Ông cùng con trai bị bắt với cáo buộc lừa đảo qua 9 đợt phát hành trái phiếu, huy động 10.000 tỷ của các nhà đầu tư nhưng sử dụng sai mục đích.
Hủy lệnh mua 10.030 tỷ đồng
Có xuất phát điểm là công chức khi năm 1984, ông Dũng vào làm việc tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Chín năm sau, vị này thành lập Tân Hoàng Minh, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách, sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, đồ thủ công mỹ nghệ.
Hệ thống taxi V20 của doanh nghiệp từng chiếm 20 - 25% thị phần vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội, TPHCM, Nha Trang… Năm 2006, Tân Hoàng Minh chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản, nổi tiếng với việc xây dựng các dự án hạng sang nhưng cũng nhiều lần bị khách hàng khiếu nại.
Cuối năm 2021, Tân Hoàng Minh càng nổi tiếng khi trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm ở mức “không tưởng”, 24.500 tỷ đồng cho lô đất 3 - 12, khoảng 2,4 tỷ đồng/1 m2, kỷ lục ở Việt Nam. Đến ngày 10/1, ông Đỗ Anh Dũng bất ngờ xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất này, chấp nhận bỏ cọc 600 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn cuối 2021, đầu 2022, các công ty con của Tân Hoàng Minh đã thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ tổng trị giá 10.030 tỷ đồng ra thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, ngày 3/4, Ủy ban chứng khoán Nhà nước ra quyết định hủy bỏ toàn bộ 9 đợt chào bán trên. Lý do: “Căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ”.
Theo quyết định, các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm dừng chuyển quyền sở hữu trái phiếu trong 9 đợt chào bán; Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có trách nhiệm công bố thông tin này.
Cáo buộc lừa đảo
Hai ngày sau, Tân Hoàng Minh phản hồi, khẳng định việc tư vấn phát hành, tư vấn định giá và quản lý tài sản đã: “Đảm bảo đúng trình tự và quy định pháp luật, được thực hiện bởi các công ty chứng khoán, ngân hàng uy tín”.
Tập đoàn này cũng cam kết nếu phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý, sẽ làm việc với doanh nghiệp phát hành, các bên liên quan để “hoàn trả lại toàn bộ số đã huy động từ khách hàng theo đúng quy định”. Với các hợp đồng đến hạn thanh toán, khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất; nếu chưa đến hạn, Tân Hoàng Minh sẽ hoàn trả trên “tinh thần thiện chí và tuân thủ pháp luật”.
Tối 5/4, cảnh sát có mặt tại trụ sở của Tân Hoàng Minh ở phố Quang Trung, Hà Nội. Bộ Công an cùng lúc phát đi thông báo khởi tố, bắt giam bị can Đỗ Anh Dũng cùng 6 người khác trong đó con trai ông, Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng tập đoàn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khung hình phạt tối đa tù chung thân.
Đây là kết quả sau quá trình xác minh: “Một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Tân Hoàng Minh”.
Theo điều tra ban đầu, từ tháng 7/2021 đến tháng 3, ông Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Ngôi Sao Việt, Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil, Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan để phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cáo buộc việc này nhằm: “Huy động tiền của các nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu”.
Ai trả tiền nhà đầu tư?
Trong 9 đợt phát hành trái phiếu nói trên của Tân Hoàng Minh, có sự tham gia của các công ty chứng khoán trong vai trò tổ chức tư vấn, đại lý lưu ký và của các ngân hàng SHB, VietinBank là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo.
Trong thông cáo phát đi chiều 6/4, VietinBank cho hay đã thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản cho các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty với tổng số 6.530 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng khẳng định: “Không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu trên”.
Tương tự, SHB cho hay là đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và tài sản bảo đảm cho 2 lô trái phiếu trị giá 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, SHB chỉ có: “Trách nhiệm thực hiện dịch vụ quản lý hồ sơ tài sản bảo đảm, kiểm tra, theo dõi tình trạng tài sản bảo đảm và đại diện cho các trái chủ xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng đại lý”.
SHB khẳng định: “Không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không đầu tư và không phân phối 2 lô trái phiếu trên”. Ngân hàng này cam kết sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị tư vấn là công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cũng khẳng định việc tư vấn chào bán được thực hiện trên cơ sở các thông tin, tài liệu do “tổ chức phát hành cung cấp”.
BVSC và ABS không thực hiện chào bán, chuyển nhượng quyền sở hữu trái phiếu thứ cấp giữa Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các nhà đầu tư; không liên quan bất kỳ sản phẩm hợp tác đầu tư trái phiếu nào do Tân Hoàng Minh chào bán.