Thay đổi để giúp trẻ hạnh phúc
Khi nhắc tới cô giáo Trương Thị Ngọc Hà - Tổ trưởng chuyên môn Trường chuyên biệt Tương Lai (TP Đà Nẵng), phụ huynh đều chia sẻ ấn tượng về những phương pháp dạy học cũng như là những tình yêu thương đối với các em học sinh bị khiếm khuyết.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học – Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), khác với bạn bè cùng trang lứa, cô Hà bắt đầu “hướng đi khác” khi chọn dạy ở ngôi trường dành riêng cho những trẻ em không may bị khuyết tật.
Theo lời của cô giáo Hà, trong thời gian còn ở giảng đường, cô Hà đã nhiều lần được đi thực tế tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố để học hỏi kinh nghiệm về cách giảng dạy.
“Tôi nhớ như in, cái ngày về thực tế tại Trường Chuyên biệt Tương Lai, ngay từ lúc bước vào đã thấy những mảnh đời bất hạnh của các em nhỏ không may bị khuyết tật tại đây.
Nhìn những đôi mắt ngây thơ có phần khờ dại của trẻ khuyết tật, những ước mong không thể diễn đạt thành lời của các em và nỗi đau dằn vặt của những bậc phụ huynh có con bị khiếm khuyết, tôi cảm thấy day dứt. Tôi tự nhủ nhất định sau khi ra trường, sẽ quay về giảng dạy để giúp đỡ các em”, cô Hà nói.
Với cô Hà, hành trình gắn bó với trẻ khuyết tật được xem là sự lựa chọn đúng đắn của cô. Bởi vì ở nơi này, cô thật sự tìm được hạnh phúc của mình trong những tiết dạy.
Tuy có vất vả do một số em nhận thức còn hạn chế, hay chạy nhảy, la hét, không hiểu ý của giáo viên, thế nhưng bằng tình thương, sự chia sẻ, cô Hà dần vượt qua mọi khó khăn và thử thách để bước tiếp trên con đường nuôi tương lai cho những đứa trẻ không may bị khuyết tật khi chào đời.
Bằng nhiều cách, nhiều phương pháp, dần dần cô Hà đã giúp những em học sinh khuyết tật của cải thiện trí tuệ.
Để có được thành công ấy, chính là nhờ các phương pháp dạy học của cô Hà. Cô Hà tổ chức tiết học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và đạt hiệu quả cao. Mỗi tiết học, cô và học trò luôn phối hợp nhịp nhàng để nắm bắt, vận dụng tốt kiến thức mà không căng thẳng hay áp lực.
Không chỉ vậy, cô còn nỗ lực không ngừng nghỉ thay đổi để giúp những học sinh có khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ để các em không thiệt thòi và dần trở nên tự tin, hòa đồng cùng các bạn khi tới trường.
Dõi bước theo học trò
Không chỉ là người giảng dạy trên trường, cô Hà còn “kiêm” luôn nhiệm vụ hỗ trợ những học sinh cũ. Cô Hà cho hay, các em học sinh khiếm thính được cô dạy dỗ khi lớn lên lập gia đình thì vẫn được cô giúp đỡ trong cuộc sống.
“Những học sinh khiếm thính vẫn lập gia đình bình thường. Thông thường các em sẽ có gia đình với những người khiếm thính như mình. Khi có con, những đứa trẻ sinh ra bình thường, tuy nhiên nếu để tiếp xúc với cha mẹ như vậy trẻ sẽ có khả năng bị hạn chế ngôn ngữ. Chính vì thế tôi sẽ đến hỗ trợ để tập cho ba mẹ giao tiếp với trẻ cũng như bày trẻ cách trao đổi với con, để trẻ có thể lớn lên và phát triển bình thường”, cô Hà chia sẻ.
Trái tim yêu nghề đã khiến mọi nhọc nhằn trở thành niềm vui. Vừa dạy học, cô Hà vừa nắm bắt tâm lý học sinh, nhớ cả hoàn cảnh gia đình của từng em, để có thể kịp thời giúp đỡ.
Với cô Hà, cái được nhiều nhất là niềm hạnh phúc khi những đứa trẻ khiếm thính có thể hòa nhập và đứng vững trên đôi chân mình để bước vào đời. Đó cũng là tâm niệm của rất nhiều thầy cô giáo vẫn đang từng ngày nỗ lực đưa những em nhỏ khuyết tật hòa mình với cộng đồng, trở thành những người có ích.
“Dạy tại đây như là một sự sẻ chia, một niềm thương yêu với những số phận không được may mắn trong cuộc sống.
Mình xem các em nơi đây như là các em các cháu trong gia đình, cố gắng làm những điều tốt nhất cho các em dạy cho các em có cái chữ, có được những kỹ năng sống. Đấy chính là niềm vui của mình”, cô Hà tâm sự.