Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhân lực Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng về kiến thức, kỹ năng hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng; quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà; phát hiện các trường hợp diễn biến nặng, chuyển tuyến kịp thời cho người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và các bệnh thông thường.
Nhân lực tham gia chương trình sẽ được đào tạo, tập huấn về quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm Covid-19 tại nhà và tại cộng đồng; thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19; tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19; truyền thông, vận động phòng, chống dịch Covid-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc một số bệnh thông thường khác.
Ngành Y tế TP. Hải Phòng huy động thành phần tham gia tập huấn là viên chức dân số, cộng tác viên dân số, y tế thôn; nhân lực tham gia Trạm Y tế lưu động; nhân lực tham gia tại Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng (bao gồm cả các lực lượng tại các tổ chức, đoàn thể, các hội…); nhân lực y tế tư nhân tại các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa đóng trên địa bàn quận, huyện; y tế cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; các tình nguyện viên gồm nhân viên y tế đã nghỉ hưu hoặc các tình nguyện viên là thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Theo kế hoạch này, mỗi xã, phường của thành phố phải chuẩn bị nhân lực cho ít nhất 1 Trạm Y tế lưu động và 10 Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà.
Dự kiến nhân lực cho 218 Trạm Y tế lưu động và 2.180 Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng với số lượng 8.720 nhân lực tại 15 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Trong đó gồm 212 bác sĩ, 4.586 học viên là y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, dược sĩ; 3.922 học viên không có trình độ chuyên môn về y, dược.
Ngành Y tế sẽ triển khai chương trình đào tạo từ tháng 12/2021, phấn đấu hoàn thành vào tháng 1/2022.