Hạnh phúc trong nếp nhà chỉ có “cơm tẻ”

GD&TĐ - Cái tư tưởng trọng nam khinh nữ, sinh con trai để nối dõi tông đường tưởng chừng như đã ăn sâu vào tiềm thức của bao nhiêu đời người nông dân.

Gia đình ông Lê Viết Hùng, khối Đóng, Phường Quang Phong, TX Thái Hòa
Gia đình ông Lê Viết Hùng, khối Đóng, Phường Quang Phong, TX Thái Hòa

Thế nhưng, chúng tôi thấy sau lũy tre làng quê xứ Nghệ đã có bao nhiêu thay đổi, thấy trong mỗi nếp nhà đã có bao chuyển biến âm thầm nhưng lớn lao… 

Ở đó những người nông dân trải qua bao nhiêu lam lũ, đã biết rằng hạnh phúc của một gia đình nằm chính con cái chăm ngoan, khỏe mạnh, học giỏi, thành đạt… chứ không nằm ở việc sinh được con trai, hay con gái.

“Sinh nhiều mà để con vất vả thì càng khổ”

“Ông nội các cháu là trưởng 1 nhánh dòng họ. Ông có 3 người con trai, đều sinh con gái. Chúng tôi biết ông rất muốn có cháu trai, nhưng thuyết phục dần dần ông cũng hiểu” - Anh Cao Tiến Nông (1969) xóm 9, Lam Sơn, Đô Lương, Nghệ An chia sẻ. 

Gia đình anh Nông sinh 2 con gái 1 bề, và dừng lại ở đó không sinh thêm con thứ ba. Ở  cái vùng quê này, nhiều đời nay, đó có thể được coi như là tội “bất hiếu”, nhưng vợ chồng anh cứ âm thầm chấp nhận và chứng minh một chữ Hiếu khác cho dân làng hiểu.

Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Cao Tiến Nông  và chị Hoàng Thị Ánh Hòe, cả hai vợ chồng vẫn đang mải mê làm việc phía sau đồi. Phủi vội hai chiếc ống quần thấp cao, anh Nông mời khách vào nhà uống nước. 

Gia đình anh có 1 mẫu ruộng và 2 mẫu đất đồi. Nỗi vất vả in hằn trên gương mặt người nông dân quần quật cả đời “biến sỏi đá thành cơm” ở cái vùng trung du bán sơn địa.

Và cả nỗi lo toan giấu kín khi đứa con gái lớn bước vào đại học, anh chị phải vay vốn phải vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cho con. Thế nhưng, hơn hết vẫn là niềm vui, niềm tự hào khi nghe nhắc đến hai đứa con gái chăm ngoan học giỏi. 

“Ở nông thôn, áp lực sinh con trai nối dõi tông đường là rất lớn, nhưng 2 vợ chồng quyết định dừng lại ở 2 con, dù là 2 con gái. Gia đình làm nông thôn vất vả, tất cả phụ thuộc vào đồng ruộng, nếu đẻ nhiều con, không đủ điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn, để con phải đi làm thuê thì càng khổ.

Nghĩ lại ngày xưa, sinh đứa con gái đầu, có những lúc ăn cơm chan với nước cà chua hàng tuần liền, bây giờ nhìn các con chăm ngoan, học giỏi, đó là niềm hạnh phúc và tự hào không gì sánh nổi của cả 2 vợ chồng. Càng như thế, chúng tôi lại càng cố gắng để làm tất cả những gì tốt nhất cho 2 con” - Chị Hòe tâm sự.

Nhiều năm qua, dù cuộc sống khó khăn, gia đình anh luôn chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy ước của địa phương đề ra, trong đó có chính sách DS - KHHGĐ. 

Gia đình còn tích cực trong phong trào tuyên truyền, vận động người thân, cộng đồng thực hiện chính sách DS - KHHGĐ và xây dựng Nông thôn mới tại địa phương. 

Mặc dù sinh 2 con gái nhưng cả hai vợ chồng đều xác định không sinh thêm nữa để có điều kiện làm ăn phát triển kinh tế, đầu tư nuôi dạy con cái học hành.

Con gái đầu Cao Thị Thu (SN 1993) suốt 12 năm học phổ thông đều đạt học sinh giỏi của trường, năm lớp 12 đạt Giải khuyến khích môn Toán của tỉnh. 

Hiện Thu đang là sinh viên năm thứ 4 Học viện Tài chính Hà Nội, tham gia sôi nổi các hoạt động Đoàn của trường, lớp đề ra, được bầu làm lớp trưởng và chuẩn bị làm hồ sơ để kết nạp vào Đảng tại Học viện.

Con gái thứ hai Cao Thị Hồng Hạnh sinh năm 1999, 9 năm liền là học sinh giỏi xuất sắc toàn diện, là liên đội trưởng của trường tiểu học và THCS. Năm 2010 - 2011, 2013 - 2014, cháu được BCH Tỉnh đoàn Nghệ An công nhận đạt danh hiệu Chỉ huy đội giỏi cấp tỉnh. 

Năm học 2012 – 2013 đạt giải Nhì cấp tỉnh môn Tiếng Anh; năm 2013 - 2014 đạt giải Nhì cấp huyện môn Toán và Tiếng Anh; là Thủ khoa của trường THPT Đô Lương 2, hiện cháu đang học lớp 10 tại trường THPT Đô Lương 2. Gia đình anh Nông, chị Hòe đạt “Gia đình văn hoá tiêu biểu” của xã trong 5 năm liên tiếp từ 2008 – 2013.

Hạnh phúc một bề

Tư tưởng sinh con trai để nối dõi tông đường không chỉ khiến các bậc làm cha, làm mẹ chịu áp lực, mà bản thân con cái sinh ra trong gia đình “một bề” cũng chịu không ít sức ép tâm lý.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Viết Hùng ở khối Đóng (phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa, Nghệ An). Ngôi nhà nhỏ nằm lẫn giữa vườn tiêu xanh  rậm rì. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Gấm đi thăm mẹ ốm ở miền Nam, chỉ có ông Hùng ở nhà nấu cơm chờ 2 cô con gái đi học và đi làm về.  

“Bọn nó đi về muộn lắm, bữa nào cũng hơn 12 giờ trưa, nên tôi nấu cơm trước. Cũng không có chi cả, 2 đứa nó đi chợ mua thức ăn để sẵn trong tủ lạnh rồi”. 

Ông Hùng năm nay 51 tuổi, chỉ sinh 2 đứa con gái rồi dừng lại. Suốt mấy chục năm qua, gia đình ông luôn hạnh phúc với 2 cô con gái, dù nhiều người nói ra nói vào phải có trai có gái mới vẹn toàn. Ông còn luôn động viên các con, để các con học tập, công tác tốt.

Chị Lê Thị Kiều Trang - Sinh năm 1989 là con gái đầu của ông Hùng - tâm sự: Các bậc sinh thành bao giờ cũng muối có con trai để nương tựa tuổi già. 

Ở nông thôn còn nặng nề quan niệm có con trai để gánh vác công việc nặng, thờ cúng bố mẹ. Nhưng gia đình em bố mẹ chỉ có em và 1 em gái.

Ngay từ lúc còn bé em đã được nghe bố mẹ nói dù con là con gì thì bố mẹ yêu thương như nhau, chính tình yêu thương đó cố gắng vươn lên trong cuộc sống, không tự ti với bất kỳ ai. Em cố gắng học hành, kiếm việc làm, tự nuôi sống bản thân. Hiện em là điều dưỡng của khoa cấp cứu hồi sức, trung tâm y tế Nghĩa Đàn.

Nghề nghiệp của em chăm sóc mọi người nhưng cũng phải chăm sóc chính mình và bố mẹ mình. Mình là người con ngoan, người chị tốt, chăm sóc bố mẹ, bảo ban em, thì đó đã là niềm tự hào của bố mẹ trong cuộc sống. 

Nếu sau này mình có gia đình riêng , sự chăm sóc của mình có thể không thể thường xuyên từng ly từng tý, nhưng khi bố mẹ cần, mình luôn có mặt, yêu thương bố mẹ đẻ như bố mẹ chồng”.

Được biết, suốt 12 năm học phổ thông, Kiều Trang đều là học sinh giỏi trường và huyện. Học xong THPT, em học Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An và tốt nghiệp loại Giỏi. 

Hiện em đang công tác tại Bệnh viện huyện Nghĩa Đàn, được Trung tâm Y tế tặng Giấy khen vì đã có thành tích trong phong trào “chữa bệnh cứu người”. 

Còn em gái Lê Thủy Nhung, sinh năm 1997, năm nay học lớp 12 năm học, suốt 11 năm học vừa qua, em đều đạt học sinh tiên tiến và học sinh giỏi trường.

Năm 2011 - 2012 gia đình ông Hùng đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá tiêu biểu” cấp thị xã; từ 2007 - 2013 đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” của phường và được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen.

Chúng tôi ra về khi 2 cô con gái Trang và Thủy đang tranh thủ lúc buổi trưa giúp bố tưới vườn tiêu. Nhìn 3 cha con tươi cười vui vẻ trong công việc thường ngày, tôi hiểu đó là hạnh phúc giản đơn nhưng ý nghĩa nhất đối với mỗi gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.