“Tôi không thể biết được tương lai nhưng tình hình ở Trung Quốc dường như được kiểm soát tốt hơn” – Shenzhen nói với hãng tin Reuters – “Có rất nhiều điều không chắc chắn và tôi nghĩ rằng có nhiều sự hỗ trợ hơn từ gia đình, bạn bè ở Trung Quốc sẽ giúp cho thời kỳ này dễ dàng hơn”.
Trung Quốc có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất thế giới với 187.000 ca và hơn 3.000 ca tử vong nhưng giờ đây nước này dường như đã kiểm soát được dịch. Hầu hết các ca nhiễm mới tại Trung Quốc chủ yếu từ nước ngoài.
Khi các thành phố Trung Quốc mở rộng việc cách ly đối với người về từ nhiều quốc gia, SV Trung Quốc cũng đang cố gắng về nước khi số chuyến bay đang cắt giảm.
Theo số liệu của chính phủ, hơn 662.000 người Trung Quốc học ở nước ngoài năm 2018.
Vivian Yuan đã lập một nhóm chat trên WeChat để đưa ra lời khuyên cho những người về nước sau khi giúp một người bạn học ở London cố gắng tìm một chuyến bay tới Hong Kong với mức giá tăng từ 996 USD lên 9.960 USD.
Những chuyến bay trực tiếp đang được quảng cáo với giá cao gấp 3-4 lần giá bình thường.
Tính đến sáng nay (18/3), nhóm chat của Yuan có hơn 400 thành viên chia sẻ về những chính sách hàng không bị thay đổi nhanh chóng và trải nghiệm ở sân bay.
“Thật khó để mua một tấm vé. Bạn không thể tìm thấy những chuyến bay trực tiếp và có rất nhiều sự bất trắc” – Yuan nói – “Mọi người đang sợ hãi là điều dễ hiểu”.
Hành khách tới cảng hàng không và đường bộ của Trung Quốc đã giảm 80% so với năm ngoái từ tuần bắt đầu ngày 11/3 – các quan chức cho biết.
Tuy nhiên, hôm 15/3, hơn 2.000 người Trung Quốc đi từ trung tâm giao thông quốc tế của Hong Kong tới thành phố Thâm Quyến lân cận, tăng gấp 2 lần so với một tuần trước đó.
Theo một du số khách, cảnh tượng đã hỗn loạn, nhân viên làm việc quá tải để kiểm tra ở biên giới. Du khách phải xếp hàng 8 tiếng trước khi được đưa tới các khách sạn để cách ly.
HS năm cuối cấp tại một trường trung học tại Pháp có tên Wang Zihang nằm trong số những người trở về quê hương. Cậu cho biết thà bị cách ly ở Trung Quốc còn hơn ở lại Pháp.
“Tôi rất sợ ở đó” – Wang nói - “Đây không phải là vấn đề về hệ thống chăm sóc y tế hay kinh tế, vấn đề là đất nước đó quá nhỏ bé để đối phó với quá nhiều người ốm cùng lúc.”
Lựa chọn về hay ở lại
Jack Jiang là SV đã tốt nghiệp ngành kỹ sư và quản lý, anh mới được phép làm việc tại Mỹ thì dịch Covid-19 bắt đầu lây lan nhanh chóng tại đây.
Tuy nhiên, thay vì tìm việc tại Dallas, giờ đây anh đang được cách ly tại một khách sạn trên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Anh đã đặt 3 chuyến bay về nhà để phòng ngừa có chuyến bị hủy.
“Tôi không muốn trở về” – anh nói nhưng cho biết đây là điều an toàn nhất có thể làm – “Người Mỹ không coi virus corona là chuyện nghiêm trọng. Việc sống với tôi vẫn là quan trọng nhất”.
Tuy nhiên, một số SV khác đã chọn ở lại nước ngoài, trong đó có Elaine Liu. Cô đang học tại trường Wharton của ĐH Pennsylvania và cảm thấy ở lại sẽ an toàn hơn.
Các lớp của Liu đã chuyển sang học trực tuyến nhưng cô cho biết lo lắng khi bay về nhà với những người Trung Quốc khác có thể bị nhiễm Covid-19 mà chưa được kiểm tra tại Mỹ.
Tuy nhiên, Liu không biết có nhiều sự tự do hơn hay không nếu về Bắc Kinh và bị cách ly.
“Tại Philly, tôi không còn hoạt động ngoài trời và không có cơ hội gặp gỡ bạn bè… so với tình hình ở Trung Quốc đang rất tốt. Mọi người có thể ra ngoài tụ tập nếu đeo khẩu trang” – cô cho biết.
Yu Ding là một SV ở ĐH George Washington. Cô cũng quyết định ở lại Mỹ sau khi cân nhắc các rủi ro.
Cô cho rằng vì còn trẻ, cô ít có nguy cơ về sức khỏe nếu nhiễm virus trên. Ngoài ra, vé máy bay đắt đã khiến cô quyết định ở lại.
“Tôi sẽ tốt nghiệp trong 2 tháng và tìm việc làm, thực sự không còn thời gian để lãng phí trên các chuyến bay quốc tế và ở khu vực cách ly” – Yu Ding nói.