2 năng lực khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn
Kết quả điều tra cho thấy, sinh viên gặp khó khăn, lúng túng nhiều nhất ở hai năng lực, đó là năng lực giải toán và năng lực khai thác những khó khăn, những sai lầm khi giải toán để rèn luyện và nâng cao khả năng bài toán cho học sinh.
Nguyên nhân chính của việc năng lực dạy học giải toán của sinh viên còn hạn chế chủ yếu là di bản thân sinh viên chưa có phương pháp học tập và rèn luyện; các năng lực dạy học giải toán một cách hợp lý và khoa học và do thời gian dành cho hoạt động phát triển năng lực dạy học giải toán còn ít.
Một số nguyên nhân khác có thể kể đến là: Bản thân sinh viên chưa say mê với môn học; chưa được cung cấp đầy đủ các tài liệu chuyên môn có uy tín về vấn đề phát triển năng lực dạy học giải toán ở tiểu học;
Bản thân sinh viên chưa nắm vững các phương pháp, kiến thức của toán học nói chung và toán tiểu học nói riêng; chưa đầu tư đúng mức cho việc tự học, tự rèn luyện.
Cũng phải nói đến việc, chương trình đào tạo ngành Giáo dục tiểu học có nhiều học phần, chiếm nhiều thời gian nên sinh viên không đủ thời gian đầu tư cho việc thực hành toán; sinh viên cũng chưa có cơ hội được trực tiếp dạy học giải toán cho đối tượng là học sinh thật nên chưa phát triển được năng lực.
Những năng lực cần hình thành cho sinh viên ngành Giáo dục tiểu học
Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về năng lực dạy học giải toán ở tiểu học, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Thoa và giảng viên Nguyễn Minh Quân xác định những năng lực cần phát triển cho giáo viên tiểu học khi dạy học giải toán ở tiểu học.
Những năng lực cụ thể gồm: Năng lực nắm vững tri thức toán học, lí luận và phương pháp dạy học môn Toán; năng lực giải toán; năng lực tổ chức, giám sát hoạt động giải toán của học sinh; năng lực định hướng, điều chỉnh hoạt động nhận thức của học sinh;
Năng lực lựa chọn và sử dụng các phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với nội dung dạy học, trình độ và điều kiện học tập của học sinh;
Năng lực phối hợp các loại suy luận, tư duy trong hoạt động tìm tòi, phát hiện các tri thức toán học;
Năng lực hiểu biết toán học, vận dụng các tri thức toán học vào việc giải thích tình huống trực tiếp, giải quyết các bài toán thực tiễn;
Năng lực khai thác những khó khăn, những sai lầm khi giải toán để rèn luyện và nâng cao khả năng giải toán cho học sinh; năng lực tổ chức quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Toán của học sinh.
Việc phát triển năng lực dạy học giải toán cho sinh viên ngành Giáo dục tiểu học nếu được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ với phương pháp khoa học và phù hợp sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tiểu học trình độ ĐH cho các trường sư phạm.
Đồng thời, góp phần hoàn thiện nhân cách và phẩm chất, năng lực của giáo viên tiểu học tương lai, tạo tiền đề cho việc giảng dạy môn Toán ở tiểu học đạt kết quả cao nhất; rèn luyện cho người giáo viên tiểu học tương lai những phẩm chất cần thiết cho người lao động mới có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu xã hội..