Hàn Quốc: Sống chung với nạn học thêm

GD&TĐ - Trung Quốc hiện đang ban hành lệnh cấm dạy thêm tư nhân. Trước đó, trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc cũng nỗ lực kiểm soát hoạt động này nhưng chưa thành công.

Học thêm tại Hàn Quốc rất phổ biến.
Học thêm tại Hàn Quốc rất phổ biến.

Nếu muốn đánh giá tầm quan trọng của giáo dục trong xã hội Hàn Quốc, du khách có thể đến thăm quận Daechi-dong, phía Đông Nam thủ đô Seoul. Khu vực này có hàng trăm trung tâm dạy thêm tư nhân cho học sinh phổ thông ở các môn như Toán, Tiếng Anh. Đây cũng là nơi thể hiện rõ ràng nhất cơn sốt học thêm tại xứ sở kim chi.

Kết quả khảo sát của Cục Thống kê Hàn Quốc vào năm 2019 cho thấy, 3/4 học sinh phổ thông đăng ký học thêm tư nhân. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi tiêu trung bình cho giáo dục tư nhân cho trẻ em Hàn Quốc cao hơn tất cả quốc gia châu Á.

Các trung tâm dạy thêm ở Hàn Quốc, còn gọi là hagwon, được thành lập lần đầu tiên vào năm 1885 bởi nhà truyền giáo người Mỹ Henry Appenzeller. Che giấu dưới vỏ bọc truyền giáo, người này đã tổ chức dạy tiếng Anh cho công dân Hàn Quốc.

Năm 1980, cựu Tổng thống Chun Doo-hwan đã cấm tổ chức dạy thêm ngoài giờ học. Mục tiêu của ông giống với Trung Quốc hiện nay, là xây dựng môi trường giáo dục công bằng, giảm áp lực tài chính của phụ huynh.

Ý tưởng bình đẳng giáo dục nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo người dân cả nước. Cùng năm, chính phủ triển khai ý tưởng đồng phục trong trường học để xóa bỏ sự phân biệt giai cấp.

Lệnh cấm kéo dài khoảng 10 năm, đến khi sinh viên đại học được phép làm thêm gia sư. Chính phủ cũng cấp phép cho một số tổ chức giáo dục tư nhân. Nhưng việc dạy thêm vẫn được coi là vi phạm pháp luật.

Trong những năm 1990, chính phủ thường xuyên truy quét, xử lý nặng giáo viên cố ý dạy thêm. Một số người đã phải ngồi tù.

Tuy nhiên, kế hoạch của chính phủ không thành công vì tầng lớp giàu có liên tục tìm cách lách luật. Năm 1998, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Seoul, cơ sở giáo dục đại học hàng đầu cả nước, bị buộc từ chức vì mở lớp dạy thêm cho con gái.

Đến đầu những năm 2000, tòa án Hàn Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm dạy thêm sau khi phán quyết rằng lệnh này vi phạm quyền giáo dục cá nhân.

Dù vậy, chính phủ không cho phép các trung tâm dạy thêm thu học phí quá cao. Khoảng 10 năm trước, cựu Tổng thống Lee Myung-bak ra quy định các trung tâm dạy thêm không được mở cửa sau 10 giờ tối để học sinh được ngủ đủ giấc.

Vào thời điểm hiện tại, Tổng thống Moon Jae-in cũng đưa ra nhiều quy định với các trường tư thục chất lượng cao, trung tâm dạy thêm tư nhân. Những cơ sở đào tạo thu học phí cao hơn 830 USD (khoảng 19 triệu đồng)/tháng sẽ phải đóng cửa.

Đến năm 2020, Hàn Quốc có hơn 73.000 cơ sở dạy thêm. Khoảng 50% trong số này tọa lạc tại thủ đô Seoul với banner, áp phích nổi bật giữa cảnh quan đô thị. Điều này cũng đẩy giá bất động sản tại các khu vực có nhiều trung tâm dạy thêm tăng cao.

Các chuyên gia giáo dục tại Hàn Quốc thừa nhận lệnh cấm dạy thêm không phải cách giải quyết tốt nhất cho tình trạng này. Người dân Hàn Quốc đã, đang và sẽ bỏ ra các khoản tiền lớn cho việc học tập của con cái.

Dù nhiều học sinh châu Á có thành tích tốt hơn học sinh châu Âu trong các bài kiểm tra quốc tế, nhiều học sinh Hàn Quốc phải chịu áp lực rất lớn.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều trung tâm phải đóng cửa nhưng đây chỉ là tạm thời. Các trung tâm sẽ lại ồ ạt mọc ra khi đất nước bước vào trạng thái bình thường mới.

Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ