Người phát ngôn Hải quân Trung Quốc Lương Dương cảnh báo bất kỳ hành động xâm nhập nào của tàu hải quân Mỹ vào vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền (phi pháp) ở Biển Đông đều có thể "gây ra các sự cố".
Cùng ngày, quân đội Đài Bắc (Trung Quốc - MND) cho biết, chính quyền hòn đảo này đang theo dõi diễn biến ở Biển Đông sau khi tàu chiến Mỹ tiến hành tuần tra trong khu vực.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ động thái của Mỹ, nêu rõ tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, trong đó có vùng Biển Đông, theo đúng luật pháp quốc tế.
Theo Reuters, tàu USS Lassen sẽ tiến gần các đảo Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa và khả năng sẽ được các máy bay do thám P-8A và P-3, vốn thường xuyên tiến hành hoạt động trong khu vực, hộ tống. Các chuyến tuần tra tiếp theo có thể sẽ diễn ra trong những tuần tới.
Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa nằm trong số 7 bãi đá của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ phi pháp. Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có Subi và Vành Khăn.
Trước việc báo chí Mỹ thông tin về việc Washington đưa tàu chiến vào vùng biển 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ:
"Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không của khu vực này.
Những đóng góp đó phải dựa trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhằm tiến tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)"./.