Hành động nhỏ, lợi ích lớn khi trẻ làm việc nhóm

GD&TĐ - Các chuyên gia đã nêu những lý do tại sao làm việc nhóm lại quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Trẻ có thể cải thiện nhiều kỹ năng thông qua làm việc nhóm. Ảnh minh họa: INT.
Trẻ có thể cải thiện nhiều kỹ năng thông qua làm việc nhóm. Ảnh minh họa: INT.

Cải thiện kỹ năng giao tiếp

Bài học quan trọng nhất là cách giao tiếp hiệu quả với người khác. Kỹ năng xã hội này hữu ích trong hầu hết mọi tình huống và có thể giúp mọi người thành công bất kể nghề nghiệp hay hoàn cảnh của họ.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ năm 2014, những người tham gia được chuẩn bị để hành động hợp tác đã thực hiện các nhiệm vụ đầy thử thách lâu hơn 64% với tỷ lệ tham gia và thành công cao hơn.

Biết cách lắng nghe

Làm việc nhóm dạy trẻ em cách lắng nghe. Đây là bước đầu tiên trong giao tiếp hiệu quả. Nếu không lắng nghe, không thể đối thoại với người khác, thì quá trình giao tiếp sẽ trở nên một chiều và mọi cảm giác làm việc nhóm đều mất đi.

Các thành viên trong nhóm trước tiên phải lắng nghe người hướng dẫn để thực hiện vai trò của mình trong nhóm. Tiếp theo, trẻ phải học cách lắng nghe nhau để có thể hoạt động như một tập thể gắn kết.

Cuối cùng, trẻ phải học cách lắng nghe đối thủ của mình. Đây là một kiểu lắng nghe khác liên quan đến việc nắm bắt các tín hiệu xã hội. Những tín hiệu này là một phần không thể thiếu của các kỹ năng xã hội mà trẻ sẽ dựa vào trong suốt cuộc đời.

Một lợi ích nữa của việc dạy trẻ cách lắng nghe là tôn trọng người khác. Đây là khía cạnh thiết yếu không chỉ của việc trở thành thành viên của một nhóm, mà còn của việc trở thành thành viên của xã hội. Khi học được cách lắng nghe, trẻ sẽ hiểu rằng, những gì người khác nói là hợp lý và đáng được xem xét.

Cách giao tiếp

Khi đã học cách lắng nghe người khác, trẻ có thể bắt đầu học cách giao tiếp. Kỹ năng giao tiếp đòi hỏi trẻ phải tiếp cận đối phương, hiểu cách trao đổi thông tin với họ thay vì chỉ nói. Trong khi lắng nghe dạy trẻ tôn trọng ý kiến của người khác, thì giao tiếp cho phép trẻ đưa sự tôn trọng đó vào thực tế. Cách mọi người nói chuyện với người khác thể hiện mức độ hiểu biết và tôn trọng của họ. Đây là một phần quan trọng của quá trình làm việc nhóm.

Làm việc nhóm cũng đòi hỏi mỗi thành viên phải có khả năng thể hiện ý tưởng và quan điểm của riêng mình một cách hiệu quả. Học cách nói chuyện đúng mực với người khác là một phần thiết yếu của quá trình giao tiếp này. Việc thể hiện bản thân một cách hiệu quả liên quan đến các kỹ năng xã hội. Đồng thời, liên quan đến sự tự tin.

Cải thiện sự tự tin

Khi trẻ em hiểu rằng, tiếng nói của mình được tôn trọng và đánh giá cao, chúng sẽ có được sự tự tin. Biết rằng mình được lắng nghe sẽ giúp trẻ có cảm giác được coi trọng. Những yếu tố này khuyến khích trẻ nỗ lực và góp sức cho công việc trong nhóm.

Trong môi trường này, ngay cả những thành viên ít nói hoặc nhút nhát nhất trong nhóm cũng cảm thấy được khuyến khích tham gia, và giúp trẻ mạnh dạn hơn. Càng có nhiều thành viên cảm thấy được khuyến khích tham gia, thì nhóm sẽ hoạt động càng tốt.

Càng cảm thấy được coi trọng và tôn trọng, thì sự bất an của các thành viên trong nhóm càng tan biến. Việc giảm bớt sự bất an này cho phép trẻ giao tiếp nhiều và tốt hơn. Từ đó, tạo “bước đệm” giúp quá trình làm việc nhóm hiệu quả hơn.

hanh-dong-nho-loi-ich-lon2-2609.jpg
Làm việc theo nhóm có tác động tích cực đến hiệu suất học tập. Ảnh minh họa: INT.

Giảm tình trạng bắt nạt

Khi cảm thấy mình là một phần của nhóm - nơi có những người thực sự quan tâm đến các nhau, trẻ em cũng sẽ gắn bó với mọi người. Làm việc nhóm có thể giúp giảm đáng kể tác động của bắt nạt đối với trẻ em.

Trở thành thành viên của một nhóm quan tâm và hỗ trợ các thành viên có thể giúp trẻ em có cảm giác mình là người có giá trị. Trẻ sẽ hiểu rằng, hành vi của kẻ bắt nạt khó có thể ảnh hưởng đến giá trị đó. Bằng cách cung cấp cho trẻ em một hệ thống hỗ trợ, các nhóm có thể giúp nhau giải quyết mọi tình huống, bao gồm cả bắt nạt.

Ngoài ra, trẻ em sẽ cảm thấy được khuyến khích giúp đỡ người khác giải quyết tác động của bắt nạt. Do hiểu biết và kỹ năng xã hội được truyền đạt thông qua làm việc nhóm được nâng cao, trẻ được trang bị tốt hơn để bảo vệ những người khác là nạn nhân của bắt nạt.

Sự tôn trọng đối với người khác được truyền đạt thông qua làm việc nhóm có thể giúp trẻ em nhìn thấy giá trị ở người khác. Trong khi đó, các kỹ năng giao tiếp cho phép trẻ lên tiếng ủng hộ nạn nhân bị bắt nạt.

Cảm giác gắn bó

Cảm giác gắn bó mạnh mẽ rất quan trọng đối với sự tự tin và sức khỏe cảm xúc của trẻ. Khi làm việc nhóm một cách hợp tác, trẻ sẽ cảm thấy được hòa nhập và coi trọng. Điều đó góp phần tạo nên môi trường học tập tích cực ở trẻ. Cảm giác gắn bó này thúc đẩy lòng tự trọng của trẻ. Từ đó, thúc đẩy trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động trong lớp.

Tố chất lãnh đạo

Làm việc nhóm cho phép trẻ em có cơ hội đảm nhận vai trò lãnh đạo. Khi hợp tác và chia sẻ trách nhiệm, trẻ học cách lãnh đạo bằng tấm gương, truyền cảm hứng cho người khác và hướng dẫn bạn bè cùng trang lứa hướng tới mục tiêu chung. Những trải nghiệm ban đầu này với vai trò lãnh đạo có thể mở đường cho các cơ hội lãnh đạo trong tương lai ở nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.

hanh-dong-nho-loi-ich-lon-2-4292.jpeg
Làm việc nhóm giúp tăng sự gắn kết giữa các thành viên. Ảnh minh họa: INT.

Tư duy phản biện

Làm việc nhóm thường bao gồm việc động não để đưa ra ý tưởng và tìm ra giải pháp cho các thách thức. Tham gia vào các hoạt động giải quyết vấn đề theo nhóm như vậy giúp trẻ em nâng cao kỹ năng tư duy phản biện và phân tích. Trẻ em học cách suy nghĩ sáng tạo, xem xét các quan điểm khác nhau và đưa ra quyết định toàn diện khi làm việc nhóm.

Học hỏi lẫn nhau

Trong môi trường làm việc nhóm, trẻ em đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trẻ cũng sở hữu nhiều điểm mạnh cũng như khả năng khác nhau. Thông qua làm việc nhóm, chúng có cơ hội học hỏi lẫn nhau. Cho dù đó là chia sẻ kiến thức, khám phá sở thích mới hay trao đổi kỹ năng, những tương tác này sẽ mở rộng tầm nhìn của trẻ và nuôi dưỡng tình yêu học tập suốt đời.

Nâng cao hiệu quả học tập

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, làm việc theo nhóm có tác động tích cực đến hiệu suất học tập. Khi trẻ em làm việc cùng nhau, chúng có thể lấp đầy khoảng trống kiến thức của nhau. Đồng thời, làm rõ những nghi ngờ và củng cố sự hiểu biết của mình về các khái niệm.

Quá trình hợp tác này có thể dẫn đến sự cải thiện trong kết quả học tập của trẻ. Đồng thời, giúp trẻ nắm bắt kỹ hơn các môn học.

Xây dựng tương lai tươi sáng

Làm việc nhóm từ nhỏ có ý nghĩa to lớn vì nó đặt nền tảng cho tương lai thành công và viên mãn của trẻ. Bằng cách thúc đẩy sự hợp tác, giao tiếp và sự đồng cảm, trẻ được bồi dưỡng các kỹ năng xã hội thiết yếu và nâng cao thành tích học tập.

Những trẻ tự tin và có các kỹ năng xã hội phát triển tốt sẽ trở thành những người lớn toàn diện. Những người trưởng thành có các kỹ năng này thường là những người hạnh phúc và thành công hơn. Người trưởng thành làm việc tốt với tư cách là thành viên của một nhóm thường hạnh phúc hơn với sự nghiệp. Những người này cũng có xu hướng thoả mãn hơn với công việc của họ.

Theo các chuyên gia, phần lớn nghề nghiệp đều liên quan đến quá trình làm việc chặt chẽ với ít nhất một nhóm nhỏ người. Một người có khả năng giao tiếp và kỹ năng xã hội tốt thì họ có khả năng làm việc nhóm tốt hơn. Thông thường, các nhà tuyển dụng cũng đề cao những nhân viên sở hữu các kỹ năng này. Những nhân viên làm việc tốt với người khác sẽ hạnh phúc và đạt năng suất hơn trong công việc.

Hầu hết phụ huynh đều mong muốn có thể dạy cho con mình những bài học quan trọng nhất trong cuộc sống càng sớm càng tốt. Một trong những bài học quan trọng nhất mà trẻ em có thể học được là cách làm việc với người khác trong một nhóm. Đây được coi là bài học sẽ mang lại lợi ích cho trẻ trong suốt cuộc đời.

Theo Abfc; Childrenslearningadventure

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ