Hải Phòng: "Quan xã" xẻ thịt đất mương cho dân thuê làm ki-ốt

GD&TĐ - Hàng loạt ki-ốt, nhà ở cao tầng dọc khu chợ Hà Đỗ, xã Hồng Phong, huyện An Dương, TP Hải Phòng được xây dựng trên nền mương thoát nước chìm.

Nhiều ngôi nhà cao tầng xây dựng trên mương thoát nước.
Nhiều ngôi nhà cao tầng xây dựng trên mương thoát nước.

Thừa nhận đó là sai phạm từ tiền nhiệm, nhưng ông Nguyễn Văn Sáng - Chủ tịch UBND xã Hồng Phong vẫn tiếp tục cho “thuê” hàng chục lô đất với lý do “để lấy kinh phí giải quyết tồn tại cũ”.

Theo phản ánh của người dân xã Hồng Phong, khoảng 2 năm trở lại đây, khi Khu công nghiệp An Dương được xây dựng trên địa bàn xã thì giá bất động sản tăng vọt. Những thửa đất ven đường trục xã, mặt đường làng, đường thôn tăng giá gấp 5 - 7 lần thậm chí hàng chục lần.

Từ khi giá đất sôi động, những ki-ốt bán hàng có diện tích chừng 30 m2 dọc chợ Hà Đỗ cũng trở nên đắt đỏ. Mặc dù không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng người dân vẫn mua đi, bán lại, xây dựng nhà cao tầng để kinh doanh, buôn bán sầm uất.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc chợ Hà Đỗ có nhiều ki-ốt bán hàng “mọc” lên trên mặt mương chìm, thậm chí những ngôi nhà kiên cố 2 tầng, 3 tầng cũng chen nhau xây dựng. Khu chợ Hà Đỗ khá tấp nập, kinh doanh buôn bán sầm uất. Hiện, có nhiều phần đất trên mặt mương vẫn cắm biển cho thuê một cách ngang nhiên.

Trả lời Báo GD&TĐ về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Sáng - Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho hay, việc dân xây dựng ki-ốt trên mương chìm đoạn từ khu vực Máy bơm về Trại Nhật qua chợ Hà Đỗ là có thật. Nhưng đó là tồn tại từ thời Chủ tịch cũ năm 2003. Khi đó, các hộ dân đóng tiền để thuê ki-ốt.

Nhưng từ lúc có Dự án Khu công nghiệp An Dương xã phải dừng việc này. 66 hộ đã đóng tiền cho xã nhưng không được thuê đất đã kéo lên yêu cầu xã phải trả lại tiền. Trong khi đó, tiền của dân xã đã tiêu hết theo năm ngân sách nên “khi lên chủ tịch tôi chỉ giải quyết tồn tại cũ”.

Cách ông Sáng giải quyết tồn tại từ sai phạm cũ bằng việc cho 66 hộ dân bốc số thuê 11 ki-ốt để lấy kinh phí trả cho các hộ dân còn lại. Việc cho thuê 11 ki-ốt này được thực hiện từ năm 2018.

Ông Sáng khẳng định, dù biết việc cho thuê ki-ốt không thuộc thẩm quyền cấp xã nhưng khu mương đó nếu để không thì người dân thường lấy chỗ đổ rác. Việc cho thuê đất lấy tiền để giải quyết tồn tại cũ. Việc này xã cũng đã báo cáo UBND huyện An Dương.

Tuy nhiên, trước thông tin, dọc tuyến chợ Hà Đỗ có gần trăm ki-ốt được chính quyền xã cho thuê và có nhiều hộ đã xây nhà kiên cố, nhiều tầng trên nền mương, ông Sáng cho rằng, đó là tồn tại từ những chủ tịch trước đó.

Trước hiện tượng chính quyền xã tự ý cho dân thuê đất làm ki-ốt bán hàng sai quy định pháp luật, UBND huyện An Dương cần nhanh chóng xác minh, xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.