Thế nhưng nhiều người vẫn cam chịu không dám đi can thiệp, nhổ răng vì sợ ảnh hưởng dây thần kinh.
Bên lề Hội nghị khoa học và triển lãm răng hàm mặt quốc tế diễn ra tại Hà Nội trong 3 ngày ngày 25-27/8, GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc bệnh viện (BV) Răng hàm mặt Trung ương cho biết, tỉ lệ người dân đến khám vì rắc rối do răng khôn gây ra rất phổ biến.
Ngày nào tại viện cũng có vài ca “ôm má” đến khám vì những đau đớn do răng khôn số 8 gây ra.
Theo GS Hải, răng khôn hay răng số 8 mọc sau cùng trong độ tuổi 18-30. Khoảng cách giữa răng số 7 và cạnh trong cùng của xương hàm sẽ quyết định răng khôn mọc như thế nào.
Nếu còn chỗ, chiếc răng này sẽ mọc thẳng bình thường, ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng nếu thiếu chỗ răng sẽ không mọc hoặc mọc lệch và đây là căn nguyên gây nên những rắc rối, biến chứng của răng khôn số 8.
Việc răng khôn mọc lệch, mọc xiên không chỉ khiến người bệnh đau đớn, mà tạo điều kiện để thức ăn rắt vào răng xung quanh khu vực này, rất dễ vệ sinh, lấy sạch thực ăn.
Vì thế, nhiều người có răng khôn mọc lệch bị sâu răng. Đây cũng là tiền đề cho bệnh nha chu phát triển, làm cho mô nâng đỡ răng bị tổn thương.
Đại đa số trường hợp răng khôn mọc lệch sẽ bị đau, viêm lợi, viêm quanh chân răng, sâu cổ răng nhưng cũng khá nhiều trường hợp biến chứng nặng hơn gây viêm tấy tỏa lan, dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí có trường hợp tử vong vì nhiễm trùng huyết tử ổ viêm của răng khôn.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mọc răng khôn cũng phải nhổ, việc này cần được bác sĩ chỉ định, tránh biến chứng có thể xảy ra.
Tại Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, nhiều kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực răng hàm mặt cũng được cập nhật. Các kỹ thuật cấy ghép nha khoa, vi phẫu thuật ghép xương hàm và ghép tái tạo một phần khuôn mặt, nắn chỉnh răng, phẫu thuật chỉnh hình xương mặt hàm, phẫu thuật tạo hình nha chu, dự phòng nha khoa... sẽ được trình bày lần lượt tại hội nghị.
Theo GS Hải, thời gian qua, ngành răng hàm mặt Việt Nam đã cập nhật nhiều kỹ thuật hiện đại. Tiêu biểu nhất là kỹ thuật ghép xương hàm, tái tạo khuôn mặt đối với bệnh nhân ung thư xương hàm hoặc bị bệnh lý phải cắt bỏ xương hàm.
Hơn 500 người bệnh đã được ghép xương hàm, nhờ đó nhiều gia đình không phải đưa bệnh nhân ra nước ngoài chữa trị như trước đây.
Các bác sĩ dùng một đoạn xương mác ở cẳng chân, ghép vào chỗ xương hàm bị cắt, sau đó nối động mạch và tĩnh mạch, tái tạo lại xương hàm như cũ.