Hàng loạt giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc

GD&TĐ - Bộ Y tế vừa thông tin về những giải pháp đồng bộ tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế

Hàng loạt giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc

Cụ thể hơn, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cục bộ tại một số cơ sở y tế công lập đã được phản ánh, do đó Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi số 15/2023/QH15, trong đó có nhiều nội dung liên quan tới đổi mới cơ chế tài chính khắc phục những hạn chế, bất cập của các cơ sở y tế thời gian qua, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15, cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong giai đoạn từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024. Nhờ vậy, ngay trong tháng 2/2023, Bộ Y tế đã gia hạn giấy phép lưu hành của gần 10.000 thuốc, đảm bảo nguồn cung, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung ứng thuốc trên thị trường.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 05/9/2022, Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25/02/2023 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời Lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để quán triệt, tìm giải pháp khắc phục nhanh nhất tình trạng trên.

Đầu tháng 3/2023, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 3/3/2023 và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023.

Bệnh viện Việt Đức đã hoạt động bình thường trở lại. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Việt Đức đã hoạt động bình thường trở lại. Ảnh: BVCC.

Bộ Y tế cũng đã sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm tháo gỡ những quy định bất cập trong mua sắm, đấu thầu như ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BYT ngày 6/12/2022; theo đó đã bãi bỏ khoản 3, Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT về tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đó khi lập dự toán giá gói thầu.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 06/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, các cơ chế chính sách.

Bên cạnh những giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ Y tế đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược;

Được biết, sau khi được gỡ vướng những “nút thắt” về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, nhiều bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường.

Theo GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, sau 02 tuần gián đoạn các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên ca cấp cứu do thiếu vật tư, hóa chất, thì ở thời điểm hiện tại, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã mổ trở lại như bình thường.

Trong khi đó, PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành rất sát với những khó khăn mà các bệnh viện đang gặp phải, giải quyết được những vấn đề cấp bách trong bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

cách điều trị Bệnh thận tiết niệu được khuyến cáo