Hạn chế dùng hộp xốp, nhựa đựng thức ăn

GD&ĐT - Trên thị trường hiện nay có rất nhiều đồ gia dụng bằng nhựa có chứa chất độc hại nhưng lại rất được người tiêu dùng ưa chuộng để chứa đựng thực phẩm. Khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm về việc dùng hộp xốp để đựng thức ăn trước đây vẫn chưa làm người tiêu dùng và người bán hàng lưu tâm. Người bán lẫn người mua vẫn dùng hộp xốp vì sự tiện lợi.

Hạn chế dùng hộp xốp, nhựa đựng thức ăn

Một người bán xôi tại khu vực chợ Phú Nhuận (TPHCM) rất ngạc nhiên khi nghe nói không nên để xôi nóng trong hộp xốp: “Bao nhiêu năm nay tôi vẫn bán như thế có thấy khách nói gì đâu, xôi mà không nóng khách đâu có thích”.

Trên thị trường hiện nay, các vật dụng làm bằng nhựa vô cùng đa dạng, mẫu mã phong phú, giá thành rẻ và được các bà nội trợ ưa chuộng. Các loại đồ nhựa mà có thương hiệu thường rất đắt so với “túi tiền” những người có thu nhập thấp. Vì thế, khi có nhu cầu mua đồ hộp nhựa về dùng, các loại sản phẩm có giá thành khá rẻ là sự lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng.

Thật không khó để tìm mua những vật dụng như hộp xốp, hộp nhựa. Thậm chí, người ta còn bày bán chúng bên các lề đường, chợ cóc. Khi được hỏi vì sao hộp xốp, hộp nhựa nguy hiểm cho sức khỏe nhưng vẫn bán cho người tiêu dùng, một chủ hàng cơm trên đường Nguyễn Thông (Q.3) thản nhiên nói: “Tôi bán nhưng có thấy người tiêu dùng thắc mắc hay phàn nàn gì đâu”.

Dạo quanh các tiệm bán cơm, thậm chí các sạp kinh doanh đồ nhựa, loại hộp nhựa như thế này vẫn được bán tràn lan. Chủ một quán phở trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, tính ra, trung bình mỗi ngày cửa hàng của chị sử dụng gần 100 tô làm bằng xốp để đựng phở cho khách mua mang về.

Còn tại cổng một số trường học ở quận 9, Thủ Đức, nhiều học sinh sau giờ tan trường thường mua nước ép trái cây, xúp cua nóng, phô mai que chiên nóng... đựng trong ly nhựa, hộp xốp để nhấm nháp. Chị Lê Lãm Thúy (quận 9) một phụ huynh đi đón con ở trường THCS Hoa Lưa (Q.9) nói:

“Tất nhiên chúng tôi biết những khuyến cáo không đựng thức ăn nóng, thức ăn có chứa dầu mỡ, thức ăn chua đựng trong hộp xốp nhựa, nhưng rất khó tuân thủ, vì khi mua thức ăn bên ngoài, tâm lý ai cũng vội vã, không mấy khi để ý những điều đó”.

Trên các đồ dùng bằng nhựa cũng không ghi rõ thành phần và những khuyến cáo khi sử dụng. Chẳng hạn, các hộp (dùng để đựng cơm hộp) hiện nay chủ yếu được sản xuất từ nhựa kém chất lượng. Chúng có thể dùng để đựng thức ăn nhưng phải là đồ nguội, chứ không phải cơm nóng, canh nóng như chúng ta vẫn đang dùng...

Vì việc sản xuất các đồ nhựa đựng thực phẩm ở nước ta hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ, đa số đều do các cơ sở tư nhân sản xuất từ nhựa tái sinh trên những thiết bị thô sơ, không đủ yêu cầu kỹ thuật, nên thường có chứa các yếu tố độc hại với cơ thể.

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho rằng: Lẽ ra, để đảm bảo tính an toàn cho người tiêu dùng, mặt hàng hộp xốp đựng thực phẩm phải được thẩm định chất lượng trước khi đưa ra thị trường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, sắp tới chi cục sẽ lấy một số mẫu như ly nhựa, ống hút, hộp xốp... để tiến hành kiểm tra chất lượng. Theo BS Huỳnh Mai, hộp xốp khó gây ngộ độc cấp tính nhưng những chất độc hại nếu có trong đó sẽ ngấm, tích tụ dần và gây ra những tác động không tốt cho sức khỏe về lâu dài.

Tuy nhiên, với tình hình thức ăn đường phố tràn lan, cuộc sống đô thị vội vã như hiện nay, việc hạn chế sử dụng hộp xốp là rất khó vì sự tiện dụng của nó. Tuy nhiên, “người tiêu dùng không nên lạm dụng, cần thận trọng khi sử dụng hộp xốp để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân”- bác sĩ Mai khuyến cáo.

Nói về vấn đề này, PGS-TS Phạm Thành Quân - Trưởng khoa kỹ thuật hóa học ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) cũng nhấn mạnh: “Chỉ nên sử dụng hộp xốp như giải pháp tình thế. Dùng hộp thủy tinh, gốm sứ đựng thực phẩm là an toàn hơn cả”. Ông phân tích thêm:

Đó là với các loại hộp nhựa sau một thời gian sử dụng và dùng chất tẩy rửa để làm sạch thường để lại vết trầy xước hay ngả màu. Đây nơi tích tụ các vi khuẩn, vi trùng gây hại cho sức khỏe, khiến người tiêu dùng có thể bị nhiễm độc, hay mắc một bệnh về đường ruột… Ngoài ra, ở các hộp nhựa làm từ nhựa kém chất lượng còn sản sinh chất độc BPA (đây là những chất có thể gây ra một số bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, vô sinh, béo phì, ung thư…).

Việc sử dụng hộp nhựa với sản phẩm đi kèm như hộp đựng kem, bình đựng nước ngọt, hộp đựng thức ăn chế biến sẵn… vẫn có nguy cơ bị nhiễm độc. Nhà sản xuất đã dùng nguyên liệu và áp dụng công nghệ cho loại nhựa sử dụng một lần, nên khi tái sử dụng ở nhiều nhiệt độ khác nhau sẽ sản sinh độc tố gây hại cho sức khỏe con người.

PGS-TS Phạm Thành Quân khuyến cáo: Không nên dùng hộp xốp, hộp nhựa chứa đựng các loại thức ăn, đồ uống nóng trên 100 độ C, nhất là các loại thức ăn rán có nhiều mỡ đang nóng; không dùng hộp xốp chứa đựng thức ăn, đồ uống chua (dưa muối, sa lát trộn dấm, nước chanh, nước chè chanh...) hay mỡ, dầu ăn; không dùng lò vi sóng để làm nóng thực phẩm chứa trong hộp xốp, hộp nhựa; chỉ dùng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; chỉ dùng một lần, không nên dùng trong thời gian dài.

Còn nếu bắt buộc phải xài đồ nhựa, ông Quân tư vấn: Để đảm bảo an toàn, nên mua đồ nhựa đựng thực phẩm của những nhãn hiệu có uy tín, có chứng nhận của cơ quan kiểm định. Nên chọn hộp nhựa vô cơ, cứng, màu trắng có độ trong, bóng cao, bề mặt không bị xước.Không dùng hộp xốp chứa đựng thức ăn, đồ uống chua (dưa muối, sa lát trộn dấm, nước chanh, nước chè chanh...) hay mỡ, dầu ăn. Không nên dùng các hộp có màu sặc sỡ như đỏ, xanh, cam, tím, vì chúng thường được phủ phẩm màu nhiều hóa chất, có thể gây nhiễm độc cho cơ thể, về lâu dài có thể là nguyên nhân gây nên các bệnh hiểm nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.