Theo một tuyên bố của đài RTBF khi dẫn nguồn tin chưa xác định, khoảng 5,7 tỉ USD có thể đã được giải ngân cho những người đang kiểm soát tài khoản Libya, trong đó có các nhóm quân sự tại nước này vốn đang bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
RTBF nói rằng khi Liên hợp quốc đồng ý đóng băng tiền gửi của chính quyền ông Gaddafi nắm giữ tại nước ngoài, Bỉ đã làm như vậy nhưng không dừng việc trả lãi suất và cổ tức.
Khi NATO can thiệp vào Libya năm 2011, Liên hợp quốc đã đưa ra lệnh trừng phạt đối tới tài sản của chính phủ Libya, thu giữ khoảng 67 tỉ USD từ Ủy ban đầu tư Libya (LIA). Trong Liên minh châu Âu, chính phủ các nước chỉ đóng băng lượng tiền gốc, trong khi lãi suất và cổ tức sinh ra sau năm 2011 vẫn là tài sản lưu động.
Hôm qua (30/10), Bộ trưởng Tài chính Bỉ Didier Reynders nói với các phóng viên rằng ông chưa tham gia vào quyết định bỏ đóng băng lãi suất tiền gửi.
“Quyết định bỏ đóng băng các quỹ” là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Tôi không đứng đầu việc này từ 6/12/2011 và không đưa ra quyết định nào về vấn đề này” – ông Reynders nói. Đồng thời ông nhớ lại rằng việc cho phép bỏ đóng băng một phần các tài khoản của Libya do Bộ tài chính Bỉ đưa ra tháng 10/2012, khi đó Bộ trưởng là ông Steve Vanackere.
Liên hợp quốc cũng đang điều tra cáo buộc hàng tỉ euro bị biến mất khỏi các tài khoản của ông Gaddafi – Nghị sĩ Bỉ Georges Gilkinet cho biết.
“Tài liệu của Liên hợp quốc khẳng định rằng Bỉ đã không tuân thủ nghị quyết của Liên hợp quốc về việc đóng băng tài sản của Libya” – ông Gilkinet nói với hãng tin RTBF. Ông cũng cho rằng ông chỉ nhận được thông tin rời rạc từ nhà chức trách Bỉ. Do đó, ông nói rằng cần “làm rõ tình hình có thể dẫn tới một vụ bê bối lớn này bởi vì hàng trăm triệu euro đã dược gửi tới các cá nhân không rõ tại Libya”.
Một cuộc điều tra của tuần báo Politico có trụ sở tại Bỉ cho thấy hồi tháng 2 “một dòng tiền lớn gồm những khoản cổ tức, thu nhập từ trái phiếu, lãi suất” chảy ra từ các quỹ liên quan tới ông Gaddafi tại Bỉ, điều này cho thấy “một lỗ hổng trong chính sách trừng phạt”.