Hang Kia - Pà Cò: Đi qua những 'ngày u ám'

GD&TĐ - Hang Kia - Pà Cò những năm trước đây là điểm nóng về ma tuý, vùng đất của những 'ông trùm' gieo rắc 'cái chết trắng'.

Xã Hang Kia nhìn từ trên cao.
Xã Hang Kia nhìn từ trên cao.

Hang Kia - Pà Cò những năm trước đây là điểm nóng về ma tuý, vùng đất của những “ông trùm” gieo rắc “cái chết trắng”. Nay vùng đất này không còn những ngày u ám vì ma túy, đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay.

“Điểm nóng” ma túy đã đổi thay

Hang Kia - Pà Cò là hai xã cạnh nhau, cách trung tâm huyện Mai Châu chừng 40 km, giáp ranh với xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La). Quãng đường từ huyện lỵ Mai Châu vào tới hai xã này hiện vẫn là đường độc đạo và đèo dốc cao.

Theo lời ông Khạ A Hờ (69 tuổi, người có uy tín ở xóm Thung Ằng, xã Hang Kia) thì khu vực này vốn là nơi người Thái sinh sống. Hang Kia, theo tiếng Thái là “Hang Dơi”, còn Pà Cò có nghĩa là “Rừng Dê”.

Sau đó, do không phù hợp địa hình phức tạp, núi cao, người Thái dời đi và nơi đây dần trở thành một trong những “đại bản doanh” của đồng bào dân tộc Mông từ những năm 50 của thế kỷ trước...

Hang Kia - Pà Cò vào mùa này vẫn thường xuất hiện những cơn gió mạnh mang theo hơi lạnh thấu xương dễ khiến những người lần đầu đến đây chưa quen khí hậu phải rùng mình. Nhiệt độ nơi đây đặc biệt xuống thấp vào buổi đêm kèm theo sương muối nên cứ khi Mặt trời xuống núi cũng là lúc những gian bếp bên trong những ngôi nhà của đồng bào người Mông đỏ lửa.

Nhắc đến sự đổi thay của Hang Kia - Pà Cò, ông Khạ A Hờ không giấu được sự tự hào. Ông bảo, người Mông bây giờ không chỉ biết trồng ngô, trồng lúa trên nương, trên rẫy nữa mà còn biết cả làm du lịch, biết “lấy tiền” của người miền xuôi và người nước ngoài để phục vụ cuộc sống.

Nhờ chủ trương của Nhà nước về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 mà nhiều chính sách được triển khai. Không những thế, Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp bà con được đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm phục vụ dân sinh được xây dựng rất khang trang, hiện đại. Điều này cũng là một điểm để ông Hờ tự hào khi nói về quê hương

Đến vùng đất thâm sơn vào những ngày này, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh đường sá khang trang, sạch đẹp, nhà cửa kiên cố mọc san sát và những homestay độc đáo sẵn sàng chào đón khách du lịch. Ở sân vận động nằm giữa trung tâm xã, cứ mỗi độ chiều về, đám trẻ con lại tụ tập đánh quay và cười đùa vang trời.

Chứng kiến cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc Mông tại nơi đây, ít ai biết được rằng cách đây chừng hơn 10 năm, hai xã này là điểm nóng về ma tuý, là hang ổ của những “ông trùm” gieo rắc “cái chết trắng”. Đó là thời điểm những năm 2010 nổi lên với nhiều đối tượng buôn ma túy khét tiếng.

Ông Khạ A Hờ, người có uy tín ở xóm Thung Ằng, xã Hang Kia

Ông Khạ A Hờ, người có uy tín ở xóm Thung Ằng, xã Hang Kia

Với gần 99% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, Hang Kia đã tạo thành một cộng đồng lớn mạnh, sinh sống gần như biệt lập. Chính vì đặc trưng cả bản có những mối quan hệ dòng tộc nên đây là cơ hội để các đối tượng buôn ma túy ẩn náu, trốn tránh cơ quan chức năng.

Sau nhiều năm đấu tranh, tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân, đến nay tình hình tội phạm ma túy tại Hang Kia đã “hạ nhiệt” rõ rệt. Người dân chủ động thông tin với chính quyền để đưa người nghiện ma túy đi cai bắt buộc.

Các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm bị lực lượng trinh sát vây bắt thành công. Sau 10 năm miệt mài, kiên trì đấu tranh với tội phạm, cuối tháng 7/2022, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an ký quyết định về việc đưa Hang Kia, Pà Cò ra khỏi danh sách xã phức tạp về an ninh, trật tự.

Pà Cò, Hang Kia ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với trước kia.

Pà Cò, Hang Kia ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với trước kia.

Nỗi đau vẫn còn hiện hữu

So với những năm trước kia, điểm nóng Hang Kia - Pà Cò đã “nguội” đi rất nhiều. Tuy nhiên, ở đâu đó trong mỗi thôn bản, nỗi đau liên quan đến ma túy dường như vẫn còn hiện hữu. Đó là cảnh người đầu bạc tiễn người đầu xanh và cảnh những người phụ nữ đơn thân phải một mình nuôi con vì chồng đang phải thụ án tù do liên quan đến ma túy.

Đó là hoàn cảnh của chị Giàng Y P. (26 tuổi, trú tại xóm Thung Ằng, xã Hang Kia). Ở Thung Ằng, chị P. là một người phụ nữ trẻ, đẹp nhưng hoàn cảnh rất éo le. Hiện người phụ nữ này đang phải một mình nuôi nấng hai đứa con nhỏ tuổi ăn học.

Chị P. có chồng là Khà A Đ. (26 tuổi) hiện đang thụ án về tội mua bán ma túy. Cũng giống như đa số những người phụ nữ dân tộc Mông sinh sống tại xóm Thung Ằng, chị P. và anh Đ. kết hôn từ khá sớm. Sau khi có hai đứa con trai, do cuộc sống khó khăn nên anh Đ. báo với vợ sẽ sang Sơn La để làm ăn.

Trong thời gian này, chị P. ở nhà chăm con, làm nương, rẫy và thêu thùa để kiếm thêm thu nhập. Bẵng đi một thời gian không thấy chồng về nhà, gọi điện không liên lạc được, chị P. mới biết chồng đã bị bắt vì mua bán ma túy.

Chị Giàng Y P. hiện đang một mình nuôi 2 người con khi chồng đang thụ án vì ma túy.

Chị Giàng Y P. hiện đang một mình nuôi 2 người con khi chồng đang thụ án vì ma túy.

“Em cũng không biết chồng bị tuyên bao nhiêu năm tù nhưng chỉ nhớ chồng đi được 5 năm rồi”, chị P. chia sẻ. Những năm đầu chồng thụ án, chị P. vẫn thường xuyên đến thăm nom và một mình cáng đáng mọi việc trong nhà, khó khăn quá thì phải cậy nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm. Hơn một năm qua, do không có tiền nên chị chưa đi thăm nên chưa biết tình hình của chồng ra sao.

Tại xã Pà Cò, bà Sùng Y S. (52 tuổi) là một người cũng chịu nỗi đau do ma túy để lại. Bà S. hiện đang sinh sống cùng người con trai là Phằng A P. (28 tuổi) tại một căn nhà nằm ngay mặt đường lớn trải bê tông của xã Pà Cò. Bà S. không nói được tiếng Kinh nên câu chuyện về gia đình bà được tôi ghi nhận lại qua lời kể của người con trai.

Trong trí nhớ của P. thì bố anh là ông Phằng A L. (SN 1965) là một người đàn ông nghiện ngập. Năm anh P. tròn 16 tuổi (năm 2011) thì ông L. bị bắt vì tội buôn bán ma túy. Với số lượng ma túy lớn, ông L. phải nhận mức án cao nhất. Đến năm 2015, ông L. bị thi hành án.

Sau khi người bố qua đời, anh P. phải thay bố cùng gánh vác công việc gia đình với người mẹ khốn khổ. Cũng chính vì phải bươn trải cuộc sống từ sớm nên anh P. nom già hơn cái tuổi 28 rất nhiều.

Ở xã Pà Cò, trong khi nhiều người ở độ tuổi của anh đã sắp lên chức ông thì nam thanh niên này vẫn còn độc thân. Trong cuộc trò chuyện với tôi, anh P. chia sẻ rằng do bản thân chưa tìm được người ưng ý nhưng người thân của anh lại bảo rằng, anh chưa lấy vợ vì mặc cảm việc bố mang án tử vì ma túy.

Nằm phía cuối con đường đất gần UBND xã Pà Cò là căn nhà của gia đình bà Sùng Y D. (không nhớ tuổi). Cũng giống như bà S., bà D. cũng có chồng bị kết án tử hình vì ma túy.

Ông Phằng A Ph. (chồng bà D.) bị cơ quan chức năng thi hành án vào năm 2020. Việc ông Ph. bị bắt và tuyên án tử hình vì ma túy thời điểm đó vẫn được người dân ở xã Pà Cò bàn tán xôn xao vì trong cuộc sống hàng ngày, ông Ph. được đánh giá là người chăm chỉ làm ăn.

Nhớ lại những ngày tháng khi người bố bị bắt rồi bị đưa ra xét xử và thi hành án, anh Phằng A Q. không giấu nổi sự xúc động. Anh Q. kể, sau khi bố bị bắt, một mình mẹ anh phải cáng đáng tất cả công việc trong nhà và đi làm thuê làm mướn đủ nghề để nuôi 4 người con ăn học. Vất vả là thế nhưng bà D. vẫn lo được cho các con học được hết lớp 9.

Trẻ em ở Pà Cò chơi quay tại sân vận động.

Trẻ em ở Pà Cò chơi quay tại sân vận động.

Những đứa trẻ ở xã Pà Cò đều được chăm lo về giáo dục.

Những đứa trẻ ở xã Pà Cò đều được chăm lo về giáo dục.

Niềm hy vọng từ giáo dục khởi sắc

Nhằm phát triển hệ thống giáo dục đào tạo, thực hiện xóa mù và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua, huyện Mai Châu đã tăng cường chỉ đạo các trường học nằm trên địa bàn hai xã Hang Kia, Pà Cò triển khai thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số học sinh, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Các trường đã tích cực chỉ đạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, nội dung vừa sức và tích hợp được các nội dung bảo vệ môi trường, kĩ năng sống cho học sinh; tăng cường dạy tiếng Việt ở tất cả các môn học, thực hiện đảm bảo nội dung bồi dưỡng thường xuyên; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa phòng học, các hạng mục phụ trợ, trang thiết bị để hỗ trợ các hoạt động dạy và học tại hầu hết các trường.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, huy động và duy trì số lượng học sinh, học viên ra lớp được chỉ đạo quyết liệt, đạt tỷ lệ cao. Tới nay, tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp đạt 100%; học sinh tiểu học đạt 100%; học sinh THCS đạt 98%.

Thiếu nữ người Mông vẽ tranh sáp ong.

Thiếu nữ người Mông vẽ tranh sáp ong.

Số người trong độ tuổi 15 - 60 mù chữ xã Pà Cò mức 1 đã giảm xuống nhiều nhờ những sự tác động tích cực của chính quyền và công tác phối hợp liên ngành Giáo dục - Y tế - Văn hóa.

Ngành Giáo dục đã có giải pháp hỗ trợ giáo viên về chuyên môn, hỗ trợ học viên về tài liệu, vở ghi và thường xuyên thăm hỏi, động viên các thầy giáo, cô giáo và học viên cố gắng, nỗ lực duy trì lớp học xóa mù chữ cả trong những tháng hè với tinh thần: “Bố mẹ học chữ sẽ không để con mù chữ”.

Nhà nước quan tâm, đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình trường, lớp học, trang thiết bị để hỗ trợ các hoạt động dạy và học, các hoạt động đào tạo nghề, hướng nghiệp được đẩy mạnh. Công tác đào tạo bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ, công chức hai xã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong công tác cán bộ với nhiều chính sách đặc thù.

Mục tiêu triển khai Tiểu dự án 1 Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được xác định là "Củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xoá mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xoá mù chữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.