Trong một thông cáo báo chí, Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng và giao thông vận tải Hàn Quốc nhấn mạnh rằng, hiện đang xuất hiện nhiều lo ngại về việc Google phát hành các bản đồ nước này trên mạng có thể làm gia tăng các mối đe dọa an ninh trong giai đoạn đối đầu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Luật về an ninh quốc gia hiện hành của Hàn Quốc đã cấm Google lưu hành các bản đồ do chính phủ cung cấp vì điều đó có thể giúp cho đối phương định vị chính xác các cơ sở quân sự nhạy cảm của nước này.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 kết thúc với lệnh ngừng bắn mà không đạt được hiệp ước hòa bình. Vì vậy, trên lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Hiện Google đang mở dịch vụ bản đồ điện tử toàn cầu vừa cung cấp các dữ liệu bản đồ của các nước. Dịch vụ Google Maps có mặt tại Hàn Quốc từ 2008, tuy nhiên đó là một phiên bản bị giới hạn nhiều dịch vụ.
Chính quyền Seoul cũng gợi ý rằng, Google nên làm mờ đi trên bản đồ những vị trí nhạy cảm của nước này như các nhà máy điện, cơ sở quân sự và nhà công vụ. Tuy nhiên, Google đã từ chối đề nghị này.
Về phần mình, Google cho rằng luật pháp Hàn Quốc đã quá "lỗi thời" và đang ngăn cản một cách vô lý việc cung cấp toàn bộ các dịch vụ của Google như các tuyến đường, các thông tin về vận tải công cộng và các hình ảnh vệ tinh.
Bảo vệ cho quan điểm này, Goolge nói rằng, hiện công ty này đang cung cấp đầy đủ tất cả các dịch vụ có liên quan đến Triều Tiên, một quốc gia được xem là "khép kín" nhất thế giới, bao gồm cả tuyến đường giữa Bình Nhưỡng và cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Cũng giống Trung Quốc và Nga, Hàn Quốc là một trong số ít nước không xem Google như công cụ tìm kiếm hàng đầu tại đất nước mình.
Naver - công cụ tìm kiếm số một tại Hàn Quốc hiện cũng chỉ được sử dụng các bản đồ do chính phủ cung cấp vừa làm mờ đi những địa điểm "nhạy cảm".