(GD&TĐ) - Sở Công thương và các doanh nghiệp đã xúc tiến ký kết, thỏa thuận để cung ứng đầy đủ lượng hàng hóa như: thịt lợn, rau củ quả... về Thành phố đảm bảo phục vụ Tết cho người dân Thủ đô.
1. Lượng hàng hóa dự trữ phục vụ dịp tết trị giá khoảng 6000 tỷ đồng
Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến nhu cầu tiêu dùng đối với các nhóm hàng phục vụ Tết sẽ tăng từ 20- 25% so với các tháng trong năm. Các DN đã dự trữ được trên 85 triệu lít bia các loại, khoảng 13 triệu chai rượu, trên 17.000 tấn bánh, mứt, kẹo; trên 15 triệu lít sữa các loại phục vụ nhân dân trong dịp Tết và khoảng 28 ngàn tấn các loại sản phẩm gia vị, nước mắm các loại. Công ty CP Group Chương Mỹ dự trữ đảm bảo cung cấp 300.000 quả trứng gà , 17.000 con gà đã giết mổ, 13.000 con gà lông và khoảng 1.500 con lợn đã giết mổ/ngày.
Ảnh MH |
Đối với những mặt hàng thường có biến động mạnh trong dịp Tết như thịt lợn, thịt gà, rau củ quả, trứng gia cầm…, từ tháng 12.2012, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác hàng hóa từ các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ. Đặc biệt, trong tháng 12/2012, Sở Công Thương Hà Nội đã ký biên bản hợp tác với Sở Công Thương Bắc Giang về tiêu thụ sản phẩm “gà đồi Yên Thế”. Hiện, các DN đã ký hợp đồng mua về Hà Nội tiêu thụ trung bình 7-8 tấn “gà đồi Yên Thế”/ngày. Vừa qua, mặt hàng trứng gia cầm có biến động, Hà Nội đã chủ động liên kết với Công ty TNHH Ba Huân đưa trứng gà từ miền Nam ra cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 100 ngàn quả/ngày.
Nhìn chung, ước tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn TP dịp trước, trong và sau Tết trị giá khoảng 6000 tỷ đồng. Với lượng hàng hóa trên, Sở Công thương khẳng định sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết.
2. Mở thêm nhiều địa điểm bán hàng bình ổn giá
Đại diện cho phía doanh nghiệp thực hiện việc chuẩn bị hàng hóa, ông Nguyễn Thanh Sơn – Tống Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) bày tỏ: Hapro đã tập trung toàn bộ lực lượng chuẩn bị hàng hóa từ rất sớm. Hiện Tổng công ty đã dự trữ 18 mặt hàng thiết yếu, trong đó có 10 mặt hàng bình ổn giá. Hiện chưa có biến động giá từ các nhà cung cấp, đó là tín hiệu vui cho thị trường. Tổng công ty sẽ bán hàng tết tại 179 điểm trên địa bàn TP, trong đó có 57 điểm bán hàng bình ổn giá. Đặc biệt năm nay TP cho phép Hapro mở thêm 300 điểm bán hàng Tết ngoài trời (kéo dài từ 15 đến 28 Tết); Bố trí một số điểm bán hàng đến giao thừa, bán hàng từ mùng 1 -3 tết phục vụ khách du lịch tại Hà Nội. Từ mùng 4 tết, toàn hệ thống bán hàng của Hapro sẽ mở cửa trở lại. Ngoài ra, từ nay đến Tết, Tổng công ty sẽ tổ chức 45 chuyến bán hàng lưu động về các khu đông dân, vùng ngoại thành, khu công nghiệp; mở thêm 5 điểm bán hàng Tết ở các huyện ngoại thành.
150 gian hàng tập trung tại 7 địa điểm công cộng, gồm vỉa hè vườn hoa Hàng Đậu, sân vận động Quần Ngựa, Gò Đống Đa (phố Tây Sơn, quận Đống Đa), vỉa hè Công viên Thống nhất và hồ Thiền Quang (phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng), xã Kim Lan (huyện Gia Lâm), xã Tiên Dương (huyện Đông Anh). Đây là một điểm mới của Hapro trong chương trình kinh doanh phục vụ người tiêu dùng Thủ đô dịp Tết Quý Tỵ năm 2013.
Cũng là một doanh nghiệp được UBND TP Hà Nội cho tạm ứng vốn 10 tỷ đồng để thực hiện chương trình bình ổn giá, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (HADICO) đã tạm ứng vốn cho các nhà cung ứng hơn 138 tỷ đồng để sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán QuýTỵ, bao gồm: 2.068 tấn gà, 1.703 nghìn quả trứng gia cầm, 175 tấn cácác loại; 482 tấn rau, củ quả; 408 tấn gạo; 176 tấn thịt lợn; 229.917 lít dầu ăn... Ngày 26.1, Công ty cũng đã tổ chức bán hàng lưu động các mặt hàng bình ổn giá của thành phố Hà Nội phục vụ người dân ngoại thành mua sắm Tết. Các mặt hàng thiết yếu bao gồm gạo, thực phẩm (thịt gà, lợn, trứng gia cầm) rau, củ quả, đường kính, thủy hải sản, bánh kẹo... Trong ngày bán hàng bình ổn giá lưu động đã có hơn 300 lượt khách hàng đến mua sắm Tết, doanh thu đạt hơn 150 triệu đồng. Cũng theo HADICO, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Công ty sẽ tiếp tục tổ chức các đợt bán hàng bình ổn giá lưu động về các khu dân cư ngoại thành Hà Nội để người dân được thụ hưởng trực tiếp chương trình bình ổn giá có ý nghĩa của TP Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng (Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội), thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán, tăng cường đưa hàng về các huyện ngoại thành để người dân nông thôn được thu hưởng chính sách bình ổn giá của thành phố.
Để phục vụ mua sắm dịp Tết Nguyên Đán, Hà Nội sẽ tổ chức 5 phiên chợ Tết tại các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Đan Phượng, Đông Anh, Từ Liêm, dự kiến tổ chức 1/2 đến 5/2 (tức ngày 21-25/12 âm lịch. Ngoài ra, Tổng công ty Thương mại Hà Nội còn mở thêm 300 điểm bán hàng, trong đó có 150 điểm được tổ chức ở các khu vực thoáng, rộng của mặt phố hoặc gần các khu chung cư, cao tầng. Thành phố cũng sẽ tổ chức 4 hội chợ xuân tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam; khu hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại Hoàng Quốc Việt; Cung văn hoá Hữu Nghị 91 Trần Hưng Đạo và Công viên Hoà Bình. |
Hải Hà