Mặc dù khoa Nội tiết BV Nhân dân 115 TP.HCM có 50 giường bệnh nhưng lúc nào cũng điều trị 70 bệnh nhân nội trú. Trong đó 80% đến 90% là bệnh nhân tiểu đường.
Loét chân vì liên tục ăn cá lau kiếng
Vừa nhăn mặt vì đau nhức ông NVM (52 tuổi, ở Đồng Nai) vừa nói: “Cách đây hơn năm, tôi thấy trong người có những biểu hiện lạ như hay mệt mỏi, luôn khát nước, lại tiểu nhiều. Tôi sụt ký nhanh chóng, từ 62 kg chỉ còn 55 kg trong vòng hai tháng”.
Gặp người bạn, ông M. kể lể sự tình. Người bạn “phán” ông M. có triệu chứng của bệnh tiểu đường và khuyên nên trị theo phương pháp gia truyền. “Người bạn kêu tôi tìm mua vài con cá lau kiếng (kính) rồi hầm với nước dừa và đu đủ. Người bạn còn quả quyết mỗi tuần ăn 2 lần thì sẽ dứt bệnh tiểu đường” - ông M. cho biết.
Tin lời bạn, ông M. làm theo. Ăn cá lau kính ròng rã suốt năm trời, ông M. thấy các triệu chứng nói trên chẳng những không giảm mà còn nặng hơn. Rồi một lần ông M. đạp cây gai và máu rỉ liên tục. “Quá lo sợ, tôi đến BV Nhân dân 115. Sau khi khám, bác sĩ (BS) nói tôi bị tiểu đường type 2 và trong giai đoạn nặng. BS nói tôi bị biến chứng loét chân do chậm điều trị” - ông M. buồn rầu.
Tương tự, bà NTTH (54 tuổi, ở Long An) cũng bị loét chân phải do biến chứng tiểu đường. BS cho biết chân bà H. phải cắt bỏ để không ảnh hưởng tính mạng.
Loài cá lau kính có thể chữa bệnh tiểu đường theo đồn thổi.
Bà H. kể: “Khám ở phòng mạch tư, BS nói tôi bị tiểu đường và khuyên nên đến BV. Tôi thấy nhiều người bị tiểu đường nhưng BV điều trị không hết nên nghe lời bà hàng xóm tìm mua cá lau kính hầm với nước dừa và đu đủ để ăn”.
Không chỉ vậy, trước nhà có cái ao nhỏ nên bà H. thả mớ cá lau kiếng nuôi để ăn dần. Cá lau kính hầm với nước dừa và đu đủ ăn riết cũng ngán, bà H. chế biến thêm các món khác như hấp sả, hấp bia, nướng muối ớt… “Độ một năm sau, có lần tôi cắt móng chân mà cứ bị chảy máu ri rỉ. Chưa hết, mắt tôi bỗng nhiên bị mờ. Đến BV Nhân dân 115, BS bảo tôi bị tiểu đường type 2 và bị loét bàn chân” - bà H. nói.
Con cá không làm nên thuốc
Theo bà Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, y học cổ truyền có những bài thuốc hỗ trợ triệu chứng tác dụng phụ của tiểu đường. Hoàn toàn không có bài thuốc điều trị dứt tiểu đường.
“Điều trị tiểu đường phải đảm bảo ba nguyên tắc: Ăn uống hợp lý, tập luyện thể lực và dùng thuốc (cơ bản vẫn là thuốc Tây, thuốc y học cổ truyền chỉ là hỗ trợ). Nếu chỉ ăn cá lau kiếng, không tập thể lực và không uống thuốc thì chắc chắn không có tác dụng” - bà Lan lưu ý.
Tương tự, BS Võ Tuấn Khoa, khoa Nội tiết BV Nhân dân 115, khuyến cáo: “Tiểu đường điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị theo phương pháp không khoa học sẽ kéo dài thời gian, bệnh thêm nặng và nguy cơ biến chứng rất cao. 85% trường hợp cưa chân ở người tiểu đường trên nền có loét chân từ trước”.