứa nào cũng yêu cũng thương như nhau mà”. “Mình thấy cách chăm sóc hai đứa con trong bữa ăn không giống nhau. Thằng Long thì được mẹ bóc tôm, ấn vào tận tay, mời chào thuyết phục, còn thằng anh (tên Phúc) thì hầu như không thấy mẹ nó thể hiện sự quan tâm gì. Thằng lớn khảnh ăn thế nhưng cũng không thấy bố mẹ nhắc nhở hay ép nó ăn thêm”.
“Không chỉ phải nhường em đồ ăn hợp khẩu vị hàng ngày mà ngay cả đồ chơi hay kênh truyền hình ưa thích hễ thằng em đòi hỏi là cậu anh phải nhường vô điều kiện theo lệnh của bố mẹ…”.
Ngay nhà hàng xóm nhà tôi chuyện “con yêu con ghét” cũng như gió xoay chiều. Lúc vợ sinh thằng con trai đầu lòng, anh Vũ yêu quý, cưng chiều hơn vàng. Thế nhưng khi có thêm đứa con gái, anh lại làm cho vợ đau đầu vì quá yêu chiều con gái và tỏ ra khó tính với cậu con trai. Mọi yêu thương đã từng dành cho cu Minh, bây giờ anh dồn cả vào cô con gái, nhưng gấp nhiều lần. Tất cả những rắc rối, xung đột xảy ra giữa hai anh em, trong mắt anh Vũ, mọi lỗi đều thuộc về cậu con trai lớn. Không ít lần, Minh bị đòn vì đã “không biết cư xử cho ra hồn như một thằng anh”.
Sự phân biệt đối xử giữa hai đứa con của anh Vũ khá nặng nề. Dù cố gắng học giỏi nhưng thằng Minh vẫn chưa thể làm cho bố hài lòng vì bố nó yêu cầu nó phải đạt xuất sắc. Những cố gắng của con ít được anh ghi nhận vì anh cho rằng “tất nhiên phải thế”. Anh cũng yêu cầu thằng bé phải làm việc nhà như rửa bát, lau nhà… Sai hỏng một chút cũng bị mắng té tát. Còn cô con gái, hễ vợ mắng là anh bênh chằm chặp hoặc vui vẻ làm hộ mọi việc.
Hậu quả khôn lường
Những đứa trẻ nhìn thấy bố mẹ yêu thương anh, chị hoặc em của mình hơn sẽ nảy sinh ghen tỵ. Từ sự ghen tỵ, đứa trẻ trở nên ương bướng, khó bảo, thường làm những điều trái với ý muốn của cha mẹ hoặc phá đám cho bõ tức. Ở nhà chị Hoa, chẳng biết từ lúc nào thằng Phúc đã trở thành “cảnh sát trưởng” trong gia đình, dò xét, soi mói, bắt bẻ mọi lỗi lầm của cậu em. Điều đặc biệt tồi tệ là cậu luôn “diễn” trước mặt bố, khiến bố mẹ tưởng giữa hai anh em không có chuyện gì, nhưng sau lưng vợ chồng chị Thuận, đứa con trai bộc lộ tất cả sự ghen tức, ghét bỏ đứa em ruột của mình một cách không cần che giấu.
Còn ở nhà anh Vũ, sự thiên lệch tình cảm của cha mẹ đối với con cái thậm chí đã gây ra sự thù hận giữa chúng. Mỗi lần thấy bố mẹ vui đùa ríu rít với em, cu Minh cạu cọ lủi thủi lánh ra một góc, thế nhưng tai vẫn dỏng lên không bỏ sót một câu cưng nựng nào mà bố dành cho em gái. Mọi sự phân biệt đối xử của bố đều không lọt qua mắt cậu con trai và sự bất công ấy đã hằn sâu trong tâm trí của cậu và khiến cho cậu ghét đứa em gái một cách thậm tệ. Cái tên của em gái nó cũng xuyên tạc ra thành một cái tên xấu xí để chế giễu khiến em bật khóc mới hả giận. Học giỏi, nhưng nó không kèm em học và bị bố khoác thêm cho cái tội “ích kỷ”.
Anh Vũ có biết đâu, sự “biệt đãi” anh dành cho con gái lại khiến con bất lợi mỗi khi muốn gần gũi hay bày tỏ tình cảm với anh trai mình. Trong chuyện học hành, gặp vấn đề gì con bé hỏi anh cũng bị gắt gỏng: “Tự làm đi!”. Muốn chơi cùng trò chơi gì cũng khó vì thằng anh né tránh, đi đâu với nhau thậm chí con bé đứng bên cạnh, anh trai cũng khó chịu, lánh sang một bên.
Việc cha mẹ đối xử thiếu công bằng với con cái đã gây tổn thương cho những đứa trẻ rất nhiều. Hai đứa con, một thì khổ sở vì thiếu sự quan tâm của bố mẹ, một thì khổ sở vì bị đứa kia ganh tỵ, ghét bỏ. Hệ lụy của vấn đề “con thương con ghét” còn kéo dài tới mãi sau này khi các con đã lớn, kể cả đến lúc dựng vợ gả chồng… sẽ biến thành rất nhiều xung đột, tác động đến các mối quan hệ trong gia đình mà các bậc phụ huynh không lường trước được.
Chuyên gia tâm lý Tuyết Anh - Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt