Hành trình lan tỏa tình yêu lịch sử của Nhà giáo Ưu tú

GD&TĐ - Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam) đã dành trọn tâm huyết để lan tỏa tình yêu môn Lịch sử...

NGƯT Nguyễn Thị Tươi – Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam). Ảnh: TG
NGƯT Nguyễn Thị Tươi – Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam). Ảnh: TG

Hơn 30 năm trong nghề, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam) đã dành trọn tâm huyết để lan tỏa tình yêu môn Lịch sử tới nhiều thế hệ học sinh, đồng nghiệp.

“Thắp lửa” tình yêu lịch sử

21 năm trực tiếp giảng dạy môn Lịch sử cũng là chừng ấy thời gian cô Nguyễn Thị Tươi có nhiều kỷ niệm bên các thế hệ học trò. NGƯT Nguyễn Thị Tươi cho rằng, Lịch sử là môn học được ví như dòng chảy thời gian, đưa ta trở về quá khứ, khám phá những nền văn minh rực rỡ, trang sử hào hùng của dân tộc. Tuy nhiên, với nhiều học sinh, Lịch sử lại là môn học khô khan, đầy những con số và sự kiện khó nhớ. Vậy, làm thế nào để gieo mầm yêu thích lịch sử trong tâm hồn học trò?

Với cô Tươi, niềm đam mê của thầy cô chính là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa tri thức lịch sử cho học sinh. Một người thầy, người cô say mê môn Sử sẽ truyền cảm hứng cho học trò qua những câu chuyện được kể một cách sinh động, bài giảng đầy nhiệt huyết và qua sự am hiểu sâu sắc của bản thân.

NGƯT Nguyễn Thị Tươi quan điểm, muốn trao truyền cái hay, đẹp của lịch sử tới học trò thì bản thân phải thực sự có tình yêu với bộ môn này hơn ai hết. Đồng thời, thầy cô cần nắm vững nội dung kiến thức và thay đổi phương pháp giảng dạy để bài giảng trở nên dễ hiểu, dễ tiếp nhận, biến những con số khô khan trở nên “mềm hóa”, sinh động.

Đặc biệt, vẫn là kiến thức lịch sử đó nhưng âm lượng, chất giọng và kỹ năng nói của giáo viên rất quan trọng. Trong giờ học trên lớp hay thậm chí hội giảng, nhiều thầy cô có cách nói hùng hồn thể hiện khí thế bừng bừng của đoàn quân khi ra trận, tinh thần chiến đấu anh dũng trước quân thù khiến học sinh bị cuốn hút. Nếu giáo viên chỉ nhìn vào sách rồi đọc cho học trò chép thì chắc chắn không thể có được bài giảng hay.

“Để rèn luyện được kỹ năng đó đòi hỏi giáo viên phải bền bỉ, kiên trì cùng với chuyên môn vững vàng. Ngày nay, với sự hỗ trợ tối đa từ công nghệ thông tin sẽ càng thuận lợi hơn cho cả thầy và trò trong dạy – học môn Lịch sử. Ngay cả đợt thi giáo viên giỏi, chúng tôi khuyến khích thầy cô sử dụng các tư liệu lịch sử dưới nhiều hình thức như tranh, ảnh, video, sơ đồ… để học sinh dễ tiếp thu bài học hơn. Ở một số chuyên đề, trường mời nhân chứng lịch sử về nói chuyện giao lưu với học sinh”, cô Tươi nói và trao đổi thêm:

Giáo viên có thể cho học sinh thảo luận nhóm, chơi trò chơi nhằm khơi dậy hứng thú học tập. Thầy cô cũng cần giúp các em nhận ra mối liên hệ giữa lịch sử với cuộc sống hiện tại. Ví dụ, khi học về các cuộc chiến tranh trong quá khứ, giáo viên có thể thảo luận với học trò về những tác động của chiến tranh đến cuộc sống ngày nay. Đồng thời khuyến khích trẻ tự tìm tòi, nghiên cứu và chia sẻ những hiểu biết của bản thân về chủ đề lịch sử.

nha giao ưu tu va hanh trinh lan toa tinh yeu lich su (1).JPG
Để học sinh yêu lịch sử thì giáo viên phải thực sự yêu bộ môn này. Ảnh: TG

Sự ghi nhận xứng đáng

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, NGƯT Nguyễn Thị Tươi luôn tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ dù ở bất cứ vị trí công tác nào. Cô là giáo viên cốt cán cấp huyện, tỉnh và có nhiều công lao, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh Hà Nam. Năm 1998, cô được Sở GD&ĐT Hà Nam công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh. Giai đoạn từ năm 2001 – 2004, cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện.

Theo đại diện Phòng GD&ĐT huyện Lý Nhân, cô Tươi có năng lực chuyên môn vững vàng, luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Nữ nhà giáo thường xuyên phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh để phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, năng lực cá nhân. Là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh, cô Tươi cũng tích cực hỗ trợ, bồi dưỡng nhiều thế hệ thầy cô trở thành giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh.

Trên cương vị cán bộ quản lý, cô luôn thể hiện tốt năng lực quản trị để đưa các hoạt động trong nhà trường vào nền nếp, kỷ cương góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ các năm học. Vai trò lãnh đạo của cô Nguyễn Thị Tươi đã đưa Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ từ trường tốp cuối lên trường tốp đầu của huyện, nhiều năm liền được công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc.

Bên cạnh đó, cô Tươi có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng trong thực tế. Cô tham gia biên soạn Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Hà Nam lớp 6 và lớp 7 trong các năm 2021, 2022; đào tạo nhiều lứa học sinh giỏi đạt giải môn Lịch sử cấp huyện, tỉnh.

Nữ nhà giáo đã bồi dưỡng, hướng dẫn, giúp đỡ cho 8 giáo viên giỏi cấp tỉnh; 20 giáo viên giỏi cấp huyện và nhiều giáo viên giỏi cấp trường. Gần đây nhất, tại Quyết định số 1582/QĐ-CTN ngày 25/12/2023 của Chủ tịch nước về việc phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” năm 2023, cô Nguyễn Thị Tươi là một trong số các thầy cô vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Là một trong các giáo viên giỏi cấp tỉnh được NGƯT Nguyễn Thị Tươi bồi dưỡng, cô Nguyễn Thị Thúy Nga - Trường THCS Nhân Chính (huyện Lý Nhân) chia sẻ: “Với chúng tôi, cô Tươi là người thầy thân thiện, vững chuyên môn và không ngại trao truyền cho đồng nghiệp những cách làm hay, phương pháp giảng dạy tích cực vì sự phát triển của học sinh. Điều này khiến chúng tôi vô cùng khâm phục, kính trọng và quý mến cô như một bậc trưởng bối đích thực về bộ môn Lịch sử”.

Với phương châm “phải có thầy giỏi mới có trò giỏi, thầy tốt mới dạy được trò ngoan”, NGƯT Nguyễn Thị Tươi luôn chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ, nâng cao năng lực sư phạm. Cô luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện cho giáo viên nhà trường phát huy năng lực, sở trường và củng cố chuyên môn nghiệp vụ. Chỉ đạo giáo viên thực hiện tốt nội quy, quy chế của ngành; thường xuyên dự giờ, thăm lớp và hướng dẫn thầy cô đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy và học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ