Gần đây, câu chuyện "làm ơn mắc oán" khi giúp đỡ người đi đường của cô bé 12 tuổi đến từ thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc thu hút dư luận Trung Quốc.
Cuối tháng 6, nhìn thấy người đi bên cạnh ngã lăn ra đường do trơn trượt, cô bé 12 tuổi Tiểu Lý dừng xe và đỡ người bị nạn vào lề đường. Thật bất ngờ, người phụ nữ sau tố với cảnh sát rằng, chính cô bé là người đã đâm xe làm cho bà bị ngã.
Tiểu Lý phải gọi mẹ đến. Tưởng rằng sẽ nhận được sự động viên và an ủi, thái độ của người mẹ thậm chí còn tồi tệ hơn. Mặc dù cô bé 12 tuổi ra sức thanh minh mình không phải người gây tai nạn, nhưng mẹ vẫn cho rằng cô đang nói dối.
"Mẹ đang phải trả các chi phí y tế bởi việc làm không ra gì của con", bà mắng. Trong lúc cự cãi, thậm chí người phụ nữ này còn giơ tay tát con gái.
Kể từ thời điểm đó, Tiểu Lý luôn ủ rũ, không nói chuyện với ai và trốn mình trong phòng riêng.
Sau vài ngày, cảnh sát gọi điện xác nhận cô bé không phải người gây tai nạn thông qua camera giám sát trên đường. Người phụ nữ bị ngã cũng đã hoàn trả các chi phí y tế và viết một lá thư cảm ơn.
Nhận được tin, người mẹ cảm thấy vô cùng ân hận, muốn xin lỗi con gái nhưng Tiểu Lý chỉ nói: "Tại sao mẹ tin tưởng người ngoài hơn con?". Lúc này, mẹ của cô bé chỉ biết ôm mặt khóc.
Đầu năm 2020, tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cũng xảy ra chuyện đau lòng từ việc cha mẹ không tin tưởng con cái. Một cậu bé 9 tuổi bị con chó hoang liếm vào tay, sau 40 ngày cậu tử vong.
Cậu bé này thường xuyên nghịch ngợm nên hay bị bố mẹ mắng. Năm ngoái cậu cũng bị một con chó cắn vào chân, về nói với cha mẹ nhưng bị mắng vì tội "nghịch dại". Lần này, vì sợ bị mắng nên cậu giấu nhẹm. Con chó lần này đã liếm vào vết thương hở trên tay và cậu bé phát bệnh dại sau đó ít hôm.
Cậu bé 9 tuổi này hoàn toàn có cơ hội sống nếu nói với bố mẹ và đi tiêm phòng. Thế nhưng cậu đã bỏ lỡ nó.
"Khi bị thương, cậu bé không dám nhờ bố mẹ giúp đỡ. Rõ ràng, cậu đã không tin tưởng bố mẹ, nghĩ rằng nói với họ sẽ chỉ nhận được lời trách mắng", cô giáo chủ nhiệm của cậu bé bức xúc.
Nhà văn nổi tiếng người Anh Charles Dickens từng nói: "Trong cuộc sống có 4 thứ không bao giờ được phá vỡ. Đó là tin tưởng, quan tâm, lời hứa và tình yêu. Bởi khi bị phá vỡ, chúng chẳng phát ra âm thanh nào nhưng sẽ gây đau đớn tột cùng".
Phạm Thành Kim, cô gái 33 tuổi đến từ Quý Châu là một "nạn nhân" như vậy.
Năm 23 tuổi, Phạm tốt nghiệp đại học và đi tìm việc, tuy nhiên nhà tuyển dụng nào cũng chê khả năng giao tiếp của cô. "Đến một câu nói hoàn chỉnh cô Phạm cũng ấp úng, không nói nên lời", một nhà tuyển dụng nhận xét.
Kể từ đó, cô gái này cất tấm bằng đại học, ở nhà "ăn bám" bố mẹ. Cô không muốn tìm việc, cũng chẳng muốn tiếp xúc với người ngoài cho đến 10 năm sau, bố mẹ ngày càng già đi, thu nhập từ lương hưu dành hết cho việc chữa bệnh của hai ông bà.
"Nếu không đi làm, tôi sẽ chẳng có thu nhập để duy trì cuộc sống nữa", cô gái này than vãn nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu.
Theo Phạm, hồi nhỏ cô cũng là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi. Khi học cấp 2, cô đặc biệt yêu thích thiết kế thời trang, thường mang quần áo thừa để may cho búp bê.
"Làm gì với những đống vải nát đó, nó có giúp ích cho việc học của con không", mẹ Phạm hét lên và yêu cầu con chấm dứt ngay việc may vá.
Lớn hơn, Phạm lại yêu thích điêu khắc. Cũng như lần trước, mẹ đã vứt tất cả những tác phẩm của cô vào thùng rác: "Con không được làm những việc mình thích, phải nghe theo lời mẹ", bà gầm lên. Thậm chí, ngay cả khi đã lớn, trước mặt mọi người, người mẹ này cũng luôn mắng nhiếc con gái thậm tệ "Con là đồ ăn bám, không chịu làm việc gì cả".
"Sự tự tin và nhiệt tình của tôi đã bị mẹ kìm hãm. Nếu trước đây được bà tin tưởng và ủng hộ, giờ rất có thể tôi đã trở thành nhà thiết kế hoặc điêu khắc. Với mẹ, tôi luôn là người vô dụng", cô gái 33 tuổi chia sẻ.
Sự kìm nén và mỉa mai của mẹ khiến Phạm Thành Kim ngày càng trở nên rụt rè, không dám tiếp xúc với người lạ. Cô cũng luôn đổ lỗi cho cha mẹ về cách giáo dục đàn áp, không tin tưởng khả năng của con.
Nhà xã hội học nổi tiếng Trung Quốc Vương Vĩ Quang từng nói: "Sự tự tin và trưởng thành của trẻ không phải nhờ đòn roi mà được nuôi dưỡng từ sự tôn trọng, hiểu biết và tin tưởng".
Cũng theo vị này, những đứa trẻ được bố mẹ tin tưởng mới có được sức mạnh đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Còn không thì chỉ sản sinh ra những đứa con như Phạm Thành Kim mà thôi.
Thành công vào sự tin tưởng con cái được thể hiện rõ nhất qua trường hợp của tỷ phú Elon Musk - ông chủ của hai hãng công nghệ lớn Tesla và SpaceX.
Ngày 30/5/2020, tên lửa đẩy Falcon 9 của Hãng SpaceX mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon cùng 2 phi hành gia Mỹ rời bang Floria, và chưa đầy 19 giờ sau, kết nối thành công với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Những hạt giống mà Elon Musk - gã điên hay tên vĩ cuồng, tùy người đánh giá - gieo cách đây đúng 18 năm, giờ đã vươn thành cây xanh quả ngọt.
Cùng ngày trên trang cá nhân của bà Maye Musk - mẹ Elon Musk - viết những lời đầy tự hào về con trai "Tôi biết rằng con trai mình sẽ thành công như vậy".
Ngay từ lúc nhiều người chê cười, nói ý tưởng đưa người vào không gian của vị tỷ phú này là điên rồ, thì người mẹ luôn tin tưởng tuyệt đối vào con mình.
"Mẹ tôi là một anh hùng. Hầu hết thành công của tôi ngày hôm này đều đến từ sự tin tưởng của bà", Elon Musk nói về mẹ.
Khi còn là đứa trẻ, Elon Musk luôn sống hướng nội. Anh chỉ thích ở nhà một mình đọc sách. Thay vì ép buộc con phải ra ngoài giao lưu với bạn bè, bà Maye Musk luôn động viên: "Mẹ nghĩ đó không phải là vấn đề, nếu con thích thì con cứ ở nhà đọc sách".
Sau khi tốt nghiệp trung học, Elon Musk muốn sang Canada du học, thực hiện ước mơ về khoa học công nghệ. Để con trai có thể theo đuổi ước mơ, mẹ anh không ngần ngại đưa cả gia đình rời Nam Phi. Khi Musk đến Stanford học đại học, anh đã bỏ học ngay ngày thứ hai vì có ý tưởng khởi nghiệp mới. Thay vì phản đối, bà Maye Musk luôn ủng hộ và hỗ trợ con.
Khi nhắc về mẹ, Elon Musk thường cho rằng mình là một người may mắn. "Mẹ đã nuôi dưỡng niềm tin và sự tự tin cho tôi từ khi còn nhỏ. Bà chọn cách buông tay để tôi có thể được phát triển tự do".
Vị tỷ phú này cho rằng, cha mẹ ngày nay thường chia niềm tin với con cái thành 3 cấp độ lần lượt là cấp thấp, trung cấp và cao cấp.
Với cấp thấp, dù cho trẻ làm gì cũng bị bố mẹ bắt lỗi, săm soi khiếm khuyết để đe nẹt, bắt làm theo ý mình. Niềm tin trung cấp là khi trẻ thành công một việc nào đó cha mẹ mới tin là chúng có khả năng. Ở cấp độ nâng cao, cha mẹ luôn tin tưởng trẻ vô điều kiện và trong mọi hoàn cảnh.
Đối với bà Maye Musk, bà đã chọn cấp độ nâng cao để rèn luyện ra một tài năng xuất chúng như Elon Musk.
"Niềm tin này không hề mù quáng vì trẻ có khả năng vô hạn. Ngay cả khi bây giờ trẻ không đủ tốt, đủ giỏi nhưng chúng có thể tỏa sáng vào ngày mai", mẹ tỷ phú từng nói trong một cuộc phỏng vấn.
Cùng quan điểm, nhà xã hội học Vương Vĩ Quang cho rằng, một số người nghĩ nếu tin tưởng vô điều kiện, sẽ làm hỏng đứa trẻ. Tuy nhiên theo ông cha mẹ càng tin tưởng con cái, chúng càng tự giác, cộng thêm việc chúng sẽ tăng sự nhiệt tâm và chủ động trong công việc.
"Tôi từng đọc một đoạn văn nói rằng gia đình luôn là điểm tựa, là niềm tin cuối cùng của mỗi con người. Nếu không có lối thoát này bạn phải tìm một người thật đáng tin cậy trong thế giới 7 tỷ người. Điều này quá khó khăn. Nếu gia đình luôn cho bạn một niềm tin, điều đó có nghĩa bạn đang rất hạnh phúc", Vương nói.
Vị giáo sư này cũng nhấn mạnh: "Đứa trẻ sẽ ngày càng xa rời vòng tay cha mẹ, nhưng niềm tin của người sinh thành mãi đồng hành với chúng".