Ảnh minh hoạ |
Thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm không chỉ tập trung ở thành thị mà đã phát triển ở hầu hết các địa bàn nông thôn trong cả nước; loại ma túy thẩm lậu vào nước ta chủ yếu là heroin, các loại ma túy tổng hợp và các loại chất gây nghiện. Nhiều vụ ma túy được phát hiện, bắt giữ với số lượng ma túy lớn, nhiều đối tượng.
Liên tiếp chỉ trong một tuần, tại TPHCM, các lực lượng chức năng đã triệt phá 2 vụ ma túy với số lượng cực lớn. Chuyên án thứ nhất do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, triệt phá giai đoạn 3 của chuyên án, thu giữ gần 300kg ma túy tổng hợp dạng “đá” vào ngày 19/3. Tiếp đó, ngày 27/3, Công an TPHCM tiếp tục triệt phá một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy “khủng” khác, thu giữ 895 bánh heroin.
Hai vụ bắt giữ ma tuý lớn ở TPHCM đều do các đối tượng nước ngoài cầm đầu và nguồn ma túy đều là từ vùng Tam Giác Vàng vận chuyển tới. Các vụ việc dấy lên hồi chuông về việc Việt Nam và TPHCM trở thành trung tâm trung chuyển của ma túy từ Tam giác vàng.
Không những thế, theo Bộ Công an, hiện nước ta có khoảng hơn 224.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý. Trên thực tế con số này còn lớn hơn nhiều, nhưng mới có khoảng 10% số người nghiện ma tuý được đưa vào các cơ sở cai nghiện ma tuý tập trung.
Người nghiện gia tăng, tạo ra nhu cầu sử dụng ma tuý rất lớn, càng kích thích số đối tượng mua bán, vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào nước ta. Tệ nạn ma túy cũng là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng; trở thành hiểm họa lớn, đe dọa giống nòi, gây mất ổn định chính trị - xã hội… Gần đây là hiện tượng “ngáo đá” gây lo lắng cho xã hội.
Hay mới đây, trong vụ trọng án sát hại nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên xảy ra tại tỉnh Ðiện Biên dịp Tết vừa qua, cả 9 đối tượng liên quan bị Công an tỉnh Ðiện Biên bắt giữ đều là đối tượng sử dụng ma túy, có đối tượng đã nghiện lâu năm...
Hiện nay, công tác phòng chống ma tuý tồn tại một số hạn chế như: Lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy còn mỏng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ cơ sở chưa đồng đều, trang thiết bị được trang bị còn hạn chế; đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật về phòng, chống ma túy…
Bên cạnh đó là sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan, Bộ ngành trong công tác phòng, chống ma tuý. Trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy có 4 lực lượng là: Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan. Công tác cai nghiện có 3 Bộ, ngành cùng tham gia là: Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế với những chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Khi người nghiện ma túy gia tăng, tội phạm ma túy gia tăng và diễn biến phức tạp không biết quy trách nhiệm cho cơ quan, lực lượng nào.
Đổi mới phân công quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy
Theo Bộ Công an, ma túy ở nước ta chủ yếu được đưa từ nước ngoài vào nhưng việc phối hợp phòng, chống ma túy ở biên giới giữa Công an, Hải quan và Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tuy đã tốt hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trung bình mỗi năm nước ta các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ gần 20.000 vụ và hơn 25.000 đối tượng phạm tội về ma túy. Hoạt động kiểm soát ma túy qua biên giới còn nhiều khó khăn, hạn chế do biên giới dài, hiểm trở, lực lượng Hải quan chuyên trách chống ma túy rất mỏng. Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển hiện phải kiểm soát ma tuý trên hơn 8.000 km biên giới và 1 triệu km2 hải phận nhưng lực lượng chống ma túy chuyên trách còn mỏng, nên việc phát động nhân dân tham gia và tổ chức phòng, chống ma túy ở địa bàn biên giới và trên biển còn rất hạn chế. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an là lực lượng chủ công trong phòng, chống tội phạm ma túy nhưng hiện nay chưa được bố trí tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, trên biển.
Trong công tác cai nghiện, trên thực tế, nhiều địa phương, chính quyền đã có những cách làm khác nhau trong việc quản lý các Trung tâm cai nghiện như phần lớn các địa phương giao việc quản lý các cơ sở chữa bệnh cho người nghiện ma tuý cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; Sơn La thành lập Trung tâm cai nghiện Mường Và, giao Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý; Bộ đội Biên phòng Nghệ An thành lập Trung tâm cai nghiện ma túy Kỳ Sơn; TPHCM thành lập nhiều Trung tâm cai nghiện giao cho Thanh niên xung phong trực tiếp quản lý...
Đáng chú ý, một thực trạng đáng báo động khác đang nổi lên là vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong các Trung tâm cai nghiện. Tại nhiều Trung tâm cai nghiện đã xảy ra những vụ gây rối, trốn trại tập thể quy mô lớn có hàng chục, hàng trăm người nghiện gây ra như ở TPHCM, Bắc Giang, Bình Phước, Cần Thơ... Đây là "lỗ hổng” lớn trong công tác quản lý cai nghiện, quản lý các Trung tâm cai nghiện tại địa phương hiện nay cần giải quyết.
Trong công tác tuyên truyền, tuy đã có chuyển biến bước đầu nhưng chưa đủ mạnh. Việc tuyên truyền phòng, chống ma túy cho các đối tượng nghiện và có nguy cơ nghiện cao còn hạn chế. Hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy của các Bộ, ngành hoàn toàn là kiêm nhiệm, chúng ta thiếu các cơ quan hướng dẫn tuyên truyền giáo dục chuyên trách về phòng, chống ma túy. Công tác giảm cầu, tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy trong nhà trường, trong cán bộ công nhân viên chức, trên các tuyến giao thông vận tải... rất hạn chế.
Theo Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Bộ Công an,trong khi tội phạm ma tuý và tệ nạn nghiện ma túy liên hệ chặt chẽ với nhau giữa cung và cầu, giữa sản xuất và buôn bán, tiêu thụ, sử dụng ma túy, việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống và kiểm soát ma túy cho các Bộ, ngành hiện nay mang tính “mặt trận”, chia cắt. Điều này dẫn tới Việt Nam chưa có một lực lượng phòng, chống ma túy tinh nhuệ, đủ mạnh để đủ sức đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy.
Để ngăn chặn hiểm họa ma túy tàn phá xã hội, thời gian tới, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Bên cạnh việc huy động các đoàn thể xã hội và toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy, đẩy mạnh các biện pháp về tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân, tổ chức đấu tranh, mở rộng hợp tác quốc tế, hoàn thiện và xây dựng pháp luật về phòng, chống ma túy... cần thiết phải đổi mới, tổ chức lại các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy theo hướng gắn việc chỉ đạo đấu tranh giảm cung với giảm cầu ma túy, giảm tác hại ma túy. Việc thành lập cơ quan PCMT thống nhất như các nước trên thế giới và khu vực ASEAN là rất cấp thiết hiện nay để thực hiện các nghị quyết của Ðảng, Luật PCMT và các chương trình PCMT.
Bộ Công an cần bố trí lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở". Ðồng thời, tăng cường phối hợp các lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan để hướng dẫn, điều hành, làm nòng cốt trong tổ chức đấu tranh, phòng, chống và ngăn chặn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, PCMT tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển.
Đối với việc cai nghiện ma tuý cho những người nghiện tái nghiện nhiều lần, có tiền án, tiền sự với tư cách là những người vi phạm pháp luật và tội phạm, cần giao cho ngành Công an quản lý.
Tại các Đồn Công an và Công an phường cần thành lập Tổ Cảnh sát phòng, chống ma túy tập trung vào phát hiện các đường dây, ổ nhóm mua bán ma tuý, đấu tranh chống tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy, giám sát việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng và gia đình, quản lý sau cai nghiện; lập hồ sơ cai nghiện và đưa người nghiện ma tuý vào các Cơ sở chữa bệnh theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Phân công cán bộ Công an phối hợp với Trạm Y tế, tổ trưởng dân phố, trưởng bản, trưởng thôn, trưởng xóm, gia đình và các đoàn thể xã hội giám sát quản lý từng người nghiện ma túy và các đối tượng phạm tội về ma tuý tại cộng đồng.
*Tài liệu tham khảo: Kỷ yếu hội thảo khoa học "Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật về phòng, chống ma túy và phương hướng hoàn thiện" năm 2018 của Học viện Cảnh sát nhân dân.