Mặc dù không đến tận nơi, cũng không tham gia bất cứ một cuộc tìm kiếm nào về bia đá mà chỉ ngồi ở nhà nhưng “dị nhân” Trần Văn Lưu vẫn đưa ra những dự đoán chính xác kỳ lạ về địa hình, địa điểm, đặc trưng của những tấm bia đá cổ để giúp các nhà khoa học tìm và giải mã được những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa…?
Ly kỳ hành trình tìm bia cổ
Lật lại những thư cảm ơn, rồi những giấy chứng nhận của các cơ quan chức năng về thành quả, công lao của ông trong việc tìm kiếm những tấm bia lịch sử, ông Lưu như chìm vào một thế giới khác, của riêng ông. Ông Lưu cho biết: “Lần đầu tiên, tôi đưa ra dự đoán, mà dự đoán của tôi giúp những nhà khoa học tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc”.
Tấm bia “Ma Nhai” được tìm thấy sau 10 điều dự đoán chính xác của “dị nhân” Trần Văn Lưu.
Đó là câu chuyện ông tiên đoán tìm kiếm tấm bia “Ma Nhai kỷ công bi văn” của Tể tướng Nguyễn Trung Ngạn. Ông Lưu cho biết, Nguyễn Trung Ngạn nguyên tên chính là Cốt, sau đổi thành Trung Ngạn, tự Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, lộ Khoái Châu, nay thuộc Hưng Yên.
Ông nổi tiếng là thần đồng văn học. Năm 1304, mới 15 tuổi, ông đã đỗ Hoàng Giáp, 24 tuổi được bổ chức gián quan, 25 tuổi được cử làm chánh sứ sang đáp lễ nhà Nguyên.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Năm Giáp Tuất 1334 Thượng Hoàng đi tuần thú đạo Nghệ An và dẹp loạn ở biên giới Ai Lao thắng trận. Chiếu cho Nguyễn Trung Ngạn mài sườn núi khắc chữ ghi công rồi về”. Tấm bia mài ở vách núi ghi công này được Đại Nam nhất thống chí ghi là “Ma Nhai kỷ công bi văn” gọi tắt là bia “Ma Nhai”.
“Cách đây nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã vào viện Nghiên cứu Hán - Nôm để xem thác Bản Nà thì thấy nó to hơn một chiếc chiếu khổ lớn, ở dạng giấy bồi chữ trắng, ở dạng này rất nhiều chữ khó đọc. Và trong tất cả các tài liệu về bia “Ma Nhai” chưa có một tấm ảnh nào chụp bia trong nguyên trạng của nó trên vách núi để có thể hình dung cảnh quan của vị trí tấm bia”, ông Lưu cho biết.
Ông Lưu cho biết thêm, ngay cả trong những cuốn sách kim cổ, quý giá cũng không có một bản phiên âm chữ Hán nào, mà chỉ có hai bản dịch nghĩa có đôi chút khác nhau ở “Việt Nam sử lược” và “Việt sử thông giám cương” mà thôi.
Thêm một khó khăn nữa là, trong bia và lịch sử lại có nhiều mâu thuẫn. Cụ thể, theo Đại Việt sử ký toàn thư thì việc Thượng Hoàng Trần Minh Tông sang đánh Ai Lao xảy ra vào năm Giáp Tuất thứ 6 Trần Hiến Tông (1334). Nhưng bia lại ghi việc này xảy ra vào năm Ất Hợi (1335), tháng cuối thu (tức tháng 9 âm lịch).
Đại Việt sử ký toàn thư lại ghi: “Mùa thu tháng 9 Ất Hợi, năm thứ bảy (1335) Thượng Hoàng lại đi đánh Ai Lào một lần nữa, nhưng lần này bị thua và Đoàn Nhữ Hài bị chết đuối. Nếu trận này bị thua vào mùa thu tháng 9 Ất Hợi thì không thể khắc bia ghi công cũng vào mùa thu tháng 9 Ất Hợi như trên bia “Ma Nhai””.
Ông Lưu dự đoán có hòn đá hình con rùa ngay bên cạnh tấm bia “Ma Nhai”.
Ông Lưu cho biết thêm tin tức: “Bia “Ma Nhai” có tầm quan trọng ở chỗ, dòng cuối có ghi ngày khắc bia là: Ngày… tháng 12 nhuận, mùa đông năm Ất Hợi niên hiệu Khai Hựu thứ 7. Sự kiện có nhuận vào tháng 12 năm Ất Hợi này (1335) cho phép các nhà làm lịch có thể kiểm tra lịch pháp thời Trần có gì khác không so với lịch Trung Quốc như đã xảy ra vào thời Lê.
Chính vì những lẽ đó, việc khảo sát hiện trạng của tấm bia “Ma Nhai” sẽ giúp cho việc phiên âm đúng đắn nội dung của bia và đính chính những sai sót có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau trong các bản dịch đã nêu”.
“Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã nhiều lần đi tìm hiện trạng bia “Ma Nhai” song đều không thành công, lý do là, theo giới thiệu về “Ma Nhai kỷ công bi văn” mục số 1901 trang 1044 trong văn khắc Hán - Nôm Việt Nam thì bia ở sườn núi Trầm Hương, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An”, ông Lưu nói.
Thực hư 10 điều tiên đoán rợn người
Ông Lưu nhớ lại: “Tôi được biết, các nhà nghiên cứu đã năm lần đi tìm kiếm bia “Ma Nhai” mà không thành, cho đến khi tôi đưa ra những dự báo từ xa, việc tiếp cận bia “Ma Nhai” về cảnh quan xung quanh bia mới dần hé lộ”.
“Tôi còn nhớ, một ngày cuối năm 2005, lên sở Khoa học - Công nghệ Thanh Hóa để nhận giải phục chế một số sách cổ, tôi có gặp ông Trịnh Xuân Lương (cán bộ Liên hiệp các hội Khoa học Thanh Hóa), ông Lương chia sẻ với tôi về việc cần một số thảo dược để phục hồi sách cổ bị mối mọt.
Sau đó, nhân đà đi nộp giải sáng tạo Thanh Hóa, tôi được biết ông Lương trở về quê gốc của mình là xã Quý Lộc (Yên Định, Thanh Hóa). Lúc đó, tôi được “ngài” cho biết có một số ngôi mộ, trong đó có mộ Trịnh Sâm. Tôi nhận thấy có điều lạ nên gọi điện cho ông Nguyễn Phúc Giác Hải (viện Nghiên cứu Tiềm năng con người) và sau đó, ông Hải có lập một phái đoàn về xã Quý Lộc, huyện Yên Định, rồi ra nơi mà tôi đã báo, quả thật là có mộ Trịnh Sâm!”.
Sau khi áp vong nhập vào một cụ già ở địa phương, “ngài” báo ở đây có bia mộ của Tể tướng Nguyễn Trung Ngạn và viết một số chữ Hán, đã có hàng trăm người có mặt để chứng kiến điều đó.
“Hôm đó, tình cờ tôi có đi công tác Nghệ An ở khách sạn Giao Tế, trong quá trình công tác gặp đoàn của ông Hải vào tìm kiếm mộ liệt sỹ Phùng Chí Kiên, lúc đó tôi cũng chưa biết mặt ông Hải, có điện cho ông và nói: Thầy đã về chưa, không thì nghe con nói câu này và ghi đúng 10 điều mà tôi đã nói về tìm bia đá Nguyễn Trung Ngạn”, ông Lưu kể.
Ông Lưu tiếp tục: “Vì khi nói chuyện với ông Hải, ngồi ở phòng, tự nhiên trong đầu tôi hiện lên những cảnh vật, những dòng Hán tự có nội dung đều nói về việc đi tìm tấm bia huyền bí mà ông Hải có nhắc đến trong cuộc trò chuyện trước đó. Tiếp đến, tôi nghĩ về những công lao, thành tích, những đóng góp của nhân vật đó cho quê hương, vì thế, những hình ảnh về tấm bia cổ đã xuất hiện”.
Ông Lưu đã đọc từ xa cho ông Nguyễn Phúc Giác Hải 10 điều, gồm: Thứ nhất, ở chỗ tấm bia “Ma Nhai” có một cái gì đó như một cái giếng, sau khi kiểm chứng, thực tế là một miệng hang dốc, giống một cái giếng (có rất nhiều điều huyền bí trong cái hang này);
Thứ hai, có một hòn đá giống hình con rùa, sau khi kiểm chứng có một bia đá hình con rùa thiên tạo, bia nằm trên đỉnh núi, con rùa nằm dưới chân núi; Thứ ba, có một con sông, nay đã đổi dòng, khi kiểm chứng thì chính xác; Thứ tư, có một ông lái đò tên Quý (40 -50 tuổi), có con trai tên Hùng, sau khi kiểm chứng thấy đúng; Thứ năm, gần bia phía bên này vách núi có một ngôi mộ, khi kiểm chứng là đúng, điều này đã được địa phương xác nhận;
Thứ sáu, đoàn đi một xe sau có thêm một xe, thực tế có thêm hai xe của cấp xã; Thứ bảy, có một cô gái mặc áo đỏ, thực tế đúng như vậy; Thứ tám, đỉnh núi của bia bằng phẳng, có cây cối, được những người địa phương xác nhận đúng; Thứ chín, có một cái miếu; Thứ mười, trên đường đến vách núi có một trường, thực tế hoàn toàn đúng như những lời tôi đã dự đoán. “Chính nơi này, là nơi giữ lại tấm bia đá cổ”, ông Lưu khẳng định với PV.
Cụ thể chuyện này ra sao? Mời quý bạn đọc theo dõi kỳ sau.
Lấy một số bản chứng nhận có đầy đủ chữ ký của các lãnh đạo địa phương, của viện Nghiên cứu Tiềm năng con người, đưa chúng tôi xem, ông Lưu bảo: “Những dự báo này đã được xác nhận trong một biên bản có chữ ký của cán bộ thuộc ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, huyện Con Cuông và các nhà nghiên cứu...”. |