Hành trình gian nan với 3 lần phẫu thuật để tìm sự sống cho 'thiên thần nhỏ'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Gia đình người Lào trải qua hành trình gian nan, 3 lần phẫu thuật tìm sự sống cho bé gái mắc bệnh tim bẩm sinh, hẹp khí quản phức tạp.

Hai mẹ con bé P.S chụp ảnh lưu niệm cùng các y bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BV.
Hai mẹ con bé P.S chụp ảnh lưu niệm cùng các y bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BV.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình bé gái P.S (Quốc tịch Lào), 8 tháng tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh kèm theo hẹp khí quản phức tạp, lặn lội sang Việt Nam tìm cách chữa trị cho con.

Bé gái sinh ra trong gia đình có 3 người con, 2 trẻ khác hoàn toàn khỏe mạnh. Theo mẹ bệnh nhi chia sẻ trong suốt quá trình mang thai và khi sinh ra, bé không có dấu hiệu gì bất thường.

Đến khi trẻ được 8 tháng tuổi, thấy con ho, ăn uống ít, bố mẹ cho trẻ đi khám tại Bệnh viện của Lào thì ban đầu được chẩn đoán là viêm phổi.

Tuy nhiên mẹ P.S quan sát thấy con thở khò khè, kèm theo khi khóc miệng con tím, trẻ được thực hiện thăm khám chuyên sâu hơn và các bác sĩ phát hiện trẻ mắc tim bẩm sinh.

Bàng hoàng trước bệnh tình của con, bố mẹ P.S đi hết viện này đến viện khác tìm cách chữa trị nhưng các bác sĩ đều quan ngại rằng “rất khó”, “không thể”. Không bỏ cuộc, gia đình vẫn nỗ lực tìm kiếm cơ hội sống cho cô con gái nhỏ, và thật may mẹ bé P.S được một người bạn giới thiệu sang gặp các bác sĩ tim mạch của Việt Nam.

Bệnh tim bẩm sinh Fallot 4 gặp ở 3 trên 1.000 trẻ đang sống và chiếm 7 – 10% tất cả các bệnh tim bẩm sinh. Hẹp khí quản là tình trạng khẩu kính của khí quản bị thu nhỏ lại do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cả Fallot 4 và hẹp khí quản có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị và xử trí kịp thời.

Trước đó, bé P.S vừa trải qua một cuộc mổ tim bẩm sinh ở một bệnh viện khác. Quá trình phẫu thuật tim bẩm sinh diễn ra xong thì các bác sĩ mới phát hiện trẻ bị hẹp khí quản. Tại đơn vị phẫu thuật này các bác sĩ chưa quen với việc tạo hình khí quản, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, đơn vị đã xin chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để phẫu thuật khí quản cho trẻ.

Bé gái vào Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 12/8 trong tình trạng khó thở nặng, rút hõm lồng ngực, khò khè, có những tiếng thở rít rất rõ của hẹp khí quản. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi và phát hiện mức độ hẹp khí quản của trẻ chiếm 2/3 chiều dài của toàn bộ khí quản.

TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật tạo hình khí quản cho trẻ. Ảnh: BV.

TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật tạo hình khí quản cho trẻ. Ảnh: BV.

“Tim của trẻ đã được sửa tương đối ổn định, tuy nhiên vấn đề chính của trẻ là đường thở hẹp ở mức độ Trung bình – Nặng và nó có thể ảnh hưởng đến tình trạng xương vòm của trẻ. Sau khi chúng tôi tiến hành thăm dò cho trẻ bao gồm: Nội soi khí quản, Chụp CT và kiểm tra lại tổn thương bên trong tim đã được sửa chữa thì nhận thấy trẻ bắt buộc phải tạo hình khí quản để bảo vệ tính mạng” – TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay.

Hành trình gian nan với 3 lần phẫu thuật để tìm sự sống cho 'thiên thần nhỏ'

Tổn thương và đường đi của khí quản khá phức tạp, trong lần phẫu thuật lần đầu tiên, các bác sĩ đã tạo hình được một phần khí quản phía bên trên. Tuy nhiên, diễn biến sau mổ không thuận lợi, các bác sĩ tiếp tục tiến hành thăm dò thêm thì phát hiện vẫn còn tồn tại đoạn hẹp phía dưới của khí quản.

Một cuộc hội chẩn ngay lập tức được diễn ra tại Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ quyết định tiếp tục xử lý phần hẹp còn lại, dù lần này sẽ có nhiều thách thức hơn, nhưng để đảm bảo cứu sống được cháu bé, toàn bộ ekip phẫu thuật, các đơn vị gây mê, hồi sức của Trung tâm đã lên kế hoạch cẩn thận, chi tiết để đạt được kết quả tốt nhất.

“Ca phẫu thuật khá khó khăn vì phần hẹp khí quản sâu và cháu đã trải qua 2 lần phẫu thuật trước đó, rất may là sau khi tiến hành tạo hình lại toàn bộ khí quản và xử lí được đoạn hẹp thì đường thở trẻ trở nên khá hơn rất nhiều. Hiện tại, kết quả thăm dò sau phẫu thuật của trẻ tương đối ổn định, kích thước to như khí quản của trẻ bình thường” – TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường vui mừng chia sẻ.

Góp phần tạo nên thành công của cuộc phẫu thuật cứu sống bé gái này là sự nỗ lực, tận tâm của ekip các bác sĩ hồi sức tim mạch. Bé P.S mới 8 tháng tuổi với cân nặng chỉ 7kg, lại trải qua 3 lần phẫu thuật nên giai đoạn hồi sức gặp những khó khăn nhất định.

“Nhóm bệnh nhân hẹp khí quản, vấn đề kiểm soát đường thở và CO2 sau mổ rất quan trọng. Bệnh nhi này sau mổ áp lực đường thở khá cao, vấn đề thông khí cũng rất khó khăn, mặc dù đã được kiểm soát máy thở, chăm sóc đường thở rất kĩ. Sau đó chúng tôi đã hội chẩn với bác sĩ phẫu thuật viên và quyết định tiếp tục tạo hình thêm về đoạn hẹp khí quản còn lại” – TS. BS Đặng Văn Thức – Phó Trưởng Khoa Điều trị tích cực Ngoại tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Sau khi mổ lần 2, các bác sĩ tại Khoa Điều trị tích cực Ngoại tim mạch đã tích cực kiểm soát hô hấp, đường thở cho bệnh nhi để đảm bảo các chức năng về mặt huyết động cũng như chức năng các tạng, tăng cường chăm sóc đặc biệt cho trẻ.

Sau 5 ngày, bệnh nhi được rút nội khí quản, được chuyển đến Khoa Hồi sức Nội tim mạch để tiếp tục theo dõi, chăm sóc cẩn thận. Tại đây, bé P.S tiếp tục thở bằng CPAP qua gọng mũi 2 ngày, tiếp đó trẻ được cai máy thở, dần dần đã tự thở tốt.

“Với kinh nghiệm trong điều trị, hồi sức cho bệnh nhân hẹp khí quản, chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc sau mổ, theo dõi các chỉ số liên tục để làm thế nào hồi sức tốt nhất cho bé P.S” – TS. BS Lê Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.