Thời gian qua, karaoke vỉa hè, gia đình với hình thức tự phát đã gây ra nhiều phiền toái, gây ồn ào, mất trật tự xã hội. Đáng nói, đã xảy ra nhiều mâu thuẫn dẫn đến những hành vi như: ném bom xăng, mâu thuẫn hay xảy ra án mạng.
Chị Hoàng Thu Hằng, ở Ngọc Hà, Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, hát karaoke gia đình hiện giờ là nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình, đây là một những cách vừa để xả stress, vừa kết nối các thành viên trong gia đình. Nếu chỉ thi thoảng hát hoặc hát vào một dịp nào đó như: sinh nhật, lễ, tết thì còn chấp nhận được. Thế nhưng thực tế, có nhiều gia đình mở nhạc hát karaoke vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, miễn là họ rảnh rỗi. Không có sự kiện gì họ cũng hát hò ầm ĩ, mở nhạc quá to vào ban đêm, buổi trưa, khiến hàng xóm xung quanh không thể nghỉ ngơi được, rất phiền toái.
Khi karaoke tự phát vượt quá mức chịu đựng của người dân, đã xảy ra nhiều vụ việc ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Có thể kể đến một số vụ việc điển hình. Mới đây nhất, khuya ngày 21/11, tại khu vực ngõ 179 Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội), một người đàn ông (61 tuổi) có hành vi ném “bom xăng” về phía nhà hàng xóm gây cháy lớn. Thậm chí, lửa cháy còn bén vào cột điện gây mất điện tại khu vực này. Sau đó, người này đã khóa trái cửa và cố thủ ở trong nhà. Nguyên nhân do nhà hàng xóm thường xuyên hát karaoke gây ồn ào và ông góp ý nhiều lần không được.
Hay một vụ việc khác xảy ra ở Bình Dương. Tối ngày 10/11 vừa qua, Nguyễn Văn Vũ Em (SN 1993, quê Sóc Trăng), rủ một số người bạn về nhậu tại phòng trọ của mình ở phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, vừa nhậu, vừa hát karaoke.
Đến 20h30 cùng ngày, do thấy ồn ào nên anh Nguyễn Văn Chệt (SN 1994, quê Hậu Giang) ở cùng dãy nhà trọ qua nhắc nhở, đề nghị nhóm này ngừng hát thì hai bên xảy ra mâu thuẫn nhưng được can ngăn. Bực tức, Em lấy một khẩu súng tự chế bắn về phía anh Chệt, anh Chệt bỏ chạy thì bị Em đuổi theo bắn thêm 2 phát đạn nhưng không trúng. Tiếp đó, Em vào phòng trọ lấy 2 con dao Thái Lan tìm anh Chệt để đánh khiến nạn nhân bị thương tích.
Trước đó, một vụ việc khác khiến dư luận phẫn nộ xảy ra ở Đồng Nai. Ngày 7/10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp Nguyễn Hoàng Minh (SN 1998, ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) để điều tra về hành vi "giết người".
Khoảng 21h tối 6/10, gia đình anh T.H.T (SN 1971, ngụ ấp Bình Chánh, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) tổ chức tiệc rượu và sau đó hát karaoke. Đến khoảng khoảng 23 giờ khuya, bà Đ.T.H. là hàng xóm của anh T. sang nhắc nhở, đề nghị anh T. ngừng hát do gây ồn ào ảnh hưởng đến nghỉ ngơi của người dân xung quanh. Sau đó anh T. tắt karaoke nhưng do bực tức anh T. đi ra ngoài cổng chửi bà H. rồi tiếp tục đi theo tới cổng nhà bà H. để chửi.
Thấy mẹ bị chửi, con trai bà H là Nguyễn Hoàng Minh cầm 1 viên gạch và 1 con dao đuổi theo gây ẩu đả khiến anh T. gục tại chỗ. Mặc dù anh T. được chuyển đến bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó…
Đây mới chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ mâu thuẫn từ việc hát karaoke tự phát và đã để lại những hậu quả rất đáng tiếc. Nhiều người cho rằng, cần phải có luật xử lý nghiêm việc hát karaoke gây mất trật tự và lực lượng chức năng cần quan tâm hơn đến vấn đề này.
Rất khó để xử lý karaoke tự phát
Mặc dù đã xảy ra những hệ lụy nhưng việc quản lý, xử lý các hình thức karaoke tự phát này hiện đang gặp nhiều khó khăn. Bởi với công nghệ ngày nay, ngồi ở nhà hay bất cứ nơi đâu, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, micro kết nối bluetooth là có thể hát hò thoải mái.
Theo bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch Văn hóa-Xã hội, Ủy ban nhân dân phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội), với việc hát karaoke, gây tiếng động, tiếng ồn, khi nhận phản ánh của người dân, phường sẽ yêu cầu cảnh sát khu vực, các đoàn thể tích cực nhắc nhở, vận động, khi đó những hộ vi phạm thấy ngại sẽ phải tự điều chỉnh.
Tuy vậy, việc xử lý karaoke tự phát với các hộ gia đình hiện gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí không thể giải quyết dứt điểm được, bởi thiếu phương tiện đo độ ồn âm thanh cũng như lực lượng giám sát, xử phạt hành vi này.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw nhận định, các quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn khá đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, trong thực tế, việc quản lý, thực thi các quy định này còn gặp nhiều bất cập và chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.
Cụ thể, mức phạt cho hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng là chưa đủ tính răn đe đối với người vi phạm.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xác minh mức độ gây ồn ào, tiếng động lớn, gây ô nhiễm tiếng ồn cũng gặp nhiều trở ngại, không dễ dàng. Nếu không có thiết bị đo chuyên dụng hoặc chỉ căn cứ vào phản ánh của người bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn đều rất khó xác định, làm rõ để xử phạt hành vi này, dẫn đến thực trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày càng tăng và cơ quan chức năng không kịp thời quản lý, xử phạt để đảm bảo cho người dân một chất lượng sống tốt nhất.
“Hiện nay, pháp luật đã có chế tài đầy đủ và cụ thể đối với tiếng ồn từ karaoke. Do đó, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, khi hàng xóm có hành vi gây ồn vượt quá quy định người dân có thể làm đơn khiếu nại gửi đến công an, UBND phường, xã nơi cư trú để được giải quyết theo quy định pháp luật. Người dân không nên tự giải quyết mà dẫn đến ẩu đả, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn là gây ra hậu quả chết người như các vụ việc xảy ra trước đó”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.