Hai vụ trao nhầm con: Sở Y tế Hà Nội lên tiếng

Ngày 15.3, Sở Y tế Hà Nội có văn bản gửi Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội báo cáo về 2 trường hợp trao nhầm con tại nhà hộ sinh Ba Đình và Đống Đa.

Hai vụ trao nhầm con: Sở Y tế Hà Nội lên tiếng
Những nạn nhân của việc trao nhầm con

Theo đó, ông Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: 2 trường hợp nhầm con nêu trên là hết sức hy hữu, xảy ra đã lâu (29 năm, 42 năm), việc tìm thông tin manh mối rất khó khăn. Với vụ việc của chị Hiền, nhà hộ sinh Ba Đình không còn hồ sơ. Vụ việc gia đình nhà bà Mai Hạnh, nhà hộ sinh Đống Đa còn lưu sổ đẻ nhưng việc tìm thông tin về những bà mẹ sinh con trong cùng khoảng thời gian rất khó (do thay đổi nơi sinh sống). Nếu có tìm thấy cũng phải được họ hợp tác; cán bộ y tế làm việc tại Nhà hộ sinh thời gian trước đã mất hoặc không nhớ được thông tin gợi ý cho việc tìm kiếm.

Tuy nhiên, với tinh thần chia sẻ cũng như thể hiện tính nhân văn trong giải quyết đề nghị của bà Mai Hạnh, chị Hiền, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng quận Ba Đình và quận Đống Đa tiếp tục rà soát hồ sơ lưu trữ, động viên cán bộ y tế thời kỳ đó cố gắng nhớ lại thông tin liên quan về những trường hợp sinh đẻ cùng thời gian với bà Hạnh và mẹ chị Hiền.

Đồng thời Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị cơ quan Công an 2 Quận tra cứu thông tin từ hồ sơ lưu trữ về hộ tịch giúp bà Hạnh, chị Hiền trong quá trình tìm kiếm. “Trong quá trình cung cấp thông tin phải thực hiện theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền và lợi ích của bà Hạnh, chị Hiền nhưng không làm ảnh hưởng tới quyền nhân thân của người khác”, đại diện Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết hiện cơ quan này đang chỉ đạo các cơ sở liên quan khẩn trương rà soát tìm kiếm thông tin cho hai gia đình bị trao nhầm con cách đây 29 và 42 năm. Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, hai trường hợp trao nhầm con nêu trên là vụ việc hy hữu trong quá khứ, hiện nay quy trình trao con ở bệnh viện khá chặt chẽ nên khó có tình trạng nhầm lẫn.

Nói về quy trình quản lý sau sinh hiện đại, các bác sĩ BV Phụ Sản TƯ cho biết: Ngay khi em bé chào đời, hộ sinh lập tức đưa em bé cho người mẹ - giám sát giới tính, giờ sinh, rồi đặt em bé còn chưa cắt dây rốn nằm úp trên bụng mẹ. Nhân viên y tế hỏi tên đứa trẻ rồi viết bệnh án, đồng thời, ghi thông tin 2 mẹ con và số thứ tự sinh vào bộ vòng đeo tay nhựa bằng loại mực không phai. Sau khi cùng người mẹ xác nhận lại thông tin, chiếc vòng lớn được đeo vào tay mẹ, vòng nhỏ đeo vào chân con. Bộ vòng mẹ-con này có đặc điểm là tháo ra sẽ không dùng được, nên không thể có chuyện tháo từ bé này đeo sang bé khác.

Xong xuôi, các nhân viên y tế mới tiếp tục các thủ thuật với người mẹ. Cho đến khi chuyển 2 mẹ con ra phòng sau đẻ, em bé vẫn nằm nguyên trên bụng mẹ. Trong trường hợp em bé bị bệnh lý phải chuyển xuống Khoa Sơ sinh, phải có nhà đi cùng.

Khi cuộc sinh nở bắt đầu, sản phụ được BV phát 3 áo sơ sinh và một mũ đã hấp tiệt trùng. Khi tắm, gia đình sẽ trực tiếp đưa áo cho hộ sinh thay và khi về, gia đình mang về hoặc hủy bỏ để tránh nhầm lẫn. Với qui trình hiện đại này ở BV Phụ sản Trung ương, không thể có chuyện nhầm con.

Trường hợp thứ nhất, ngày 13-5-2013, chị Lê Thanh Hiền đến nhà hộ sinh Đống Đa (thuộc Trung tâm Y tế Đống Đa) đề nghị giúp tìm hiểu thông tin về mẹ của chị là bà Phạm Tuyết Hoa, sinh chị Hiền tại Nhà hộ sinh Đống Đa vào ngày 12-12-1987. Theo chị Hiền, chị đi làm xét nghiệm xác định huyết thống ADN đã khẳng định chị không phải là con đẻ của bà Phạm Tuyết Hoa. Do vậy chị cầu cứu tới cơ quan chức năng giúp chị tìm kiếm người thân thực sự.

Trường hợp thứ hai là gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi), ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội đã nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người con gái bị trao nhầm cách đây 42 năm. Theo đó, ngày 10-10-1974, bà Hạnh sinh một cô con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình. Những đứa trẻ được đánh số, cùng với số người mẹ. Bà Hạnh mang số 33, nhưng nhận được đứa trẻ mang số 32. Thắc mắc bà Hạnh hỏi nhân viên y tế rằng con mình là số 33 sao đây lại là số 32 thì nhân viên y tế cho rằng trong lúc tắm rửa số đánh dấu bị mờ. Khi ra tìm thì những đứa trẻ đánh số gần cạnh đều đã được gia đình đưa về hết. Sau khi mang con về bà Hạnh đặt tên con là Tạ Thị Thu Trang. Mặc dù biết mình bị trao nhầm con song bà vẫn rất mực yêu thương chị Trang. Tuy nhiên, khi tuổi già, chồng mất bà Hạnh lại mong muốn tìm lại đứa con bị thất lạc từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa rõ tung tích người con gái. Bản thân chị Tạ Thị Thu Trang (người con được trao nhầm) cũng mong muốn tìm lại được cội nguồn của mình.

Theo Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ