Hành trình đến Olympic Paris 2024 của ‘bà lão bóng bàn’

GD&TĐ - 38 năm sau khi gác lại giấc mơ Olympic tại Trung Quốc, 'bà lão bóng bàn' Zhiying Zeng sẽ đại diện cho Chile tranh tài tại Olympic Paris 2024.

“Bà lão bóng bàn” Zhiying Zeng đại diện cho Chile tranh tài tại Olympic Paris 2024.
“Bà lão bóng bàn” Zhiying Zeng đại diện cho Chile tranh tài tại Olympic Paris 2024.

Đôi mắt của bà Zhiying Zeng bắt đầu lấp lánh, và cử chỉ của bà trở nên sinh động hơn khi bà kể lại ngày giấc mơ Olympic trở thành hiện thực.

Bà cũng phải chờ đợi lâu hơn hầu hết các vận động viên khác: Ở tuổi 58, bà Zeng là một trong những vận động viên Olympic lớn tuổi nhất tại Paris 2024.

"Đó là ước mơ lớn nhất trong cuộc đời tôi", bà nói với CNN Sport bằng giọng Chile đặc sệt, không thể nhầm lẫn.

"Ngay cả khi tôi còn là một cô bé và họ hỏi tôi ước mơ của tôi là gì, tôi vẫn trả lời: 'Trở thành vận động viên Olympic'".

Bà Zeng đã nghỉ chơi bóng bàn chuyên nghiệp ở tuổi 20 - điều này cho phép bà có cơ hội thay đổi cuộc sống ở châu Á, và chuyển sang Chile sinh sống.

Chile đã là quê hương của bà Zeng trong 35 năm, và bà ấy chính là người Chile đích thực. Tại Chile, bà được biết đến với cái tên “Tania” - vì người Chile gặp khó khăn khi phát âm chữ Z trong tên bà.

Từ Trung Quốc đến Chile

Bà Zeng sinh năm 1966 tại Quảng Châu và bắt đầu chơi bóng bàn ngay khi có thể lực.

Mẹ bà là huấn luyện viên bóng bàn, điều đó có nghĩa là chính phủ lúc đó đã sắp xếp cho gia đình bà sống cạnh một khu liên hợp thể thao, cho phép Zeng luyện tập mỗi ngày và được bao quanh bởi những người chơi chuyên nghiệp.

Bà Zeng được mẹ huấn luyện đến năm 9 tuổi, khi Zeng nói rằng, bà trở thành một đứa trẻ cáu kỉnh điển hình không muốn được cha mẹ huấn luyện. Vì vậy, mẹ bà đã đăng ký cho bà vào một trường có huấn luyện viên bóng bàn, và sau gần hai năm, ở tuổi 11, bà đã vào học viện thể thao ưu tú.

Ngay cả ở Trung Quốc, quốc gia bóng bàn thống trị thế giới, tài năng của Zeng đã bộc lộ từ khi còn nhỏ. Bà đã trở thành nhà vô địch trẻ quốc gia và giành chiến thắng ở một số giải đấu khu vực trước khi trở thành chuyên nghiệp ở tuổi 12.

Khi 16 tuổi, bà được gọi vào đội bóng bàn Trung Quốc lần đầu tiên.

“Rất nhiều vận động viên ở Trung Quốc có ước mơ đó vì nó rất khó đạt được”, bà Zeng nói.

Tuy nhiên, vào năm 1986, hai năm trước khi môn bóng bàn lần đầu tiên xuất hiện tại Thế vận hội Olympic ở Seoul, “quy tắc hai màu” đã được đưa ra, nghĩa là hai mặt của vợt bây giờ phải có màu khác nhau thay vì đều màu đen.

Zeng giải thích rằng, hai mặt của vợt tạo ra các loại hiệu ứng khác nhau lên quả bóng, và bà thường xuyên xoay nó trong tay để đánh lạc hướng đối thủ. Các mặt có màu khác nhau có nghĩa là đối thủ có thể dự đoán cú đánh của bà tốt hơn.

“Sự thay đổi luật lệ đã ảnh hưởng rất nhiều đến lối chơi của tôi. Đó là lúc tôi sa sút nghiêm trọng và tôi quyết định rời khỏi đội tuyển quốc gia. Đó là khoảnh khắc đau đớn đối với tôi, bởi tôi rất thần tượng những cầu thủ không lớn hơn tôi bao nhiêu tuổi nhưng đã trở thành nhà vô địch châu Á hoặc thế giới, và tôi rất muốn noi gương họ”, bà Zeng nhớ lại.

Nhưng sự thay đổi luật lệ này đã mở đường cho chương tiếp theo trong câu chuyện đáng chú ý của bà Zeng. Vào năm 1989, bà nhận được lời mời huấn luyện trẻ em ở Arica, một thành phố ở cực bắc Chile.

Đó là công việc mà bà yêu thích, nhưng mãi đến năm 2003, bà mới cầm vợt để chơi bóng bàn cạnh tranh một lần nữa. Bà muốn giới thiệu môn thể thao này cho con trai mình, lúc đó 13 tuổi, để kéo con ra khỏi việc chơi quá nhiều trò chơi điện tử và xem quá nhiều tivi.

Vào năm 2004 và 2005, bà Zeng đã dễ dàng giành chiến thắng ở hai giải đấu quốc gia nhưng một lần nữa bà lại dừng chơi khi con trai bà đã đủ lớn để tự đi tập luyện và đi cùng huấn luyện viên của đội.

Quá tam ba bận

Bà Zeng chỉ cầm vợt trở lại khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

“Hơn hết, chỉ để tập thể dục vì chúng tôi không làm gì cả khi ở trong nhà ngoại trừ ăn!. Tôi bị cuốn hút và ngay lập tức muốn chơi với ai đó để xem trình độ của mình thế nào, và xem liệu tôi có thể tiếp tục chạy hay không”, bà vừa cười vừa nói.

Bà Zeng đã liên lạc với liên đoàn ở Iquique, nơi bà đang sống, sớm tham gia và giành chiến thắng - tại các giải đấu khu vực, chủ yếu là với các đối thủ là nam giới vì có rất ít nữ vận động viên.

“Điều đó đã cho tôi rất nhiều sự tự tin. Tôi không gặp vấn đề gì với việc chạy, với sự mệt mỏi hay bất cứ điều gì. Tôi muốn biết mình có thể làm được nhiều hơn nữa”, bà Zeng tâm sự.

Năm 2022, Liên đoàn bóng bàn Chile đã gửi thông báo tới các hiệp hội khu vực rằng, họ sẽ tổ chức một giải đấu để tuyển chọn đội tuyển tham dự Giải vô địch bóng bàn Nam Mỹ năm 2023.

Mặc dù thành công, bà Zeng vẫn hoài nghi về việc đi thi. Tất cả những người chơi giỏi nhất trong nước sẽ ở đó, và bà nghi ngờ rằng, mình có thể theo kịp. Cuối cùng, bà chỉ đi vì một người bạn đã thuyết phục được bà.

“'Hãy đi và tìm hiểu xem bạn có thể cạnh tranh được hay không. Nếu không, ít nhất bạn sẽ không còn nghi ngờ gì nữa”, bà Zeng nhớ lại người bạn đã nói với mình.

Tất nhiên, bà Zeng đã đủ điều kiện tham gia đội tuyển, và dẫn dắt Chile giành vị trí đầu tiên trong giải đấu đồng đội, đồng thời giành vị trí thứ hai ở nội dung đơn và đôi nữ.

“Tôi đã quên mất mình sợ điều gì và lo lắng điều gì”, bà nói.

Nhưng phải đến Đại hội thể thao toàn châu Mỹ 2023 tại Santiago, cuộc sống của bà mới thực sự thay đổi. Sau lần đầu tiên xuất hiện tại giải đấu, bà Zeng đã trở thành biểu tượng quốc gia chỉ sau một đêm.

Sau khi thua hai set đầu tiên trong trận mở màn, Zeng đã giành chiến thắng 4-2 liên tiếp trước những người hâm mộ mới của mình.

Người Chile đặt cho bà biệt danh “Tia Tania” (Cô Tania).

Ngay cả Tổng thống Chile Gabriel Boric cũng trở thành người hâm mộ và chúc mừng bà về chiến thắng “to lớn”.

Zeng, người đã đấu với Mariana Sahakian của Lebanon ở vòng loại của Olympic Paris 2024 vào hôm 27/7, cho biết, bà rất vui khi đại diện cho Chile lại có mặt ở đây.

“Bố tôi đã có thể chứng kiến ​​con gái mình đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Paris 2024. Bố tôi từng đưa tôi đi tập luyện và thi đấu khi tôi còn là một cô gái, và giờ ở tuổi 58, tôi đã làm được. Tôi đã làm được”, bà Zeng nói với giọng xúc động.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ