Không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà một số địa phương khác hiện nay cũng có xu hướng chuyển giáo viên THCS xuống dạy tiểu học trong quá trình bố trí, sắp xếp số giáo viên dư dôi để giải quyết bài toán thừa thiếu cục bộ giáo viên.
Việc bố trí giáo viên THCS xuống dạy tiểu học làm cho các giáo viên cảm thấy lo lắng bởi vì họ không có kiến thức sư phạm tiểu học và ảnh hưởng đến quyền lợi của các giáo viên. Tuy nhiên, nếu các giáo viên không đồng ý với việc bố trí như vậy thì bắt buộc phải cho nghỉ việc đối với số giáo viên dư dôi, nhất là giáo viên đang hợp đồng lao động.
Vì vậy, việc bố trí giáo viên THCS xuống dạy tiểu học là tình thế cực chẳng đã và phải thực hiện để giữ lại công việc cho các giáo viên, tránh tình trạng phải cho nghỉ việc hàng loạt.
Vấn đề đặt ra là phải làm tốt công tác tư tưởng cho các giáo viên, để họ yên tâm công tác. Khi xét duyệt số giáo viên THCS buộc phải chuyển xuống dạy tiểu học phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, đúng đối tượng, có tình, có lý… hạn chế tình trạng khiếu kiện tràn lan, phức tạp.
Bên cạnh đó, phải có kế hoạch đào tạo khẩn trương kiến thức sư phạm tiểu học để các giáo viên thích ứng với công việc, đảm bảo việc dạy học hiệu quả, chất lượng. Mặt khác, khi các trường THCS thiếu giáo viên thì ưu tiên xem xét, bố trí lại đối với các giáo viên THCS đã điều chuyển xuống dạy tiểu học.
Việc bố trí giáo viên THCS xuống dạy tiểu học chỉ là giải pháp tạm thời, để giải quyết vấn đề trước mắt nhưng về lâu dài phải bố trí, sắp xếp lại cho hợp lý. Do đó, việc bố trí như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục, bởi giáo viên không có kinh nghiệm, không được đào tạo bài bản, không phù hợp với cấp học, cho nên việc dạy học sẽ không phát huy hiệu quả. Ngoài ra, tâm lý của giáo viên không được ổn định nên khó có thể chuyên tâm, phát huy tính sáng tạo trong công việc.
Thiết nghĩ, các địa phương cần hạn chế việc sắp xếp, bố trí giáo viên THCS xuống dạy tiểu học để đảm bảo chất lượng giáo dục.