Hái rong biển trên ghềnh đá kiếm tiền triệu

GD&TĐ - Thời điểm cuối Đông, đầu Xuân biển động, tạo điều kiện để loài rong biển sinh sôi. Đây cũng chính là lúc người dân ở vịnh Hòn La lấy rong biển trên các ghềnh đá, có ngày thu nhập tiền triệu.

Mùa rong biển thường trùng với thời điểm biển động, do đó có khá đông ngư dân nhàn cư đi hái “lộc biển” vào khoảng thời gian này.
Mùa rong biển thường trùng với thời điểm biển động, do đó có khá đông ngư dân nhàn cư đi hái “lộc biển” vào khoảng thời gian này.

Canh sóng để hái rong biển

Những ngày gần đây, tại vùng biển vịnh Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) người dân địa phương lại tập trung đến những ghềnh đá để hái rong biển. Rong ở vùng biển Hòn La có 2 loài chính là rong mứt và rong đỏ. Trong đó, rong mứt là loại nổi, thường mọc trên những tảng đá nổi ngang tầm mặt nước. Loại thứ 2 thường mọc ở chân ghềnh đá, nơi tiếp xúc với sóng biển, gọi là rong đỏ.

Cũng theo người dân ở xã Quảng Đông, rong biển thường mọc trên những ghềnh đá nằm sát chân sóng. Rong thường chỉ xuất hiện vào thời điểm cuối năm, sau những trận mưa kéo dài cho đến hết tháng 2 âm lịch, khi tiết trời bắt đầu ấm lên. Mùa rong biển trùng với thời điểm biển động. Vì vậy, ngư dân thường tranh thủ đi hái lộc biển trong những ngày không thể vươn khơi.

Anh Đinh Văn Dũng (SN 1986), trú thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông, là một trong những người thường xuyên lấy rong biển ở vịnh Hòn La cho biết:

“Hiện nay, giá rong đỏ khoảng 250 ngàn đồng/kg, mỗi ngày, anh cùng 4 người khác trong nhóm lấy được hơn 20kg thu về 5 triệu đồng, trung bình mỗi người được 1 triệu đồng”.

Mặc dù, nghề hái rong biển mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều ngư dân lúc biển động, thế nhưng đây thật sự là một nghề vất vả và đầy nguy hiểm… Đặc biệt là việc lấy rong đỏ trên các ghềnh đá cạnh các con sóng lớn.

“Tuy bản thân đã có kinh nghiệm hái rong đỏ nhiều năm nhưng tôi không ít lần bị sóng đánh úp, ngã xuống ghềnh đá và bị trầy xước hết tay chân. Thế nên, lúc lấy rong chúng tôi phải vừa hái rong vừa canh các cơn sóng liên tục. Khi thấy những cơn sóng lớn đằng xa là phải tìm cách trú ẩn. Việc lấy rong mang lại thu nhập cao với chúng tôi nhưng nếu không cẩn thận là bị sóng lôi xuống biển, mất mạng như chơi”, anh Dũng kinh nghiệm.

Khác với cánh đàn ông, những người phụ nữ ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, dù không thể khai thác được rong đỏ nên họ chỉ thu hái rong mứt trên các bãi đá. Công việc này cũng mang lại cho họ một nguồn thu nhập đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Hợi, trú thôn 19/5, xã Quảng Đông chia sẻ: “Khi thủy triều bắt đầu xuống, rong lộ ra, phủ đầy những ghềnh đá phủ, lúc này chúng tôi sẽ ra cạo đá lấy rong. Giá rong mứt không cao như rong đỏ nhưng với 2 đến 3kg thu được mỗi ngày thì tôi cũng kiếm được khoảng 500 ngàn đồng. Dù thời gian thu hái rong biển chỉ có 4 - 5 tháng nhưng mang lại cho chúng tôi nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn bởi dịch bệnh”.

Rong đỏ thường có giá 250 ngàn đồng/kg, thế nên người dân thu hái rong đỏ kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Rong đỏ thường có giá 250 ngàn đồng/kg, thế nên người dân thu hái rong đỏ kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Nguồn thu nhập những ngày biển động

Cũng theo người dân nơi đây cho hay, thời điểm cuối Đông, đầu Xuân chính là lúc biển động, từng cột sóng lớn đập vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa, tạo điều kiện để loài rong biển sinh sôi. Với loại rong mứt, do mọc trên đá nên khai thác dễ dàng, vào thời điểm mực nước biển xuống thấp, từng rạn đá ven biển lộ ra, chỉ cần dùng dao nhỏ cạy, cạo bứt rêu ra khỏi đá rồi mang về.

Thế nhưng, với loại rong đỏ lại khác, loại này thường mọc ở chân ghềnh đá, nơi tiếp xúc với sóng biển nên đòi hỏi người khai khác phải là những người đàn ông có sức khỏe, nhanh nhẹn và kinh nghiệm để tránh được những cơn sóng dữ…Theo chia sẻ của nhiều ngư dân chuyên hái rong đỏ, để lấy được loại rong này, phải bám vào những ghềnh đá trơn trượt, cheo leo bên mép sóng. Bởi lẽ, ở những nơi sóng đánh nhiều, đá càng trơn, càng chênh vênh thì rong đỏ mọc càng nhiều.

Theo các ngư dân, rong biển, đặc biệt là rong đỏ ở vùng biển xã Quảng Đông có tác dụng giải độc, thanh mát cơ thể, từ người lớn cho đến trẻ con đều ăn được. Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà rong đỏ ở vùng biển Quảng Đông được thương lái và người dân các xã lân cận săn lùng. Rong đỏ chỉ cần đưa về đến nhà là có thương lái tìm đến mua.

Nói về nghề lấy rong biển ở vịnh Hòn La, ông Lê Chí Tương, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông cho biết, nghề lấy rong biển tuy mỗi năm chỉ có khoảng 4 - 5 tháng, nhưng lại trùng với những ngày biển động nên thu hút được nhiều ngư dân trên địa bàn tham gia và mang về một nguồn thu khá cho người dân.

Tuy nhiên, đây cũng là một nghề rất nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy là để lại hậu quả xấu, từng có nhiều người tử nạn do trượt chân ngã và bị sóng cuốn đi. Chính quyền địa phương thường xuyên khuyến cáo bà con cần phải hết sức cẩn thận khi đi lấy rong biển.

Đối với ngư dân xã Quảng Đông, thu hoạch rong biển là “chiếc phao cứu cánh” thời vụ cho ngư dân trong khi dịch bệnh Covid-19 tại Quảng Bình đang diễn biến phức tạp. Cùng với đó, giá nhiên liệu cho mỗi chuyến đi biển tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của ngư dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ