Gieo chữ trên non
Hơn 30 năm kể từ ngày được phân công về dạy học tại trường Tiểu học Sinh Long (Na Hang), đến nay thầy giáo Hoàng Văn Phình đã dạy học ở tất cả các điểm trường xa nhất xã. Chuyện băng rừng, vượt suối để bám lớp, bám trường đối với thầy Phình là rất đỗi bình thường.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Na Hang, thầy Phình thấu hiểu được hoàn cảnh của học sinh nơi đây. Vì vậy, dù gặp nhiều vất vả, khó khăn nhưng thầy vẫn luôn không ngừng nỗ lực bám bản, bám trường, quyết tâm đem con chữ tới cho học sinh vùng cao.
Thầy Phình chia sẻ, những khi trời mưa to làm nước suối dâng cao, đường bị chia cắt, đi lại rất nguy hiểm nhưng mình không thể không đến lớp vì học trò đang ngóng đợi.
Nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn nếu không nhiệt tình, không thường xuyên vận động các em thì chuyện bỏ học là điều không tránh khỏi.
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều em ham học, dù đôi chân trần đến lớp hay nhịn đói đi học nhưng các em vẫn yêu lớp, yêu trường.
"Dạy học ở vùng cao dù điều kiện thiếu thốn nhưng tình nghĩa thầy trò thật ấm áp yêu thương. Ngày 20-11, quà của học trò đôi khi chỉ là những đóa hoa dại bên đường hay những đọt rau rừng, dù nhỏ đầy ắp yêu thương", thầy Phình nói.
Cũng giống như thầy Phình, cô giáo Trần Thị Nhung đã có hơn 20 năm công tác tại Lâm Bình (Tuyên Quang). Cô đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để cống hiến cho những lớp học ở vùng cao xa xôi nhất như Thổ Bình, Lăng Can.
Nhìn lại quãng thời gian công tác, cô Nhung chia sẻ, ngày trước, vượt đèo Khau Lắc (cũ) luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất mà tôi phải vượt qua để gieo chữ cho bọn trẻ. Cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh đi học thưa thớt, các điểm trường cách khá xa trung tâm là những khó khăn rất lớn mà tôi gặp phải trong suốt quá trình làm nghề.
Hiện nay, khi đã chuyển về công tác tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lâm Bình, cô lại đối mặt với những khó khăn mới, nhiều em xa nhà nhớ người thân khóc rưng rức đòi về.
Những lúc như vậy, mình thường gần gũi, động viên các em, giúp học trò vượt qua những khó khăn ban đầu, giải tỏa được lo lắng, việc học mới tốt hơn.
Những ánh mắt ngây thơ và trong trẻo, sự ham học của học trò vùng cao đã tạo động lực để những thầy cô giáo vượt qua chặng đường khó khăn, vun đắp cho lớp lớp học sinh trưởng thành, tạo dựng nhân tài cho quê hương.
Ấm tình thầy trò
Không chỉ dạy chữ, những giáo viên dạy học ở vùng cao còn giáo dục kỹ năng sống, giáo dục học sinh tình yêu nguồn cội, văn hóa truyền thống của dân tộc.
Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính do cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết làm Chủ nhiệm. |
Ở huyện vùng cao Lâm Bình, người dân và du khách rất thích thú khi được xem những tiết mục văn nghệ của Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính do cô giáo Vũ Thị Ngọc Tuyết, Tổng Phụ trách Đội trường Tiểu học Khuôn Hà làm Chủ nhiệm.
Cô Tuyết cho biết, cuộc sống hiện đại khiến những nét đẹp văn hóa dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số có phần bị mai một, nhất là trang phục, tiếng nói.
Chính vì thế, việc thành lập Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính đã góp phần bảo tồn văn hóa, trang phục truyền thống, thu hút khách du lịch đến với Lâm Bình.
Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, duy trì các câu lạc bộ bổ ích để học sinh tham gia, giúp các em phát triển toàn diện hơn.
Em Ma Thị Hồng Chiêm (dân tộc Tày) có lẽ là thành viên đa tài nhất trong CLB, khi vừa hát hay lại đàn giỏi. Chiêm được nghe đàn, hát từ khi học lớp 3 khi em còn chưa biết đó gọi là đàn tính, hát then.
Những âm thanh rộn ràng trầm bổng đã khơi dậy trong tình yêu mãnh liệt trong Chiêm với giá trị dân tộc và mong muốn quảng bá với du khách.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các thầy cô giáo, hành trình thắp sáng lên ngọn lửa tri thức sẽ luôn được duy trì và phát triển, mang mùa xuân ấm áp, vun đắp tương lai tươi sáng cho học sinh vùng cao.