(GD&TĐ)-Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ GD&ĐT thống nhất với Tập đoàn dầu khí Việt Nam trình thành lập trường ĐH Dầu khí Việt Nam theo một trong hai phương án.
Phối cảnh khu đô thị Đại học Dầu khí Việt Nam tại Vĩnh Phúc |
Phương án thứ nhất là trường ĐH Dầu khí Việt Nam sẽ là trường ĐH công lập đặc biệt, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, không nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, thu học phí theo quy định đối với trường ĐH công lập.
Phương án thứ 2: Trường ĐH Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hoạt động theo cơ chế trường ĐH tư thục, không nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và tự quyết định về việc thu học phid.
Trường Đại học Dầu khí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép thành lập ngày 16/7/2008, là 1 đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Trường sẽ đào tạo các cán bộ khoa học công nghệ, quản lý kinh tế có trình độ đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học-công nghệ dầu khí đạt trình độ tiên tiến đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu, trường sẽ tập trung đào tạo chất lượng cao một số chuyên ngành đặc thù dầu khí như khoa học địa chất, công nghệ dầu khí, lọc hoá dầu, cơ khí tự động hoá, kinh tế và quản lý dầu khí, xây dựng công trình dầu khí, an toàn môi trường dầu khí. Ở giai đoạn tiếp theo, trường sẽ mở rộng thêm nhiều ngành khác như đường ống, bể chứa, công nghệ chế biến khí… Quy mô đào tạo căn cứ vào nhu cầu nhân lực theo từng giai đoạn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Trường có quy mô trên 300 ha với cơ sở vật chất đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đào tạo khoảng 17.000 sinh viên vào năm 2015 theo chuẩn quốc tế.
Lập Phương