Hải Phòng: Mạnh tay chấn chỉnh dạy thêm, học thêm

GD&TĐ - Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT) không đúng quy định, nhiều quận huyện, trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng áp dụng những biện pháp xử lý phù hợp, sáng tạo, tạo nên một môi trường giáo dục tích cực.  

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền trong giờ dạy thêm miễn phí cho học sinh lớp 9
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền trong giờ dạy thêm miễn phí cho học sinh lớp 9

Vấn đề “nóng”

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp đầu năm học mới bên cạnh vấn đề tuyển sinh, lạm thu trong các cơ sở giáo dục thì tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định ngoài nhà trường là một vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hải Phòng, sau 5 năm triển khai thực hiện Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT và Quyết định 2050 của UBND thành phố quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hải Phòng, hầu hết cơ sở dạy thêm trong nhà trường không vi phạm về thời gian, thời lượng, học phí học thêm, số lượng học sinh học thêm. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy thêm, học thêm ngày càng được tăng cường, bảo đảm đúng quy định hiện tượng ép học sinh học thêm cơ bản được khắc phục. Dạy thêm, học thêm góp phần nâng cao đời sống cán bộ, giáo viên của các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay tình trạng dạy thêm học thêm vẫn còn một số bất cập, tồn tại như: Một số cơ sở giáo dục cho giáo viên không bảo đảm điều kiện về kiến thức, năng lực tham gia dạy thêm; việc phân loại học lực học sinh tại các nhà trường chưa sát khiến hiệu quả học thêm không cao; một số trường bố trí thời khóa biểu học thêm vượt số buổi, số tiết, thời lượng khiến học sinh không có nhiều thời gian tự học, tự nghiên cứu; việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi tổ chức, cá nhân dạy thêm khi chưa được cấp phép còn yếu; công tác phối hợp giữa Ban chỉ đạo dạy thêm, học thêm và các quận, huyện chưa quyết liệt, hiệu quả...

Tại hội thảo về dạy thêm, học thêm được tổ chức cuối tháng 9/2018, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Xuân Trường khẳng định: Việc học thêm phải xuất phát từ nhu cầu của học sinh và trên cơ sở đề nghị của phụ huynh học sinh, các nhà trường, các thầy, cô giáo tổ chức DTHT theo quy định. Tránh việc các trường học, giáo viên chạy theo thành tích, lợi nhuận nguồn thu từ DTHT mà vi phạm quy định, thậm chí còn “bật đèn xanh” cho giáo viên. Sở GD&ĐT chỉ đạo Phòng GD&ĐT cấp quận, huyện, các nhà trường cần thường xuyên quán triệt cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc quy định về DTHT.

Nhiều giải pháp tích cực

Thực tế, hiện nay nhiều trường vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết phù hợp. Nhưng cũng tại một số quận, huyện, trường học trên địa bàn Hải Phòng tình trạng dạy thêm, học thêm đã đi vào nền nếp nhờ những cách làm hiệu quả.

Quận Hồng Bàng là địa phương có giải pháp quyết liệt trong quản lý DTHT ngoài nhà trường. Năm học 2016 - 2017, Phòng GD&ĐT quận xử lý kỷ luật hai giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng vi phạm DTHT tại nhà, mỗi lớp học có hơn 20 học sinh. Năm học 2017 - 2018, trên địa bàn quận chỉ có 8 trường THCS được cấp phép DTHT trong trường, 6 giáo viên dạy giỏi cấp thành phố (được phép DTHT tại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức kỹ năng Minh Hiền). Hiện, các trường THCS trên địa bàn quận và 6 giáo viên trên đang tiếp tục làm hồ sơ xin cấp phép DTHT năm học 2018 - 2019. Để làm nghiêm công tác này, Phòng tham mưu giải pháp với UBND quận. Theo đó, ngay từ đầu năm học UBND quận Hồng Bàng xây dựng văn bản quản lý DTHT, đồng thời yêu cầu các trường xây dựng quản lý việc DTHT trong trường và quản lý đội ngũ giáo viên nhà trường về DTHT.

Đối với Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân) tình trạng dạy thêm học thêm sai quy định được chấn chỉnh nghiêm túc. Việc dạy thêm, học thêm trong trường được Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo, theo dõi sát sao, thường xuyên kiểm tra, dự giờ chuyên môn và kiểm tra chất lượng cuối kỳ của học sinh để đánh giá chất lượng dạy thêm của giáo viên. Từ đó, nhà trường đưa ra cách xử lý phù hợp đối với những trừng hợp dạy thêm, học thêm không đảm bảo chất lượng.

Đối với việc dạy thêm ngoài ngoài nhà trường, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền cho hay: Năm học trước, trường ký cấp phép dạy thêm cho 4 giáo viên được tham gia dạy tại một số trung tâm được Sở GD&ĐT cấp phép về dạy thêm, học thêm. Những giáo viên được phép dạy thêm đều là giáo viên giỏi cấp thành phố, có nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy.

Bà Huyền cũng cho hay, hiện Trường THCS Ngô Quyền khuyến khích giáo viên kèm phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi ngay trong trường, nhằm nâng cao chất lượng và hoàn toàn không thu bất kỳ khoản phí nào. Ngay bản thân hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thu Hương cũng tổ chức một lớp học thêm miễn phí vào chiều thứ 7 hàng tuần cho học sinh lớp 9 yếu môn Toán, để giúp các em nâng cao kiến thức thi vào lớp 10.

Đối với việc dạy thêm, học thêm không phép ngoài nhà trường, bà Huyền cho biết, việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mỗi đầu năm học nhà trường yêu cầu giáo viên có cam kết không dạy thêm, học thêm sai quy định và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.