Hàng nghìn giáo viên vùng biên Thanh Hóa chờ lương mới

GD&TĐ - Lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2023, nhưng đến nay hàng nghìn giáo viên ở các huyện vùng cao biên giới tỉnh Thanh Hóa chưa được nhận lương mới.

Giờ ăn trưa của học sinh Trường PTDTBT - THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).
Giờ ăn trưa của học sinh Trường PTDTBT - THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Đến nay (hơn 4 tháng), hàng nghìn giáo viên ở các huyện vùng cao biên giới như Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh... tỉnh Thanh Hóa chưa được nhận lương mới. Học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú THCS cũng phải ăn theo chế độ lương cũ.

Giáo viên “ngóng” lương mới

Theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã hơn 4 tháng, cán bộ công chức, viên chức... ở nhiều huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được hưởng lương mới.

Cô Lê Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hóa) cho biết, đến thời điểm này, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường chưa được hưởng lương mới.

“Chúng tôi cũng mới chỉ nghe cấp trên thông tin rằng, để cân đối nguồn, sau đó mới cấp kinh phí về rồi thanh toán khoản tiền lương mới. Có thể, đến tháng 12 tới đây, chúng tôi mới được truy lĩnh khoản tiền lương mới, vì cấp trên đang phải cân đối nguồn”, cô Nga chia sẻ.

Không chỉ riêng huyện Lang Chánh, mà một số huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, Mường Lát... cũng chưa cấp lương mới cho công chức, viên chức...

Thầy Nguyễn Duy Thủy - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trung Lý, (Mường Lát, Thanh Hóa) cho biết, đến thời điểm này, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cũng chưa được nhận lương mới.

“Bên cạnh đó, từ khi tăng lương, học sinh bán trú cũng được hưởng chế độ ăn theo hệ số lương mới (40% lương cơ bản), nhưng hiện nay chưa được cấp, vì thế nhà trường phải nợ tiền của các đơn vị cung cấp thực phẩm cho các em”.

Cũng theo thầy Thủy, hiện nhà trường có 453 học sinh thuộc diện bán trú. Theo tiêu chuẩn lương cơ sở mới (1.800.000 đồng/tháng), thì mỗi học sinh được Nhà nước hỗ trợ 720.000 đồng/tháng để ăn bán trú (tức là 40% lương cơ sở - PV).

Như vậy, số tiền ăn bán trú mỗi tháng của học sinh nhà trường là hơn 326 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền bán trú cho học sinh trên địa bàn huyện được cấp theo học kỳ, nên các trường bán trú phải ký nợ với đơn vị cung ứng thực phẩm.

“Nếu khoản tiền hỗ trợ bán trú cho học sinh được cấp theo từng tháng, thì nhà trường đỡ vất vả hơn thay vì mỗi năm học cấp thành hai kỳ. Khoản tiền này đối với một trường có khoảng 300 - 400 học sinh thuộc diện bán trú, là khá lớn. Nếu 4 tháng mới cấp 1 lần, thì số tiền ấy lên khoảng hơn 1 tỷ đồng. Nhà trường cũng rất mong cấp trên xem xét có phương án cấp tiền bán trú cho học sinh theo từng tháng học”, thầy Thủy đề nghị.

Thầy Phạm Văn Kiên - Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) cho biết, nhà trường có 230 học sinh ăn bán trú. Mỗi tháng, một em được Nhà nước hỗ trợ 720.000 đồng. Như vậy, hơn 2 tháng qua, nhà trường đang phải ký nợ với đơn vị cung cấp thực phẩm hơn 300 triệu đồng.

“Cũng có thể do huyện đang cân đối nguồn ngân sách để cấp lương mới cho cán bộ công chức, viên chức và tiền hỗ trợ bán trú cho học sinh, nên đến nay chưa cấp về.

Đối với số tiền lương đã tăng, mà cán bộ, công chức, viên chức chưa được nhận, thì sẽ truy lĩnh thôi. Nhưng, đối với số tiền hỗ trợ học sinh bán trú mà cấp chậm vài tháng, thì nhà trường khá lo lắng, vì phải ký nợ với đơn vị cung ứng thực phẩm, với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Chúng tôi cũng rất mong các cơ quan chức năng liên quan sớm cấp số tiền ấy, để nhà trường chi trả cho đơn vị cung ứng thực phẩm nuôi ăn bán trú học sinh”, thầy Kiên chia sẻ.

Vì sao cấp chậm?

Trao đổi vấn đề này với Báo GD&TĐ, ông Quách Văn Hoan - Trưởng phòng Tài chính huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) cho biết, trong tháng 11 này huyện sẽ tiến hành cấp lương mới cho cán bộ công chức, viên chức... Lý do cấp chậm lương mới là phụ thuộc nguồn của tỉnh cấp về, bởi huyện không chủ động được nguồn.

“Nếu huyện nào cân đối và giữ lại được nguồn tiết kiệm hàng năm thì sẽ chủ động chi trả trước. Còn ở huyện Lang Chánh, do cân đối không đủ được, nên phải chờ một phần bổ sung của ngân sách tỉnh. Bởi lẽ, nguồn ngân sách tiết kiệm hàng năm của huyện vừa rồi phải chi trong đợt đại dịch Covid-19, nên dẫn đến không đủ nguồn, nên phải đề nghị tỉnh cấp về”, ông Hoan thông tin.

Theo lãnh đạo Phòng Tài chính huyện Quan Sơn, cuối tháng 9 vừa qua, Sở Tài chính mới có thông báo: “Về việc bổ sung có mục tiêu ngân sách năm 2023” cho huyện Quan Sơn. Do đó, huyện phải đối chiếu thực tế, bao gồm cả kinh phí để chi trả cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật... nên phải mất thời gian khoảng 1 tháng để hoàn tất công việc. Vì vậy, sang tháng 11, huyện tiến hành thực hiện cấp lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức... trên địa bàn.

Cũng theo lãnh đạo Phòng Tài chính huyện Quan Sơn, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành quyết định để cấp lương mới cho cán bộ công chức, viên chức... theo quy định tăng lương mới.

Theo đó, cán bộ công chức, viên chức... đang làm việc ở các cơ quan, đơn vị, trường học... mà hưởng lương ngân sách sẽ nhận lương mới trong tháng 11 này, đồng thời sẽ được truy lĩnh khoản lương mới của những tháng trước đó.

Còn ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho hay: Nguyên nhân huyện chậm cấp lương mới theo quy định là do tỉnh chưa cấp về.

“Việc chi trả lương mới thì huyện đang phải chờ tỉnh cấp về. Thậm chí cán bộ công chức, viên chức đang công tác trên địa bàn thị trấn Mường Lát còn chưa được nhận cả khoản phụ cấp biên giới (30%). Bởi lẽ, đây là tiền ngân sách, nên phải tuân thủ chi trả theo quy định”, ông Bình nói.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, trước đó, ngày 20/10/2023, ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát đã ký Quyết định số 1861/QĐ-UBND, về việc: “Phê duyệt giao bổ sung kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2023 theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện một số chế độ tăng thêm năm 2023”. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, mà mãi đến ngày 6/11 vừa qua, một số nhà trường mới nhận được quyết định?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.