Hãng tin CNN “mổ xẻ” thành công chống dịch nCov của Việt Nam

Hãng tin CNN “mổ xẻ” thành công chống dịch nCov của Việt Nam

Theo CNN, thành công chống dịch của Việt Nam rất đáng chú ý khi đây là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, hệ thống y tế kém tiên tiến hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Theo Ngân hàng Thế giới, trung bình 10.000 người dân ở đây mới có 1 bác sĩ và tỷ lệ này bằng 1/3 so với ở Hàn Quốc.

Sau 3 tuần phong tỏa toàn quốc, Việt Nam đã dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội vào cuối tháng 4 và không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong hơn 40 ngày. Các doanh nghiệp, trường học được mở cửa trở lại và cuộc sống đang quay lại bình thường.

Theo CNN, đối với những người hoài nghi, con số chính thức của Việt Nam dường như quá tốt đẹp. Tuy nhiên, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm Guy Thwaites, làm việc tại một trong những bệnh viện chính được chính phủ Việt Nam chỉ định điều trị bệnh nhân Covid-19, cho biết những con số trên phù hợp với thực tế.

“Tôi đến các khu bệnh mỗi ngày, tôi biết các ca mắc, tôi biết không có ca tử vong nào” – ông Thwaites nói. Ông cũng là người đứng đầu Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của ĐH Oxford tại thành phố Hồ Chí Minh.

“Nếu có sự lây truyền không được báo cáo hoặc không kiểm soát, chúng tôi sẽ thấy các ca bệnh trong bệnh viện, chưa bao giờ có chuyện những người bị viêm phổi không được chẩn đoán” – ông nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, CNN cho rằng thành công của Việt Nam là sự kết hợp nhiều yếu tố, từ sự khẩn trương, phản ứng sớm của chính phủ trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus cho tới việc theo dõi, cách ly nghiêm ngặt và truyền thông đại chúng hiệu quả.

Việt Nam bắt đầu chuẩn bị cho đại dịch Covid-19 nhiều tuần trước khi ca mắc đầu tiên được phát hiện.

Khi đó, nhà chức trách Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới đều cho rằng không có “bằng chứng rõ ràng” về việc lây truyền từ người sang người.

“Chúng tôi không chỉ chờ chỉ dẫn từ WHO. Chúng tôi sử dụng dữ liệu thu thập được từ trong và ngoài nước để quyết định hành động” – Ông Phạm Quang Thái – Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói.

Theo bác sĩ Thwaites, phản ứng nhanh nhạy của Việt Nam là lý do chính đứng sau thành công. “Hành động của họ vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 đã đi trước nhiều quốc gia khác. Việc này mang lại ích lợi vô cùng lớn cho họ để có thể kiểm soát dịch” – ông nói.

Nhà chức trách truy tìm quyết liệt những người tiếp xúc với các ca nhiễm và bắt buộc họ phải cách ly trong 2 tuần.

Nỗ lực truy vết người tiếp xúc với các ca nhiễm của Việt Nam tỉ mỉ đến nỗi không chỉ theo dõi người tiếp xúc trực tiếp mà cả gián tiếp với người nhiễm. “Đó là một trong những phần đặc biệt trong sự phản ứng của họ. Tôi không nghĩ có quốc gia nào lại thực hiện việc kiểm dịch tới mức đó” – ông Thwaites nói.

Bài báo cũng nêu lên việc chính phủ truyền thông rất rõ ràng với công chúng về dịch bệnh ngay từ đầu. Những trang web, đường dây nóng, ứng dụng điện thoại được lập nên để cập nhật tin tức mới nhất về dịch bệnh và lời khuyên về y tế. Bộ Y tế cũng thường xuyên gửi tin nhắn nhắc nhở người dân...

Theo ông Thwaites kinh nghiệm dày dặn của Việt Nam trong việc đối phó dịch bệnh như SARS từ năm 2002 đến 2003 và cúm heo đã giúp quốc gia châu Á này chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch Covid-19.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ITN

Bài học giá trị cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Nhiều nhà khoa học, giảng viên đã thảo luận phương thức GD HSSV về ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng trong GD quốc phòng và an ninh hiện nay.