Các chuyên gia cho biết, vấn đề môi trường này sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Theo Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia của Mỹ (NOAA), các hạt vi nhựa có chiều dài dưới 0,2 inch (5mm). Những hạt siêu nhỏ này có thể được tìm thấy trong đại dương, nước đóng chai. Nhưng cho đến nay, phần khí quyển trong “chu trình nhựa” này vẫn chưa được hiểu rõ.
Nghiên cứu mới cho thấy đã có hàng nghìn tấn vi nhựa trong khí quyển, trong đó đường sá là yếu tố gây ô nhiễm vi nhựa lớn nhất. Mô hình máy tính cũng cho thấy cách các hạt được vận chuyển qua khoảng cách rộng lớn trên toàn cầu và cho thấy rằng không nơi nào là an toàn khỏi ô nhiễm.
Các nhà nghiên cứu cho biết rằng, vi nhựa là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất của thời đại chúng ta.
Tác giả chính Janice Brahney, một nhà khoa học môi trường tại Đại học bang Utah, nói với Live Science: “Vi nhựa có khả năng phá vỡ gần như mọi hệ sinh thái, chưa kể đến sức khỏe con người. Chúng ta thực sự chỉ mới bắt đầu hiểu về phạm vi ô nhiễm, chứ chưa nói đến các tác động”.
Để tìm hiểu cách các vi nhựa được vận chuyển vào và xuyên qua bầu khí quyển, Brahney và các đồng nghiệp của cô đã đo lượng bụi phóng ra từ không khí, do kết quả của cả trọng lực và mưa, tại các địa điểm trên khắp miền Tây Hoa Kỳ trong khoảng thời gian là 14 tháng.
Dựa trên những phát hiện của mình, họ ước tính có khoảng 1.000 tấn vi nhựa nằm trong bầu khí quyển phía trên miền Tây Hoa Kỳ. Nhóm nghiên cứu đã “hoàn toàn bị sốc” trước mật độ vi nhựa mà họ tìm thấy.
Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng, các thành phố sẽ là nguồn ô nhiễm vi nhựa trong khí quyển lớn nhất, nhưng phân tích nhựa lại cho thấy đường sá là thủ phạm lớn nhất, gây ra 84% vi nhựa trong khí quyển.
Các nguồn khác bao gồm đại dương (11%) và bụi đất nông nghiệp (5%), cả hai đều liên quan đến yếu tố gió mạnh đẩy các hạt vào không khí. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng cả ba nguồn này có thể sẽ góp phần vào mức độ ô nhiễm khác nhau ở các khu vực khác trên thế giới.
Sử dụng dữ liệu họ thu thập được, các nhà nghiên cứu đã tạo ra các mô hình máy tính để tìm ra cách vi nhựa được vận chuyển trên khắp hành tinh và những khu vực nào có khả năng là điểm nóng cho mức vi nhựa cao nhất, chẳng hạn như châu Âu, Đông Á, Trung Đông, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
“Bầu khí quyển là một trong những lý do tại sao vi nhựa có mặt trên khắp thế giới. Nó có tiềm năng vận chuyển nhựa đến các địa điểm khác nhau, xuyên lục địa và đến cả các địa điểm thực sự xa xôi bình thường không bị ô nhiễm bởi tác động của con người” - Brahney nói.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các hạt nhựa có thể tồn tại trong không khí từ 1 giờ đến 6,5 ngày. Giới hạn trên là đủ thời gian để vận chuyển xuyên lục địa, có nghĩa là ngay cả những nơi như Nam Cực cũng có nguy cơ bị ô nhiễm mặc dù không có nguồn ô nhiễm trực tiếp.
“Nhựa cần một thời gian để phân hủy thành những mảnh nhỏ mà chúng ta thấy trong khí quyển” - Brahney nói - “Vì chúng ta không có phương tiện hữu hiệu để xử lý rác thải nhựa và vấn đề rất phức tạp, nên có thể nhiều loại nhựa sẽ xuất hiện trong môi trường và đồng thời qua đó là trong bầu khí quyển”.
Brahney nói: “Hít phải bất kỳ hạt nào cũng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe. Nhưng hiện tại, chúng tôi không biết liệu nhựa có gây hại nhiều hay ít hơn so với các bụi khí (aerosol) tự nhiên khác không”.