Hành trình đến giảng đường của hai nữ sinh - công nhân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hè đến lại là công nhân thời vụ, hai nữ sinh Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương (Nghệ An) ban đầu chỉ xác định tốt nghiệp THPT rồi xin việc làm.

Đôi bạn thân Huyền Vy và Nhung đều trải qua năm tháng vừa đi học, vừa làm thêm trang trải cuộc sống nhưng quyết tâm thi đạt điểm cao tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC
Đôi bạn thân Huyền Vy và Nhung đều trải qua năm tháng vừa đi học, vừa làm thêm trang trải cuộc sống nhưng quyết tâm thi đạt điểm cao tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC

Buổi đi học, buổi làm thêm, hè đến lại là công nhân thời vụ, hai nữ sinh Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương (Nghệ An) ban đầu chỉ xác định tốt nghiệp THPT rồi xin việc làm. Nhưng bước ngoặt đến với cả hai khi từ công việc làm thuê, họ nhận ra “không học làm cái gì cũng khó”.

Thay đổi mục tiêu và tăng tốc

“Không học thì làm cái gì cũng khó, có học có hơn”, điều tưởng chừng dễ hiểu, nhưng với hai nữ sinh xứ Nghệ, phải qua những trải nghiệm vất vả, nhọc nhằn, từ hoàn cảnh éo le các em mới có nghị lực để vươn lên…

Thay đổi hướng đi, quyết tâm vào đại học, Nguyễn Thị Nhung, Phan Thị Huyền Vy đã cùng cố gắng, tăng tốc giành vị trí thủ khoa, á khoa của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương. Điều bất ngờ là Nguyễn Thị Nhung - học sinh hệ GDTX duy nhất được điểm 10 môn Lịch sử của Nghệ An.

Còn Phan Thị Huyền Vy (lớp 12A, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương, Nghệ An) từng là học sinh “mất gốc” hổng kiến thức hầu hết môn văn hóa. Việc học của Vy chỉ đối phó, mong đạt trung bình để qua môn, lên lớp.

Sinh ra trong gia đình khó khăn, bố mẹ Vy vì mong muốn kiếm lợi nhanh mà phạm sai lầm, phải trả giá bằng việc mất tự do, không được sống cùng các con. Biến cố gia đình khiến chị em Vy từ đó phải nương tựa nhờ họ hàng. Có thời điểm mỗi người ở một nơi, Vy ở với bác, chị và em thì ở với bà.

“Đó là vào những năm cuối THCS, em sinh chán nản, mất niềm tin nên không nghe ai, không học hành gì cả, lên lớp chỉ ngủ. Vì vậy, em trượt lớp 10 công lập cũng không lạ gì, sau đó em vào trung tâm GDNN - GDTX”, Vy kể lại câu chuyện buồn.

Để bớt gánh nặng cho gia đình bác mình, Vy vừa đi học, vừa đi làm thêm, dịp hè thì cùng bạn ra các khu công nghiệp tại Bắc Ninh xin làm lao động thời vụ. “Vì em chưa đủ 18 tuổi nên không phải nơi nào cũng nhận, có khi phải làm chui, tiền lương nhận được một phần trả người môi giới, một phần trả tiền trọ và ăn uống, chỉ dành dụm được chút ít”, Vy chia sẻ.

Sau kỳ thi, cả hai ra Bắc Ninh tranh thủ làm thêm, kiếm tiền làm hành trang vào đại học. Ảnh: NVCC

Sau kỳ thi, cả hai ra Bắc Ninh tranh thủ làm thêm, kiếm tiền làm hành trang vào đại học. Ảnh: NVCC

Những ngày đi làm công nhân thời vụ bấp bênh đó, cô bé 16, 17 tuổi đã nhận ra và thấm thía điều đã từng nghe rất nhiều lần trước đó mà không để tâm: “Có học có hơn”.

“Em quan sát thấy trong nhà máy có công nhân, tổ phó, tổ trưởng. Người giỏi hơn thì được làm quản lý, họ được học hành nên thu nhập cao hơn, công việc đỡ nặng nhọc chân tay. Còn lao động như em thì việc ít, tiền công cũng thấp. Em quyết định mình phải học để vào đại học, chứ không thể cứ mãi làm lao động phổ thông như vậy”.

Kể từ đó, Vy dừng làm thêm, thay đổi mục tiêu của mình. Đó cũng là vào năm lớp 12, thầy cô, bạn bè ngạc nhiên khi từ một học sinh không chú tâm học tập, Vy thay đổi khác hẳn, có sự chăm chỉ và mục tiêu rõ ràng với quyết tâm vào đại học.

Ngoài giờ học trên lớp, làm đề thầy cô cung cấp, em còn tự tìm thêm đề trên mạng Internet để luyện tập, tham khảo các bài giảng trên YouTube. Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, mẹ của em cũng đã được trở về đoàn tụ với gia đình, tiếp thêm động lực và niềm vui to lớn để em cố gắng nỗ lực giành kết quả cao ở kỳ thi quan trọng.

Vy đã đạt 26 điểm khối C, trong đó Ngữ văn 9,25, Lịch sử 8,75 và Địa lý 8 điểm. Nữ sinh Trung tâm GDNN - GDTX Đô Lương cho biết, em đăng ký học Sư phạm Ngữ văn - Đại học Đà Nẵng.

“Em muốn theo nghề sư phạm, nếu sau này được trở thành cô giáo, gặp những học sinh có hoàn cảnh tương tự, em sẽ quan tâm, chia sẻ câu chuyện của mình để động viên các bạn ấy không nản lòng, giữ ý chí và luôn hướng về tương lai. Bản thân em cũng trải qua nhiều vất vả nhưng chưa từng oán trách bố mẹ, mà chỉ biết nỗ lực hơn để thay đổi cuộc đời mình, để là niềm hi vọng của người thân”, nữ sinh trải lòng.

Em Nguyễn Thị Nhung, lớp 12D – Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương, Nghệ An.

Em Nguyễn Thị Nhung, lớp 12D – Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương, Nghệ An.

Nỗ lực bứt phá, trở thành thủ khoa

Khi hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, dù chưa biết điểm nhưng Phan Thị Huyền Vy và cô bạn thân Nguyễn Thị Nhung (lớp 12D, Trung tâm GDNN - GDTX Đô Lương) cùng bắt xe ra Bắc Ninh xin làm thêm, tranh thủ kiếm tiền. Trong gian nhà trọ chật hẹp, buổi sáng hôm công bố điểm thi, cả hai vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn sau ca đêm làm việc tới khuya mới về nhà.

Mạng Internet trong phòng trọ kém, cả hai gọi điện nhờ cô giáo ở nhà xem điểm. Kết quả Huyền Vy đạt á khoa khối C của trung tâm với 26 điểm, còn Nguyễn Thị Nhung đạt thủ khoa với 26,75 điểm.

Điểm số như mơ đối với hai cô học trò trung tâm GDTX. “Chúng em ôm nhau hét toáng ầm ĩ vì vui quá đã khiến những người khác trong dãy trọ giật mình hốt hoảng chạy sang hỏi. Đến khi biết chuyện thì tất cả đều chúc mừng chúng em”, Nhung nhớ lại giây phút khó quên ấy.

Trước đó, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Nhung cũng trượt nguyện vọng 1 và nhập học vào Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương. Cú sốc “trượt trường công” khiến Nhung khá mặc cảm, tự ti, và buông xuôi không còn động cơ để cố gắng nữa.

Như nhiều học sinh ở thôn quê, gia đình thuần nông, nguồn thu nhập khó khăn, Nhung xác định mình chỉ học để lấy tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi đi làm công nhân hoặc xuất khẩu lao động. Với mục tiêu duy nhất đó, Nhung chia thời gian biểu theo các khung giờ cố định, một buổi đi học ở trường, buổi học nghề nấu ăn, còn buổi tối đi làm thêm ở quán cà phê gần nhà.

Nhưng sau lần thi thử tốt nghiệp THPT thứ 3 tại trung tâm, cô học trò 18 tuổi ấy đã thay đổi suy nghĩ. Nguyễn Thị Nhung nhớ lại: “Lần đó em đạt điểm thi thử cao nhất khối 12, khiến em vô cùng bất ngờ. Nếu như em tập trung học, ôn thi nhiều hơn, thì có lẽ điểm số của em còn cao hơn nữa. Thầy cô cũng động viên, khích lệ em rất nhiều, và em quyết định thay đổi mục tiêu”.

Đó cũng là thời điểm chỉ cách Kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn 3 tháng. Nhung tận dụng tối đa việc học và ôn tập với giáo viên ở trường, hễ có kiến thức nào không hiểu em lại hỏi thầy cô để được giảng giải thêm. Em cũng thường xuyên xem hoặc nghe các clip tổng hợp kiến thức trên mạng Internet để củng cố kiến thức.

Việc học qua hình ảnh, clip giúp em ghi nhớ tốt hơn các sự kiện, vấn đề. Nhung cũng quyết định nghỉ làm thêm buổi tối ở quán cà phê để dành thời gian tập trung cho việc tự học, luyện đề thi. “Em nhận được sự giúp đỡ, bổ sung kiến thức rất nhiều từ thầy cô ở trường. Nhưng em nhận thức được rằng, tự học là rất quan trọng, vì mình luôn có thời gian tự kiểm tra kiến thức bản thân và chủ động trong tư duy làm bài”, Nhung chia sẻ.

Kết quả, ngoài mục tiêu tốt nghiệp THPT ban đầu, Nguyễn Thị Nhung còn đạt 26,75 điểm khối C, trong đó Ngữ văn đạt 8,75 điểm, Địa lý 8 điểm, riêng Lịch sử đạt 10 điểm tuyệt đối, cũng là thí sinh có kết quả cao nhất trung tâm.

Em Phan Thị Huyền Vy, lớp 12A – Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương, Nghệ An. Ảnh: NVCC

Em Phan Thị Huyền Vy, lớp 12A – Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương, Nghệ An. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên dạy môn Lịch sử - Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương, cho hay: “Lên lớp 12 tôi mới bắt đầu dạy Nhung và rất bất ngờ về năng lực của em. Vì vậy, biết em không thi đại học, tôi rất tiếc và động viên em cố gắng thử sức để có nhiều lựa chọn hơn cho tương lai. Khi quyết tâm và tập trung học, em tiến bộ nhanh, khả năng ghi nhớ kiến thức tốt, ham học, cầu thị.

Thực tế, để học sinh hệ GDTX thi chung đề với học sinh hệ THPT là điều khó khăn và khá nhiều áp lực. Nhưng em đã tạo ra sức bật ở kỳ thi quan trọng và riêng môn Lịch sử xuất sắc là 1 trong 37 học sinh đạt điểm tuyệt đối của tỉnh Nghệ An”.

Thời điểm này, cả Nhung và Vy đang ở cùng phòng trọ ở Bắc Ninh vì đang làm tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử. Mỗi ngày làm việc từ 8 - 10 tiếng, cường độ lao động cũng vừa phải với sức trẻ “bẻ gẫy sừng trâu” và nhất là khi cả hai lại mang quyết tâm dành dụm tiền làm hành trang vào đại học.

Với gần 27 điểm, Nguyễn Thị Nhung cho biết em đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền và tiếp theo vào ngành sư phạm.

“Chặng đường học đại học sẽ còn nhiều vất vả, khó khăn, nhất là với gia đình thuần nông nghiệp như nhà em. Nhưng em nghĩ với chứng chỉ nghề được học ở trung tâm, và kinh nghiệm 3 năm đi làm thêm, em sẽ tìm ra cách xoay xở, lo liệu được cuộc sống của mình để bớt gánh nặng cho bố mẹ. Điều em vui nhất là bố mẹ ủng hộ việc em vào đại học và em đã làm cho gia đình tự hào khi dù học trung tâm GDTX nhưng vẫn có thể thi đạt kết quả tốt”, Nhung phấn chấn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.