Hàng loạt kịch bản phòng chống dịch Covid-19 tại 19 địa phương giãn cách xã hội

GD&TĐ - Thay đổi chiến lược xét nghiệm; Chia 3 tầng điều trị, hình thành các trung tâm điều bệnh nhân nặng nguy kịch; Đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công văn về việc thực hiện giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phố phí Nam theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 19/7/2021.

Gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Thay đổi chiến lược xét nghiệm

Thông tin trên báo chí về phòng chống dịch tại các tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đợt này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngành y tế đã đưa ra tất cả các chỉ đạo, kịch bản cho việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh vấn đề về xét nghiệm với người bệnh cũng như để phát hiện sớm các ca bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải tăng công suất xét nghiệm, thay đổi chiến lược xét nghiệm sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để có thể tầm soát phát hiện những trường hợp lây nhiễm Covid-19 ở cộng đồng để tách ra ngay khỏi cộng đồng để giảm lây nhiễm tại cộng đồng.

Chia 3 tầng điều trị, hình thành các trung tâm điều bệnh nhân nặng nguy kịch

Về điều trị, Bộ Y tế chia 3 tầng điều trị, với bệnh nhân không có triệu chứng được điều trị tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ban đầu, những đòi hỏi về mặt y tế ở mức độ trung bình.

Với các bệnh nhân có triệu chứng và có thể tiến triển thành bệnh nhân nặng thì điều trị các cơ sở y tế, các cơ sở này từ bệnh tuyến huyện trở lên.

Với bệnh nhân nặng, nguy kịch, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các địa phương thành lập đơn nguyên hay trung tâm hồi sức tích cực để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng.

Song song với việc đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tại các khu vực hình thành các trung tâm điều bệnh nhân nặng nguy kịch để có thể thực hiện tất cả các biện pháp chuyên môn kỹ thuật điều trị, cấp cứu bệnh nhân.

Thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở

Về bảo đảm vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã chuẩn bị tích vực về trang thiết bị. Trong ngày hôm nay, Bộ Y tế đã thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Nguồn: TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Nguồn: TTXVN.

Bộ Y tế đã giao bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh có nhiệm vụ cấp phát trang thiết bị, vật tư tiêu hao cũng như các địa phương.

Song song đó, Bộ Y tế cũng đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở chức năng cao cũng như máy thở thông thường cho kho dự trữ này. Mặt khác đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị cho phòng chống dịch.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang tích cực huy động các nguồn lực, vận động các nhà tài trợ để có thể đảm bảo trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch khu vực này. Đồng thời các địa phương đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, đã chuẩn bị trang thiết bị thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế sẽ đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch tại đây cũng như các địa phương khác trên toàn quốc.

Không tụ tập quá 2 người ngoài bệnh viện, công sở,... các cơ sở y tế hoạt động 100% công suất

Về việc thực hiện Chỉ thị 16, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo, một trong những nguyên tắc cơ bản của Chỉ thị 16 là người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố, xã cách ly với xã, cũng như huyện cách ly với huyện.

Theo đó, với người dân là ở tại nhà, chỉ khi thật sự cần thiết mới ra khỏi nhà, hạn chế mọi sự tiếp xúc của mình với người ngoài xã hội, không tụ tập đông người và theo chỉ thị 16 là không quá 2 người tại các khu ngoài công sở, bệnh viện, trường học.

Với tất cả các cơ sở chuyển sang trạng thái làm việc online hoặc có biện pháp giãn cách để làm sao đảm bảo tất cả các biện pháp phòng chống dịch.

Bộ trưởng thông tin thêm, Chỉ thị 16 cũng nhấn mạnh, đối với các cơ sở như cơ sở y tế hoạt động 100% công suất. Bộ Y tế cũng đã đề nghị, yêu cầu các địa phương phải triển khai phương án này.

Hơn 4.400 nhân viên y tế cả nước hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính tới ngày 17/7, đã có 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế cả nước hỗ trợ thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên.

Bên cạnh đó, hơn 30 lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Trường trực thuộc Bộ Y tế đã được điều động bổ sung cho Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp hỗ trợ thành phố Thủ Đức và tất cả các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động chống dịch.

Bộ Y tế đang duy trì hoạt động của 7 đoàn công tác hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Các tỉnh này còn nhận được sự chi viện từ các bệnh viện tuyến trung ương và Sở Y tế các địa phương.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông báo sẽ huy động 10.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch tại các tỉnh, thành phố miền Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khu vực trung tâm TP Vĩnh Yên.

Giá đất mới của Vĩnh Phúc tăng mạnh

GD&TĐ - Bảng giá đất mới do UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành có hiệu lực từ ngày 20/1/2025, tăng mạnh và dự kiến sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản.